Cùng ngoại đến trường
Hai phụ nữ một già - một trẻ dắt nhau đến giảng đường đại học, khiến nhiều người xúc động. Tình thân bắt đầu câu chuyện. Và tình người mang đến những kỳ diệu khác...

Phạm Nguyễn Thanh Lam - sinh viên năm 1 Khoa Tâm lý - giáo dục, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Đà Nẵng là cô gái quê Tiên Phước. Năm lớp 8, Lam rơi vào cảnh mù lòa vì bệnh glocom. Lam tuyệt vọng rồi rướn dậy bước đi.
Hành trình của cô gái Tiên Phước được hóa phép màu kỳ diệu khi một người khác đã cho cô ánh sáng. Đó là bà ngoại với lòng thương yêu cháu vô điều kiện.
Mái ấm đặc biệt của Lam và ngoại
Những ngày tháng 2, căn phòng ấm cúng, kiên cố vốn dành cho chuyên gia quốc tế ở ký túc xá Trường ĐH Sư phạm suốt ngày chộn rộn tiếng nói cười.
Căn phòng đặc biệt này được dành tặng Lam và bà ngoại trong một hành trình đẹp như cổ tích. Và cái kết có hậu của cổ tích này là món quà từ tình thương yêu của thầy cô, Ban Giám hiệu nhà trường cùng bè bạn của Lam.
Ngồi trên chiếc giường tầng, Lam vò mấy đầu ngón tay. Đôi mắt cô gái Tiên Phước vừa qua tuổi 18 giờ đã không thể bộc lộ chút cảm xúc sau nhiều năm mù lòa.
Lam cúi đầu khi được hỏi có thấy vui với “mái ấm” mà PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng xuống tận nơi kiểm tra, yêu cầu “đặc cách” riêng cho bà cháu hay không?
“Con không nhìn thấy gì xung quanh, nhưng con nghe thấy mùi mới của chăn nệm, gỗ, nước giặt. Con biết căn phòng này kín gió và sạch sẽ, ấm cúng lắm…” - Lam nói rồi bóp mạnh hai tay mình.

Lam và bà ngoại Huỳnh Thị Hồng (88 tuổi) là nhân vật trong một câu chuyện đến giảng đường vô cùng đặc biệt. Bà ngoại 88 tuổi từ quê nhà, gác hết mọi an vui tuổi già để theo cháu ra thành phố, cùng cháu đến trường.
Cô Lê Thị Ngọc Lan, chủ nhiệm lớp của Lam, kể rằng những ngày đầu khi Lam mới vào trường nhập học, cứ tầm tan trường là dưới ghế đá sân trường có một bà lão lóng ngóng cầm nón cời đứng đợi.
Khi thấy cháu từ mấy dãy hành lang được bạn bè níu tay hai bên dắt xuống, bà bước tới nhận đôi tay của cháu từ đám bạn rồi đặt lên vai mình. Bà đi trước, cháu đi sau. Hành trình ấy đều đặn, lặng lẽ mà cũng đầy mong manh với một người già từ quê ra thành phố đông đúc.
“Lúc đầu tôi không chú ý lắm, chỉ cho tới khi nhiều lần tan giờ đi xuống nhà xe vẫn thấy hình ảnh đầy xúc động ấy tôi mới ghé tới hỏi chuyện. Bất ngờ, đó là bà ngoại của sinh viên tôi dạy” - cô Lan nói.
Câu chuyện của bà khiến cô giáo trẻ cảm động và kể trên Facebook cá nhân. Ngay lập tức, mẩu chuyện tạo sự lan tỏa, rung động mạnh mẽ. Rất nhiều giảng viên, sinh viên trong Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã tìm tới “hai nhân vật chính” để được lắng nghe câu chuyện bình dị, đời thường nhưng cao cả này.
Yêu thương không biên giới
Sau kỳ nghỉ tết, bà Hồng lại đặt lên vai mình đôi bàn tay cháu để theo chuyến xe khách ra Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Vậy là cô cháu gái mà bà dành hết yêu thương đã qua học kỳ 2 của năm học đầu tiên đại học.

Cũng chừng ấy thời gian, bà chứng tỏ mình đủ khỏe để làm “đôi mắt” cho cháu vững vàng vào giảng đường.
Không giống như học kỳ 1 khi hai bà cháu chưa được nhiều người biết đến, giờ đây cả bà Hồng lẫn Lam đã được giúp đỡ với những ân tình đặc biệt. Không chỉ có những suất học bổng, một căn phòng tốt nhất ký túc xá nằm trong trường được dành cho họ.
Ở đó, giữa những cơn mưa tầm tã của Đà Nẵng, căn phòng hai bà cháu sáng điện và ấm áp. Chỗ ở gần trường nên đôi chân già nua, run lập cập của ngoại Lam cũng khỏe hơn, vì lớp học chỉ cách mấy bước chân.
Bà Hồng nói, ở quê, ba mẹ Lam ở cùng bà ngoại và sống dựa vào mấy sào ruộng. Lam là chị hai, sau Lam còn một cô em gái. Cô bé sinh ra trắng trẻo, lành lặn cho tới năm lên lớp 7 thì mắt có những triệu chứng mờ đục dần. Khi đi khám, các bác sĩ nói Lam bị bệnh thần kinh mắt glocom.
Để giữ lại ánh sáng cho Lam, cả gia đình tìm đủ nơi chữa chạy nhưng không thành. Quá khó khăn để cô học trò đứng dậy từ tuyệt vọng, Lam suy sụp, ít tiếp xúc và trò chuyện bất kỳ ai từ lúc nhận ra mình bị mù. Nhờ sự động viên, vỗ về của cha mẹ, ông bà, Lam dần lấy lại thăng bằng và chấp nhận thiệt thòi để đứng lên.
Không ai nghĩ rằng Lam học hết lớp 12. Càng ít người tin cô sẽ vào đại học. Cho tới một ngày khi Lam mở email trên điện thoại và nói với mẹ cha rằng đã được xét vào Khoa Tâm lý - giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng.

