Truyện ngắn

Giang Chượp

NGUYỄN HIỆP 12/03/2025 12:45

(VHQN) - Qua khung cửa nối với gian hàng trưng bày, Giang gật gù mãn nguyện với những bình sứ, những chai lọ mẫu mã độc đáo mà Giang và nhóm cộng sự mới vừa bổ sung, nâng cấp cho phong phú mặt hàng nước mắm nhỉ nổi tiếng Giang Hương của mình.

GIANG CHUOP
Minh họa: HIỂN TRÍ

Giang vòng tay ôm nhẹ Hương vào lòng, nàng đang lim dim mắt, đầu ngã vào vai người chồng sắp cưới, để mặc những cơn gió biển mát lành vuốt ve mái tóc…

Giang loáng thoáng nhớ lại một thời lũ bạn làng biển này cứ ghẹo anh là Giang Chượp, là tên một công đoạn làm nước mắm, đoạn dang nắng kéo dài khi ủ chượp, vậy mà cái tên Giang Chượp lại vận vào người anh.

Giang loáng thoáng nhớ lại những năm tháng gọi là “thỏa chí tang bồng” của mình rồi gật gù thấy quyết định về quê lập nghiệp bằng nghề nước mắm là chí tình chí lý.

Bụi mịn, khói xe làm cho hơi thở khó nhọc, Giang dừng lại, trả số về không cho chiếc xe hai bánh cà tàng của mình, mệt mỏi thở dốc trước lằn vạch của trụ đèn đỏ; thành phố giờ tan tầm đông nghẹt người, xe nhích lết từng chút một thật ám ảnh.

Cái ý nghĩ “thành công mới về quê” trở nên vô lý, tại sao không phải thành công ngay trên quê nhà? Câu hỏi ấy hơn một lần khiến Giang cảm thấy bần thần cả người, khiến cho trái tim Giang nhói lên.

Giang chợt nhớ làng biển Cửa Khe - Thăng Bình quê mình với bầu không khí trong lành, với những sản vật biển ngon nhất vùng, ánh mắt anh chợt bừng sáng, có gì đó vừa lóe lên trong đầu, một quyết tâm đã được gọi tên bằng tất cả tâm trí của chàng trai trẻ đang nuôi trong mình biết bao hoài bão.

Giang tốt nghiệp đại học đã hai năm rồi, nghề chế biến thủy sản của anh cũng dễ tìm việc, mức lương cũng giúp anh xoay xở trụ được ở thành phố phương Nam sầm uất này nhưng tiếng gọi của quê hương thôi thúc anh từng ngày.

Câu ca xưa “Nhất mắm Cửa Khe, nhì chè An Phú” cứ vang vang bên tai, anh nghĩ mình còn mắc nợ quê nhà một lời hứa, lời hứa ngày anh còn mài đũng quần trên ghế trường đại học, mắc nợ một cái tên đã vận thành con người ngày nay: Giang Chượp.

Những gì cha ông để lại thật tuyệt, nếu thế hệ của anh không đoái hoài gì đến gia sản quý giá đó quả là trọng tội với tổ tiên. Nhiều đêm nằm gác tay lên trán, Giang nghĩ lung lắm, khởi nghiệp từ làng biển quê nhà là ý tưởng khiến đầu óc anh nóng ran từng đêm.

Hai năm lăn lộn trong nghề ở môi trường năng động của thành phố, Giang có được khá nhiều kinh nghiệm. Chỉ một khó khăn mãi vương vấn trong đầu Giang là liệu Hương có chịu theo anh về quê không, trong khi cửa hàng buôn bán của gia đình Hương ở thành phố đang ăn nên làm ra, rất cần người quản lý.

