SỨC MẠNH của phái yếu

Dù bất kỳ thời đại nào, phụ nữ vẫn chịu nhiều định kiến về giới và gặp lắm rào cản trong phát triển bản thân. Nhưng vượt lên tất cả, bằng bản tính nữ, họ luôn quyết liệt hoàn thiện mình, khẳng định vị trí xã hội.
CÙNG BẮT TAY TẠO CỘNG ĐỒNG
Hơn 70% chủ thể khởi nghiệp và OCOP trên địa bàn Quảng Nam là phụ nữ. Những năm qua, họ không chỉ nỗ lực phát triển sản phẩm mà còn chủ động kết nối, tạo thành một cộng đồng vững mạnh, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường.
Chính tinh thần liên kết này đã giúp nhiều nữ doanh nhân từng bước vượt qua khó khăn, khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thương trường.
.jpg)
Liên kết thương mại
Chị Lê Thị Bích Trâm - Chủ siêu thị mini Nấm Víp Organic tại TP.Tam Kỳ và thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) cho biết, nhiều thương hiệu quen thuộc trong cộng đồng khởi nghiệp Quảng Nam đã có mặt trên kệ hàng của Nấm Víp Organic như bánh chưng Bà Ba Hội, nem Lạc Sơn, chả ốc Huy Hoàng, phở khô lúa rẫy Thanh Bình, bánh kẹo Lộc Nhiên...
“Dù doanh số của những sản phẩm này chưa thực sự nổi bật so với các thương hiệu lớn trên thị trường, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng đồng hành và quảng bá. Tôi tin rằng, nếu kiên trì và có sự hỗ trợ đúng cách, sản phẩm OCOP địa phương sẽ ngày càng khẳng định được vị thế” - chị Trâm chia sẻ.
Theo chị Ngụy Như Thị Bích Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Nữ Doanh nhân, Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ Quảng Nam, chi hội hiện có gần 70 hội viên sinh hoạt tại các tổ hội cấp huyện. Với phương châm hỗ trợ nhau phát triển, chị em trong chi hội luôn tích cực kết nối thương mại, tìm kiếm nguồn hàng và chia sẻ đối tác.
Trước Tết Ất Tỵ 2025, doanh thu giao dịch nội bộ giữa các hội viên đã đạt gần 500 triệu đồng. “Chúng tôi sẵn sàng sử dụng sản phẩm của nhau trước khi tìm đối tác bên ngoài, đồng thời mạnh dạn góp ý để các chị em có cái nhìn khách quan hơn về sản phẩm, giúp sản phẩm ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường” - chị Trâm nói.

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, các nữ doanh nhân trong chi hội còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, tiếp thị, chiến lược phát triển kinh doanh. Nhiều hội viên khi mới bắt đầu khởi nghiệp còn bỡ ngỡ trong việc định vị thương hiệu, tìm kiếm thị trường, nhưng nhờ sự kết nối, hỗ trợ từ cộng đồng, họ dần định hướng rõ ràng và có những bước tiến vững chắc hơn.
Đào tạo kiến thức
Ngoài liên kết mở rộng thị trường, Chi hội Nữ Doanh nhân Quảng Nam còn chú trọng tổ chức các chương trình đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh và diễn đàn gặp gỡ chuyên gia kinh tế. Những buổi tọa đàm, hội thảo không chỉ mang lại kiến thức bổ ích mà còn tạo cơ hội kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp.
Gần đây nhất, diễn đàn khởi nghiệp “Cơ hội xuất khẩu toàn cầu” đã thu hút hơn 60 nữ doanh nhân tham gia. Tại đây, các nữ doanh nhân được chia sẻ về tiềm năng thị trường quốc tế, những thách thức khi đưa sản phẩm ra nước ngoài, cũng như các tiêu chuẩn và thủ tục pháp lý cần thiết để xuất khẩu. Ngoài ra, chương trình còn tạo cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp nữ và các đơn vị chuyên về xuất nhập khẩu, mở ra hướng hợp tác trong tương lai.
“Để tạo sự bứt phá trong kinh doanh, phụ nữ không chỉ cần làm mới bản thân mà còn phải mạnh dạn bước ra khỏi “lũy tre làng”, tiếp cận môi trường mới, năng động hơn. Vì vậy, chúng tôi đang lên kế hoạch hợp tác với Hội Nữ Doanh nhân TP.Hồ Chí Minh nhằm mở rộng kênh kết nối, học hỏi tư duy kinh doanh hiện đại và tiếp thu những sáng kiến mới từ thành phố sáng tạo này” - chị Ngụy Như Thị Bích Trâm cho biết.

