Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm việc tại Quảng Nam:Kiến nghị nhiều vấn đề về liên kết sản xuất nông nghiệp và giảm nghèo bền vững
(QNO) - Chiều nay 18/3, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường do Thứ trưởng Võ Văn Hưng dẫn đầu có cuộc làm việc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu và lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan về tình hình phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp, liên kết chuỗi giá trị; chương trình giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát và một số nội dung quan trọng khác.

Nỗ lực liên kết sản xuất
Báo cáo tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 1 liên hiệp HTX nông nghiệp, 556 HTX nông nghiệp với khoảng 100.000 thành viên.
Những năm qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp của Quảng Nam không ngừng thay đổi để thích ứng với hoạt động sản xuất - kinh doanh ngày càng đa dạng, có đóng góp quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, thực hiện chương trình OCOP, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…
Theo ông Vũ, thực hiện Nghị định số 98 (ngày 5/7/2018) của Chính phủ, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện xây dựng dự án/kế hoạch liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
“Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 90 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị được UBND cấp huyện phê duyệt với tổng kinh phí thực hiện gần 340 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ hơn 58 tỷ đồng; có 92 HTX và 77 doanh nghiệp tham gia làm chủ trì liên kết, có 19.089 hộ dân tham gia thực hiện liên kết. Các dự án tập trung ở lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp và chăn nuôi” - ông Vũ nói.

Về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường cho hay, thời gian qua các nội dung, nhiệm vụ của chương trình đã được các cấp, ngành của Quảng Nam triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, phát huy hiệu quả. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát kinh tế - xã hội, nhất là cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh còn chiếm tỷ lệ 6,35% (28.227 hộ), giảm 1,12% so với năm 2023. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 4,56% (20.272 hộ), giảm 1,01% so với năm 2023 (đạt chỉ tiêu giảm bình quân 0,3 - 0,4% theo Quyết định số 652 ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ giao); tỷ lệ hộ cận nghèo đa chiều là 1,79% (7.955 hộ), giảm 0,11% so với năm 2023…
Phát sinh vướng mắc
Ông Nguyễn Xuân Vũ nói, khó khăn trong thực hiện Nghị định số 98 của Chính phủ là một số hạng mục hạ tầng thiết yếu phục vụ liên kết sản xuất nhưng không thuộc đối tượng được hỗ trợ như sân phơi, hệ thống tưới tiêu tiên tiến - tự động, lọc nước tưới, hệ thống điện sản xuất, bờ bao cách ly trong sản xuất hữu cơ, nhà màng, nhà lưới...
Cạnh đó, Nghị định số 98 không quy định cơ chế hay mức hỗ trợ xử lý rủi ro bất khả kháng xảy ra trong quá trình triển khai thực hiện liên kết sản xuất. Trong khi đó, nội dung này được quy định tại Nghị định số 02 (ngày 9/1/2017) của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nhưng mức hỗ trợ quá thấp nên các chủ trì thực hiện dự án không đủ khả năng trả nợ khi triển khai dự án bị thất bại.
“Thời gian qua, chưa có văn bản hướng dẫn các thủ tục thanh quyết toán các nguồn kinh phí để thống nhất nên việc triển khai thực hiện ở các tỉnh không thống nhất và gặp nhiều khó khăn” - ông Vũ nói thêm.
Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Nam nhìn nhận, nguồn vốn các năm 2022, 2023, 2024 kéo dài sang năm 2025 và kế hoạch vốn năm 2025 cộng lại rất lớn (hơn 1.000 tỷ đồng) nên rất áp lực cho việc giải ngân vốn của các sở, ngành, đơn vị của cấp tỉnh và các địa phương.
Năm 2025, Trung ương chậm giao vốn sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các nội dung của các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình theo kế hoạch đề ra từ đầu năm, nhất là trong triển khai thực hiện Dự án 5 về hỗ trợ nhà ở trên địa bàn các huyện nghèo.
Đáng chú ý, hiện nay đang trong giai đoạn thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, bỏ cấp huyện và sáp nhập cấp tỉnh nên việc tham mưu giao vốn về cho các địa phương để triển khai thực hiện các nội dung của chương trình gặp nhiều khó khăn...

Tại cuộc làm việc, tỉnh Quảng Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và môi trường đề xuất Chính phủ sớm ban hành nghị định và nguồn kinh phí về hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; điều chỉnh Nghị định số 98 (ngày 5/7/2018) của Chính phủ cho phù hợp với tình hình hiện nay; có cơ chế cụ thể và hỗ trợ kinh phí cho bảo tồn và phát triển ngành nghề, ngành nghề nông thôn.
Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, cần hướng dẫn cụ thể chính sách xuất khẩu lao động thuộc Tiểu dự án 2 - Dự án 4 để thực hiện không trùng lặp nội dung, đối tượng trên địa bàn huyện nghèo của chương trình với nội dung, đối tượng thực hiện trên địa bàn các thôn, xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng đánh giá cao những nỗ lực của Quảng Nam trong phát triển lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp, liên kết chuỗi giá trị, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững… Đồng thời, ghi nhận những đề xuất của tỉnh và cho biết sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.