Bà Hồng nói ai cũng mừng, nhưng nghĩ cảnh cháu mù lòa lại thấy tủi thân. Đêm trước khi Lam lên đường ra thành phố nhập học, cuộc họp ở gia đình được tổ chức.
Ai cũng giơ tay xung phong được đưa cháu Lam ra thành phố nuôi ăn học 4 năm đại học, không chỉ bà Hồng mà có cả em gái của bà - vốn đã lưng còng, chân chậm, mắt mờ nhưng vẫn quyết xin theo để làm đôi mắt sáng cho cháu.
Sau khi phân tích các điều kiện, bà Hồng được “chọn” để làm người đồng hành theo cháu những ngày ở thành phố. Gia đình vốn nghèo khó, ba mẹ lại sống dựa vào đám ruộng nên nếu theo con ra thành phố thì sẽ không có cái ăn, không có tiền để nuôi hai con.
Suy đi tính lại, bà ngoại dù đã gần 90 tuổi nhưng vẫn là người phù hợp nhất để theo Lam ra phố.
Và khi cái đẹp nở hoa
Để chuẩn bị cho Lam ra Đà Nẵng ăn học, bố mẹ Lam phải ra tìm trọ, mua sắm đầy đủ vật dụng sinh hoạt cho hai bà cháu.
Sáng tháng 9/2024, chuyến xe buýt từ Tiên Phước đưa Lam cùng ngoại 87 tuổi rời quê. Hành trang chứa đầy ngọn bí, rau má, mấy quả bầu già, trứng vịt cùng những khấp khởi vui lo đan xen. Hai bà cháu trọ ở căn phòng ở hẻm đường Mẹ Suốt, cách trường chừng 15 phút đi bộ.

Bà Hồng cho biết vì cháu gái mù lòa nên bà phải làm mọi việc thay cháu, từ nấu cơm, đi chợ, giặt giũ quần áo, đưa cháu đi học và đón về sau giờ tan trường.
Do chưa từng ra phố, những ngày đầu bà Hồng đứng lóng ngóng giữa ngã tư vì thấy xe cộ lao vun vút. Rồi có hôm lạc đường không xác định được phương hướng, phải nhờ tới mấy chú xe ôm dẫn tới cổng trường…
Mọi thứ với người tuổi gần đất xa trời như bà quá khó khăn để thích ứng. Vậy mà bà đã quen được, rành đường, làm tròn vai trò đôi mắt sáng mỗi ngày đến trường cho cháu mình.
Cuối năm 2024, khi câu chuyện của bà Hồng và Lam được chia sẻ trên Facebook thì một cuộc vận động, tiếp sức cho hai bà cháu được thực hiện. PGS-TS. Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng gặp các bộ phận và đề nghị bố trí riêng căn phòng đẹp nhất trong ký túc xá cho hai bà cháu ở. Phòng không thu tiền, điện nước cũng được hỗ trợ.
“Câu chuyện “đặc cách” cho sinh viên khiếm thị và bà ngoại 87 tuổi vào ký túc xá ở miễn phí không chỉ giúp việc học tập của sinh viên thuận tiện hơn mà qua đây trường muốn lan tỏa thông điệp về sự sẻ chia, yêu thương, hỗ trợ trong môi trường giáo dục.
Nhà trường cũng muốn nhắn gửi các sinh viên “có điều kiện” cần cố gắng học tập tốt hơn vì khó khăn như bạn Lam mà vẫn không nản học. Đây cũng là cách nhà trường mong muốn xây dựng Trường ĐH Sư phạm trở thành ngôi trường thân thiện, giàu lòng nhân ái và sống có trách nhiệm” - PGS.TS Võ Văn Minh chia sẻ.
Không chỉ được bố trí chỗ ở ấm cúng, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng còn mời hai bà cháu Lam lên tuyên dương, dành những suất học bổng trong các buổi gặp gỡ đặc biệt. Trên sân khấu, bà ngoại của Lam được mời lên như cách truyền cảm hứng về sự hy sinh cao đẹp, cổ vũ tinh thần học tập không ngừng nghỉ đến với cộng đồng.