Tại TP.Hồ Chí Minh, ở vai trò là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Duy Xuyên phía Nam, những năm qua, chị Nguyễn Thị Mỹ Dung (quê Duy Trinh, Duy Xuyên) luôn tích cực kết nối thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp của quê hương, đặc biệt là những sản phẩm do chị em phụ nữ sản xuất. Chị Dung hiện là Nhà sáng lập thương hiệu thời trang LadyDum và hệ thống Mỳ Quảng Bà Dung trên cả nước.
Theo chị, hầu hết chủ thể khởi nghiệp ở quê nhà vẫn kinh doanh theo phương thức truyền thống, chưa khai thác hiệu quả các kênh thương mại điện tử, marketing online... Vì vậy, việc đưa sản phẩm tiếp cận thị trường tại các đô thị lớn như TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Đồng cảm với khó khăn của chị em khởi nghiệp, chị Dung chủ động giới thiệu, quảng bá sản phẩm qua các kênh đối tác của mình.
Mỗi khi diễn ra các sự kiện trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP Quảng Nam tại các tỉnh phía Nam, Câu lạc bộ Doanh nhân Duy Xuyên phía Nam luôn nhiệt tình hỗ trợ, đảm bảo các chủ thể không phải mang sản phẩm trở về, tránh phát sinh chi phí không cần thiết. “Không chỉ hỗ trợ trong những chuyến “Nam tiến”, ngay tại TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi cũng kêu gọi hội viên doanh nhân tiêu thụ và kết nối sản phẩm của chị em ở quê với các quán ăn, nhà hàng, hệ thống phân phối bán lẻ... Hơn ai hết, là phụ nữ, tôi hiểu rõ những khó khăn, vất vả mà chị em ở quê phải trải qua khi khởi nghiệp. Vì vậy, bất cứ khi nào có thể hỗ trợ, giúp đỡ, chúng tôi luôn sẵn sàng” - chị Dung khẳng định.
ĐẸP TỪ LÒNG NHÂN ÁI
Tôi là một người theo quan điểm “đã là phụ nữ thì mặc nhiên là đẹp, vấn đề là người đó có nhận ra vẻ đẹp của mình và có chịu làm đẹp hay không”.
Nếu sinh ra với hình hài không đẹp như mong muốn, có đáng phải chìm ngập trong mặc cảm, u buồn, tự ti? Rất may là không. Phụ nữ có nhiều loại “nhan sắc” mà ngoại hình chỉ là một phần. Trong cuộc sống thường ngày, ta có thể dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ có ngoại hình không đẹp nhưng lại cực kỳ thu hút.

Liệu vẻ đẹp có thực sự chỉ đơn giản là những gì chúng ta thấy bằng mắt? Có thể, vẻ đẹp của người phụ nữ không phải lúc nào cũng đến từ những chuẩn mực sắc đẹp mà xã hội dựng lên. Vẻ đẹp ấy có thể đến từ một ánh mắt tự tin, một nụ cười tỏa sáng, một trái tim nhân ái, hay chính là sự mạnh mẽ, độc lập và tự tin trong cách sống.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên vẻ đẹp thực sự của một người phụ nữ chính là sự tự tin. Sự tự tin không phải là việc tự mãn hay kiêu ngạo, mà là khả năng nhìn nhận và yêu thương chính bản thân mình dù không hoàn hảo. Một người phụ nữ tự tin không chỉ tỏa ra sức hút mạnh mẽ mà còn khiến người khác cảm nhận được rằng cô ấy là người đáng ngưỡng mộ và đáng yêu. Phụ nữ tự tin không tìm cách che giấu khuyết điểm của mình, họ chấp nhận và yêu những gì mình có, và từ đó, họ càng trở nên quyến rũ hơn.
Một trong những yếu tố làm cho phụ nữ trở nên thật sự cuốn hút chính là lòng nhân ái. Vẻ đẹp thật sự không chỉ đến từ những gì ta thấy, mà từ những gì ta cảm nhận được khi tiếp xúc với người đó. Những hành động nhỏ, những cử chỉ yêu thương, sự chân thành trong giao tiếp chính là những gì tạo ra sự kết nối sâu sắc giữa người với người. Một phụ nữ có trái tim nhân hậu luôn khiến người khác cảm thấy an tâm và yêu mến.