Chần chừ mãi rồi đến một ngày, trong bữa ăn mà Giang được ba má Hương mời, Giang cũng nói ra được ước nguyện về quê với dự án cải tiến, nâng cấp cách chế biến và phong phú hóa khâu bao bì, chai lọ cho các sản phẩm truyền thống, tạo thương hiệu nước mắm Giang Hương - Cửa Khe không chỉ ngon mà còn phải đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh nữa, có như vậy mới mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

Thật bất ngờ, không chỉ Hương ủng hộ anh hết mình mà ba má Hương cũng tâm đắc với ý tưởng và quyết tâm của chàng rể tương lai, ông bà sẵn sàng hỗ trợ vốn liếng ban đầu “nếu hai con cần”.

Làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe đã tồn tại từ bao đời nay, làng biển Cửa Khe có từ bao đời nay, gần đây cũng đã được tỉnh công nhận làng nghề truyền thống nhưng tại sao người dân mình vẫn nghèo?

Câu hỏi đó khiến Giang nhiều lúc thẫn thờ như người mất hồn. Nhiều giấc mơ của Giang cứ hiện lên hình ảnh các bể ủ chượp, hình ảnh những hạt muối và những con cá cơm than, cơm sọc tiêu, cơm sọc phấn, cơm đỏ, cơm lép…, những giống cá tạo nên dòng sản phẩm nước mắm nổi tiếng của quê mình.

Việc đầu tiên khi Giang Chượp về quê là kiểm tra, làm sạch các thùng lều của ông bà nội để lại, lợp lại các mái che và làm vệ sinh sạch sẽ chung quanh.

Ngày, anh đi thăm các nơi còn giữ nghề nước mắm truyền thống, nghe ngóng kinh nghiệm và trực tiếp quan sát các công đoạn làm mắm, từ khâu chọn cá, muối, đến chượp ủ, chiết rút. Giang trực tiếp quan sát phân tích từng lớp ván đen có mùi hắc do thiếu muối, là nguyên nhân giảm chất lượng nước mắm.

Đêm, anh gần như thao thức mãi với bản vẽ thiết kế các mẫu mã chai lọ, từ thủy tinh đến gốm sứ, từ nhãn hiệu đến logo... Sau khi vận hành nhà lều làm mắm trở lại, mở được cửa hàng với các sản phẩm như ý, Giang còn đi gặp và mời mọc kết hợp với các tour du lịch, trải nghiệm, các resort ở khắp làng chài Cửa Khe và các làng biển lân cận.

Sản phẩm nước mắm Giang Hương vừa thơm ngon vừa sang đẹp đã được thị trường nhanh chóng đón nhận.

Mới đó mà đã ba năm trôi qua, vẫn còn đó vài khó khăn nhưng Giang Hương đã trở thành một tên tuổi trong làng. Người ta vẫn biết Giang chính là Giang Chượp nhưng ít ai biết cái tên Hương phía sau nhãn hiệu là tên cô dâu trong ngày cưới sắp tới, là một trong những động cơ giúp anh nỗ lực và chính sức mạnh tình yêu đã hỗ trợ giúp anh vượt qua những khó khăn chồng chất ban đầu.

Hương về làng lần này là để cùng với chồng sắp cưới lo toan mọi việc cho lễ cưới sắp tới của họ.

Lắng nghe gió hát! Lắng nghe nắng reo! Chưa bao giờ Giang có được cảm giác lắng dịu lâng lâng như hôm nay. Cửa Khe ơi! Tôi đã về, thằng Giang Chượp đã về đây thật rồi!

Quê hương làng biển đâu chỉ biển xanh, cát trắng, nắng vàng, nơi đây còn có những cơn gió du dương khúc hoan ca hạnh phúc khi đứa con bôn ba lạc xứ của mình quay về, thực sự quay về... Giang Chượp, nghĩ đến cái tên buồn cười thời trẻ trâu ấy, Giang lại mỉm cười, vòng tay ôm chặt người vợ sắp cưới. Ngoài khung cửa sổ của quầy hàng nước mắm nhỉ Giang Hương, dường như mùa xuân dài hơn mọi năm...

NGUYỄN HIỆP