Chuyện ít biết về những ngày giải phóng Quảng Nam
Kỷ niệm 50 năm giải phóng, đọc lại 87 bức điện của Trung ương gửi Tỉnh ủy Quảng Nam, Quảng Đà và ngược lại, cùng nhiều tài liệu liên quan cho ta nhiều thông tin thú vị về cuộc tiến công giải phóng Quảng Nam.

Bài viết này sử dụng một số “mật điện” nêu trên, cùng với hồi ký của những đồng chí lãnh đạo chủ chốt Quảng Nam, Quảng Đà hiện lưu tại Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Đà Nẵng, hầu giúp bạn đọc nhìn lại một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất Quảng (những đoạn trong ngoặc kép được trích nguyên văn từ tài liệu gốc).
Theo dấu tàng thư
Những ngày giữa tháng 3/1975, khắp các huyện, thị của Quảng Nam, quân dân ta đồng loạt tấn công tiêu diệt, gọi hàng quân địch. Tam Kỳ - trọng điểm của tỉnh Quảng Nam luôn là nỗi bận tâm của Tỉnh ủy.
Ngày 18/3/1975, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành mật điện Số 22/TK, N20/3, “gửi Nam Tam Kỳ, Thị xã và anh Thiếp” nêu rõ: “Tình hình đang phát triển thuận lợi, A1 sẽ diệt bọn tàn quân và quân viện lớn. Lực lượng ta ở A2 đã xuống vùng Đông an toàn. Ngày 17/3, nổ súng chiếm Hưng Mỹ, Châu Khê Đông Trì, đang phát triển thuận lợi. Do đó các huyện, thị cần tranh thủ thời cơ đẩy mạnh hoạt động tấn công và nổi dậy.
Thị xã và Nam và Bắc Tam Kỳ phong trào đấu tranh của quần chúng đang lên cao. Cần tiếp tục chỉ đạo đưa lên liên tục với mức ngày càng nhiều, mạnh, đòi xác chồng con; vừa tấn công làm rã lính, tề, rã phòng vệ dân sự; vừa vận động quần chúng che giấu, bảo vệ và giữ thanh niên không cho địch bắt lính, đưa thanh niên ra vùng ta; lực lượng biệt động, du kích, tự vệ mật phải đánh thọc sâu, diệt ác, đánh các chốt kẹp dân, đánh ấp, đánh khu dồn dân đưa dân về, làm rã nhiều phòng vệ dân sự, không nên chờ đợi trọng điểm, chờ đợi vũ trang, nơi nào có điều kiện thì cho nổi dậy để khỏi mất thời cơ”.
Đêm 18/3/1975, đồng chí Võ Chí Công gửi cho Bộ Chính trị một bức mật điện: “Hỏa tốc, số 12-23g, 18/3/1975: Có hiện tượng địch rút Huế, lực lượng tổng dự bị cũng rút, đề nghị Bộ Chính trị điều quân tấn công giải phóng Đà Nẵng. Còn phía trong (các tỉnh đồng bằng) chúng tôi sẽ làm theo điện vừa báo cáo các anh”.
Tại Quảng Nam, đồng chí Hoàng Minh Thắng nhớ lại: “Ngày 20/2/1975, tôi họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận bố trí lại lực lượng tích cực và khẩn trương hơn.
Cuộc họp phân công các đồng chí Tỉnh ủy đi các hướng theo kế hoạch mới: Đồng chí Vũ Văn Đoàn - Phó Bí thư Tỉnh ủy và một bộ phận cán bộ cùng Sư đoàn 2 đi hướng Tiên Phước, Phước Lâm. Đồng chí Nguyễn Thành - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Lê Hải Lý - quyền Tỉnh đội trưởng, đồng chí Trần Anh Vũ - Chính trị viên phó Tỉnh đội cùng các đồng chí Nguyễn Thành Năm, Phan Thanh Toán - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình chỉ huy mặt trận vùng Đông. Đồng chí Đỗ Thế Chấp - Phó Bí thư trực ở hậu cứ. Tôi sẽ cùng cán bộ Tỉnh ủy, Tỉnh đội lập một cơ quan dã chiến chỉ huy tiền phương đóng ở đồi Tròn thôn Đức An xã Bình Phú”.