Điều này hoàn toàn đúng với những gì mà chúng ta thấy ở nhiều người phụ nữ thành công, không chỉ nổi bật vì vẻ bề ngoài mà còn vì sự sâu sắc trong cách họ sống. Lòng nhân ái không phải là một phẩm chất dễ có, nhưng khi có được, nó chính là nguồn sức mạnh vô hình giúp người phụ nữ trở thành điểm sáng trong cuộc sống của người khác.
Hiện tại, Quảng Nam có 1 nữ đại biểu Quốc hội, chiếm tỷ lệ 14,3% (tăng 14,3%). Nữ tham gia cấp ủy tăng so với nhiệm kỳ 2015 - 2025, trong đó cấp tỉnh có 8/53 người, tỷ lệ 1,09% (tăng 7,95%); cấp huyện: 127/707, tỷ lệ 17,96 (tăng 3,66%); cấp xã: 814/3.279, tỷ lệ 24,8% (tăng 3,2%). Nữ đại biểu HĐND tăng so với nhiệm kỳ 2016-2021: Cấp tỉnh: 16/57, tỷ lệ 28% (tăng 2,08%); cấp huyện: 145/563, tỷ lệ 25,75 (tăng 2,08%; cấp xã: 1.422/5.302, tỷ lệ 26,6% (tăng 3,78%). Theo báo cáo tổng kết hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh: Cán bộ nữ có trình độ thạc sĩ: 946/2.292, tỷ lệ 41,27%; tiến sĩ 25/86, tỷ lệ 29,06%.
Bên cạnh đó, ít người để ý rằng, biết chăm sóc bản thân cũng là cách khiến chị em quyến rũ hơn. Tuy không phải lúc nào cũng cần phải chạy theo những chuẩn mực sắc đẹp, nhưng việc chăm sóc cơ thể, duy trì sức khỏe và tâm trạng tích cực là những điều giúp phụ nữ tự tin và đẹp hơn mỗi ngày. Chăm sóc bản thân không chỉ là việc trang điểm hay mặc đẹp, mà là việc yêu thương và tôn trọng cơ thể mình, giúp mình trở nên khỏe mạnh và luôn tươi mới.
Một người phụ nữ biết cách chăm sóc bản thân sẽ tự tin trong mọi tình huống, và đó chính là khi cô ấy tỏa sáng.
Điều cuối cùng, hơn ai hết, mỗi phụ nữ phải tin rằng mình đẹp và không ngừng bồi đắp “các loại nhan sắc”. Và chắc chắn người phụ nữ ấy sẽ đẹp lên từng ngày trong mắt người khác giới.
LUÔN BƯỚC VỀ PHÍA TRƯỚC...
Đất Quảng những ngày mới tái lập. Đất Quảng của hôm nay. Một hành trình ngoạn mục của vùng đất có những góp sức không nhỏ của đôi vai phụ nữ. Bước chân xăng xái vượt mọi gian nan, xây dựng đất mới. Bước chân tất tả vì chuyện lớn chuyện nhỏ, vì sự tiến bộ của phụ nữ xứ Quảng. Thời cũ, những bước chân khó vì hành trình gian nan. Thời nay, những bước chân buộc phải nhanh nhạy, năng động trước xu thế công nghệ. Phụ nữ xứ Quảng không bao giờ dừng lại. Họ luôn bước về phía trước...

Bà Hồ Thị Thanh Lâm - Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam:
Thúc đẩy chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính
Nhìn lại chặng đường 28 năm sau ngày tái lập tỉnh Quảng Nam, có thể thấy rõ vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, để có được vị trí này, phụ nữ tham chính đã phải trải qua không ít khó khăn, thử thách. Tôi cho rằng, bản lĩnh và sự kiên trì vượt khó chính là yếu tố giúp phụ nữ vững vàng trong hành trình đó.
Những ngày đầu tái lập tỉnh, bộn bề khó khăn, hạ tầng thiếu thốn, bộ máy hành chính non trẻ. Phụ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý khi đó rất ít, chật vật khẳng định mình giữa rất nhiều rào cản, vừa phải khẳng định năng lực chuyên môn, vừa phải vượt qua những định kiến về vai trò lãnh đạo của phụ nữ. Thời ấy, công nghệ còn hạn chế, tiếp cận thông tin, tri thức đã khó, gánh nặng gia đình lại càng đè nặng. Nhiều nữ cán bộ đã phải hy sinh thời gian cá nhân, nỗ lực gấp bội để vừa tròn nhiệm vụ với xã hội, vừa vẹn toàn bổn phận với gia đình.
Tuy nhiên, chính từ những khó khăn đó, bản lĩnh của phụ nữ tham chính càng được tôi luyện. Nhiều nữ cán bộ không chỉ làm tốt vai trò quản lý mà còn có đóng góp quan trọng trong hoạch định chính sách, xây dựng và phát triển địa phương. Họ vừa là những người quyết đoán, sâu sát trong công việc, vừa khéo léo trong cách xử lý vấn đề, điều hòa lợi ích giữa các bên.
Giai đoạn hiện nay, Quảng Nam có nhiều cán bộ nữ giữ chức vụ chủ chốt, tham gia Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành, có những đóng góp ghi đậm dấu ấn. Tôi tin rằng, hiện nay, nhiều cán bộ nữ được đào tạo bài bản về chuyên môn, chính trị, kinh qua nhiều vị trí công tác, là tiền đề quan trọng để quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo của tỉnh.
Hơn nữa, độ tuổi nghỉ hưu của nữ giới được nâng lên, cũng là cơ hội để cán bộ nữ phấn đấu, cống hiến. Để tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo, bên cạnh sự sẻ chia từ gia đình, rất cần sự quan tâm từ chính quyền các cấp và toàn xã hội. Nhà nước cần ban hành và thực thi hiệu quả các chính sách thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, trong đó cần chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch cán bộ nữ một cách bài bản. Đồng thời cấp ủy Đảng cần quan tâm hơn đến việc quy hoạch, cơ cấu cán bộ nữ trong các cơ quan trọng yếu, tạo điều kiện để họ có cơ hội thử thách, rèn luyện và khẳng định năng lực. Ngoài ra, cũng cần phát huy mạnh mẽ vai trò của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, bảo đảm tiếng nói của phụ nữ được lắng nghe và quyền lợi chính đáng của họ được bảo vệ.
MỸ LINH (ghi)
Bà Nguyễn Thị Một - nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh:
Mọi thứ đang thay đổi nhanh, phải liên tục học hỏi
Năm 1997, tôi được tỉnh tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam và đảm nhiệm cương vị này cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2007. Không phải là một lãnh đạo hội nữa, mà thật sự là một người chị, người bạn đồng hành với hàng nghìn phụ nữ ở Quảng Nam. Từ khi vào Hội là đời mình chia 70-30 rồi. 70% là xuống cơ sở, 30% làm việc ở cơ quan. Từ khi chia tách tỉnh, nhận nhiệm vụ ở Tam Kỳ, là thời gian còn eo hẹp hơn nữa, một tuần chỉ được về nhà một lần. Mà đâu phải mình tôi, nhìn quanh thấy chị em nào cũng thế cả thôi. Thời đó ai cũng vất vả nhưng tràn đầy nhiệt huyết…
Hơn 33 năm gắn bó với công tác hội, tôi nhận ra, làm công tác phụ nữ không chỉ là một nhiệm vụ hay công việc, mà còn là một sứ mệnh. Thấy chị em còn khổ cực, tôi tự nhủ mình phải làm gì đó để thay đổi. Gắn bó với công tác phụ nữ, tôi thấm thía những thiệt thòi mà chị em phải gánh chịu.
Áp lực xã hội là chuyện dễ thấy nhất, nhưng bạo lực gia đình mới vấn đề nhức nhối dai dẳng. Vì nó diễn ra âm thầm trong từng hẻm nhỏ, trong từng nếp nhà, từng bữa ăn. Hồi trước, có lẽ do ảnh hưởng tư tưởng phong kiến, chuyện chồng đi uống rượu say rồi về nhà quát tháo, bạo hành… là chuyện rất hay gặp. Nhiều chị em thậm chí còn quen với chuyện đó, họ nghĩ nhà nào cũng vậy, là phụ nữ thì phải chịu. Nếu phụ nữ không tự nâng cao nhận thức và năng lực thì rất khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó.
Nhưng thoát khỏi bằng cách nào? Chúng ta không chỉ tuyên truyền kêu gọi phụ nữ mạnh mẽ lên, vững vàng lên, mà không cho họ những điều kiện thiết thực. Công tác Hội phức tạp và gian nan hơn những lời động viên… Muốn đấu tranh vì nữ quyền, trước tiên phải giúp chị em có kiến thức, nghề nghiệp và sự tự tin để làm chủ cuộc đời mình.