Ngày 21/3/1975, một Trung đoàn thuộc Sư đoàn 2 của ta đánh chiếm Tuần Dưỡng, cắt đường bộ từ Tam Kỳ ra Đà Nẵng, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 5 thuộc Sư đoàn 2 ngụy, uy hiếp Tam Kỳ, kéo Sư đoàn 2 ngụy từ Quảng Ngãi ra để tiêu diệt.
Một tài liệu của chính quyền Sài Gòn cho biết: “Việt Cộng gia tăng áp lực mạnh tại quận Phú Lộc (Nam Thừa Thiên), chiếm một đoạn đường của quốc lộ 1A, tràn ngập vị trí của 2 tiểu đoàn Biệt động quân ở vùng Tây quận lỵ kể trên, bộ binh Việt Nam Cộng hòa đã giật sập cầu Thừa Lưu trên quốc lộ 1A. Trước áp lực nặng nề của Việt Cộng, lực lượng Việt Nam Cộng hòa đã phá sập cầu Truồi trên quốc lộ 1A. Tại Quảng Tín và Quảng Ngãi, Việt Cộng đánh mạnh tại các vùng Thăng Bình, Tam Kỳ, Mộ Đức, Đức Phổ và Tư Nghĩa với 10 vụ tấn công”.
Trước tình hình nguy khốn đó, Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống chính quyền Sài Gòn ban hành công điện khẩn ra lệnh quân đội Sài Gòn “tử thủ”: “Để tránh cho các đơn vị của ta khỏi bị bao vây và bị tiêu diệt lần hồi bởi một quân số địch đông gấp bội, trong lúc chúng ta không có phương tiện yểm trợ đầy đủ tại một chiến trường không thuận lợi cho ta và trong bối cảnh khó khăn chung của toàn vùng, cho nên vị Tư lệnh chiến trường buộc lòng phải về tử thủ Đà Nẵng và Quảng Nam!”.

Bản hùng ca xứ Quảng
Ngày 23/3/1975, Khu ủy 5 triệu tập cuộc họp bàn việc tổng tiến công, nổi dậy toàn Khu, trọng điểm là Tam Kỳ và Đà Nẵng. Đồng chí Trần Thận nhớ lại: “Từ cơ quan Đặc khu ủy ở phía bắc chân núi Hòn Tàu, chiếc xe oát đưa 3 chúng tôi bò lắc lư trên con đường mới khai thông ra đường 105 qua đèo Le, đèo Răm, đường 16, qua phà Tân An đi về cơ quan Khu ủy 5 sáng ngày 23/3/1975. Đồng chí Thắng - cán bộ văn phòng Khu ủy đón đưa chúng tôi đến nơi nghỉ khoảng 20 phút, đồng chí Năm Công - Bí thư Khu ủy đến làm việc ngay, đồng chí nói ngắn gọn về diễn biến và nhận định tình hình chung toàn chiến trường, nhận định khả năng địch có thể rút bỏ Huế co cụm về Đà Nẵng, thời cơ giải phóng Đà Nẵng đã đến. Đồng chí đưa ra phương án:
- Khi thành phố Huế và Tam Kỳ được giải phóng, địch bên trong Đà Nẵng bị rối loạn, nếu chủ lực kịp có mặt thì toàn bộ lực lượng vũ trang, chính trị tại chỗ, kịp thời tấn công nổi dậy giải phóng thành phố.
- Sau khi giải phóng Tam Kỳ, lực lượng của ta sẽ tiến ra giải phóng Đà Nẵng, Sư đoàn 304 đang đứng chân ở Thượng Đức sẽ từ phía Tây Nam đánh xuống.