Tôi đánh giá cao thế hệ phụ nữ trẻ ngày nay: năng động, tự tin và dám dấn thân vào các hoạt động xã hội, chính trị. Tuy nhiên, có năng lực, trình độ là tốt, nhưng đừng dừng lại. Mọi thứ đang thay đổi rất nhanh, phải liên tục học hỏi và thấu hiểu quần chúng. Con đường đấu tranh đòi quyền lợi cho phụ nữ vẫn còn dài. Thế hệ chúng tôi đã mở đường, con đường ấy vẫn cần những người tiếp bước.
MINH ĐỨC (ghi)
Yđêl Thị Mlát - Chủ tịch Hội LHPN xã A Nông (huyện Tây Giang):
Nỗ lực để phụ nữ nhận ra vị thế của mình
A Nông là một trong 5 xã vùng biên giới của huyện Tây Giang với 95% phụ nữ đồng bào Cơ Tu, đời sống nhiều khó khăn, phong trào phụ nữ trước đây hoạt động thiếu sôi nổi. Năm 2020, khi được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã A Nông, điều đầu tiên tôi làm là thành lập mô hình “Chi hội Phụ nữ nói không với tảo hôn” tại A Nông. Tôi nghĩ, phải vượt qua những hủ tục, thì phụ nữ Cơ Tu mới có cơ hội phát triển.
Ở miền núi, khi muốn tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ thì cán bộ phải làm gương, nói đi đôi với làm, đặc biệt là thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư tình cảm và chăm lo đời sống cho hội viên. Hội viên đa số khó khăn, đời sống còn nghèo nên bất cứ chương trình nào cũng khó vận động kinh phí của hội viên. Thay vì vận động các chị, tôi tìm cách để đẩy các chương trình sinh kế về những thôn còn khó, từ đây, các chị thấy rằng, bản thân họ cũng có thể làm được những việc sống được.
Đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của hội phụ nữ tôi lồng ghép tuyên truyền với cách làm phù hợp, vừa tiến bộ nhưng vẫn giữ được truyền thống văn hóa của đồng bào Cơ Tu. Đi tới từng thôn, gặp gỡ từng người, nghe từng câu chuyện của mỗi người A Nông để tôi biết được những khó khăn họ đang gặp phải. Rồi mình sẽ tìm cách để kết nối từng câu chuyện lại, tạo một mạng lưới để chị em có chỗ sẻ chia, thông hiểu cho nhau. Từng người một giúp nhau và gần hơn với các quan niệm về chăm sóc bản thân, vai trò của mình trong gia đình.
Biểu hiện của sự tuyên truyền thành công, có lẽ là sự tham gia nhiệt tình của các chị trong những hoạt động phong trào. Từ văn nghệ, thể thao, dân vũ… đã thu hút đông đảo chị em tham gia. Đến nay hơn 90% hội viên phụ nữ của A Nông tham gia sinh hoạt hội thường xuyên. Nếu trước đây hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trọng nam khinh nữ còn ăn sâu trong nhận thức của đồng bào thì nay hủ tục đó gần như được xóa bỏ, chị em phụ nữ đã đóng góp tiếng nói trong việc tự bảo vệ quyền lợi cho mình và trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
XUÂN HIỀN (ghi)
Bà Đặng Thị Lệ Thủy - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh:
Phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới
Những năm qua, công tác cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh đạt nhiều thành quả quan trọng. Việc xây dựng, thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ đã được chú trọng, có nhiều chương trình đào tạo cán bộ nữ theo từng lĩnh vực, gắn với quy hoạch; phối hợp thực hiện, hỗ trợ nâng cao năng lực, đào tạo nhân lực nữ cho phát triển kinh tế tri thức, thực hiện cử tuyển đào tạo cán bộ nữ trong đồng bào các dân tộc thiểu số và trong các lĩnh vực có tỷ lệ cán bộ nữ chưa cao.
Tỷ lệ phụ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo ngày càng tăng, từng bước xóa bỏ khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Nhiều cán bộ nữ được tín nhiệm giữ những trọng trách và qua thực tiễn công tác, đã khẳng định và phát huy được vai trò của mình trong các cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội các cấp.