Ngay lập tức, bức điện “hỏa tốc” ngày 23/3/1975 của Tỉnh ủy Quảng Nam gửi cho các huyện, thị nêu rõ: “Tình hình phát triển rất thuận lợi. Theo điện của anh Năm Công “Cách mạng đang trong tình thế chín muồi” có đầy đủ khả năng giải phóng toàn bộ Khu 5 trong thời gian không lâu. Cho nên phải huy động toàn bộ lực lượng nỗ lực cao nhất dám hy sinh, nắm vững thời cơ nghìn năm có một tổng tấn công và tổng nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Chúng ta thấy ở tỉnh ta việc giải phóng thị xã sẽ chắc chắn và cũng không lâu. Cần phải động viên toàn bộ lực lượng phía sau ra phía trước tổng tấn công và tổng nổi dậy, một người một súng cũng tấn công. Các anh soát xét lại lực lượng tấn công và nổi dậy giải phóng nông thôn, cắt đứt trục đường số 1 ven thị xã, sẵn sàng giải phóng thị xã Tam Kỳ.
Anh Đoàn sắp xếp chuyển đại bộ phận cán bộ tỉnh ở Tiên Phước xuống phía Nam. Số cán bộ đông Thăng Bình và Đông bắc Tam Kỳ đưa về ngoài này để đi vùng Đông. Đối với Đông bắc Tam Kỳ nếu hành lang phía trong thông suốt thì đi, không thì ra phía ngoài đi xuống. Tôi sẽ vào thị xã cùng các anh chỉ đạo cánh Nam, ngày 24-25 tôi đến (Mười)”.
Lúc 5 giờ 15 phút ngày 24/3/1975, trận quyết chiến tại Quảng Nam bắt đầu. Pháo tầm xa của ta chuyển làn bắn vào Tỉnh đường Quảng Tín, Tam Kỳ, Quán Rường, Tuần Dưỡng.
Ở các hướng, các cánh quân của Sư đoàn đồng loạt xông lên. Sau 2 giờ rưỡi chiến đấu trên hướng tiến công chủ yếu vào các mũi quân của Sư đoàn 2, làm cho tuyến phòng ngự phía tây thị xã Tam Kỳ của địch bị phá vỡ, quân địch tháo chạy. Ba chiếc T54 của ta ầm ầm lao lên, bọn địch cầm cự ở sân bay Ngọc Bích hoảng hốt bỏ chạy. Bộ đội Tiểu đoàn 90 chiếm ngã ba Trường Xuân, truy kích, bắt sống những tên địch tháo chạy.
Tỉnh trưởng Quảng Tín là Đại tá Đào Mộng Xuân rời Tỉnh đường, cuống cuồng bỏ chạy ra Tuần Dưỡng - căn cứ của Trung đoàn 5 thuộc Sư đoàn 2 của ngụy. Đào Mộng Xuân bỏ cả quân phục, cởi trần trà trộn vào trong lính ngụy và dân, vọt lên ô tô tháo chạy về Đà Nẵng. Bọn tùy tùng vội vàng đốt tài liệu, tháo chạy theo Tỉnh trưởng. Ngay sau khi Tam Kỳ được giải phóng thì quân địch ở quận lỵ Quế Sơn, Duy Xuyên, Đức Dục cũng tháo chạy, từ Duy Xuyên trở vào đến Chu Lai hoàn toàn được giải phóng.
Việc quân dân ta tiến công giải phóng thị xã Tam Kỳ có một ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, bởi khi ta xóa sổ tỉnh đường Quảng Tín của địch đã tạo nên sụp đổ dây chuyền để giải phóng toàn bộ Quảng Nam, là tiền đề quan trọng để giải phóng Đà Nẵng - căn cứ hải - lục - không quân khổng lồ của Mỹ - ngụy tại miền Nam. Vì lẽ đó, sự kiện ngày 24/3/1975 là một bản hùng ca trong sự nghiệp giành độc lập của quân dân xứ Quảng anh hùng.