Cùng với sự tiến bộ và phát triển của đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ nữ trí thức, nhà khoa học không ngừng phát triển, trưởng thành. Cán bộ nữ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ngày càng tăng; đã có những đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao. Đây là lực lượng nòng cốt, là hạt nhân lãnh đạo của đội ngũ cán bộ nữ trong công tác đào tạo, giúp đỡ và tập hợp sự đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ nhằm nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt và tham gia cấp ủy Đảng, HĐND, vì mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Tuy nhiên, trong thực tế, tỷ lệ cán bộ nữ cơ cấu trong các cấp ủy đảng, HĐND, UBND, giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý vẫn còn thấp; trình độ, năng lực, sự phấn đấu vươn lên của một bộ phận cán bộ nữ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Chúng tôi kiến nghị, đề xuất các cơ quan, đơn vị chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch, luân chuyển, bố trí, tạo nguồn cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý và phát triển toàn diện phụ nữ.
Cần xác định, việc tạo điều kiện để phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý là trách nhiệm và công việc quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, các địa phương, nhất là ở cấp cơ sở, để tránh sự thiếu hụt về số lượng cán bộ nữ. Công tác phụ nữ cần thực hiện sát hợp với từng đối tượng, vùng, miền, phát huy tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của phụ nữ vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
QUANG DANH (ghi)
Bà Nguyễn Thị Thu Lan - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ:
Nâng cao vai trò phụ nữ tham chính
Thời gian qua, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ nữ Quảng Nam đã có sự phát triển không ngừng cả về số lượng, chất lượng, ngày càng tham gia nhiều vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.
Tuy nhiên, có rất nhiều rào cản, thách thức để phụ nữ có thể vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà. Trước hết là những rào cản về nhận thức, định kiến giới vẫn còn. Càng khó khăn hơn khi người phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý mà không nhận được sự đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ từ phía người chồng và các thành viên trong gia đình.
Mặc dù xã hội hiện đại ngày nay đã có nhiều thay đổi trong suy nghĩ, nhìn nhận, nhưng trên thực tế phụ nữ vẫn phải gánh vác chủ yếu các công việc gia đình. Thực sự rất khó tính toán, sắp xếp làm sao để có một quỹ thời gian hợp lý cho công việc cơ quan, gia đình, học tập nâng cao trình độ, rồi kể cả quỹ thời gian cho chăm sóc sức khỏe, làm đẹp cho bản thân.
Bên cạnh đó, trong một bộ phận cán bộ nữ cũng còn tư tưởng an phận, bằng lòng với những cái hiện có, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên, nặng gánh công việc gia đình, dễ dàng lựa chọn hy sinh sự nghiệp để chăm lo gia đình. Vì vậy so với nam giới, phụ nữ ít có cơ hội, điều kiện, thời gian để học tập, nâng cao trình độ và phát triển trong công việc.
Tôi luôn nghĩ rằng, không phải ngẫu nhiên mà Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động cuộc vận động xây dựng người phụ nữ với những phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Phải không ngừng phấn đấu, nỗ lực, phải có bản lĩnh, nghị lực, dũng khí, đồng thời có phương pháp làm việc khoa học, chủ động sắp xếp quỹ thời gian thì chị em cán bộ nữ mới có thể toàn vẹn việc nước, việc nhà.
Việc xây dựng một hình mẫu người cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới như hiện nay có lẽ chính phụ nữ phải tự thay đổi, làm mới bản thân mình, nếu không sẽ bị công việc đào thải ngay.
Một việc tôi cho rằng rất quan trọng với một người lãnh đạo, quản lý, trong đó có cán bộ nữ là phải tăng cường các kỹ năng mềm, nhất là biết lắng nghe, cùng với nền tảng kiến thức được đào tạo và phải thường xuyên cập nhật, rèn luyện, bổ sung trong thực tiễn lãnh đạo quản lý của từng chị em. Cạnh đó, để nâng cao vai trò phụ nữ tham chính rất cần sự quan tâm trao cơ hội, tạo môi trường, vị trí để chị em cống hiến, rèn luyện. Tiếp tục đổi mới nhận thức về phụ nữ với tư cách là một lực lượng quan trọng trong sự phát triển của xã hội, phải được bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm, tạo mọi điều kiện để cán bộ nữ cống hiến, có điều kiện phát huy năng lực và khẳng định vị thế của mình.
NGỌC KẾT (ghi)




