Xã hội

Cô giáo đam mê nghiên cứu khoa học

PHAN VINH (phanphuocvinhqn@gmail.com) 27/03/2025 16:04

(QNO) - Đam mê khoa học, cô Phạm Thị Tường Vi (giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Nguyễn Khuyến, thị xã Điện Bàn) đã nghiên cứu thành công nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc từ thiên nhiên.

Cô giáo Phạm Thị Tường Vi ứng dụng công nghệ lên men để sản xuất nhiều sản phẩm phục vụ đời sống
Cô giáo Phạm Thị Tường Vi ứng dụng công nghệ lên men để sản xuất nhiều sản phẩm phục vụ đời sống (chụp ngày 25/3/2025). Ảnh: PHAN VINH

Trải nghiệm thực tế

Tốt nghiệp ngành Sư phạm Hóa học tại Đại học Sư phạm Huế năm 1999, cô Phạm Thị Tường Vi trở về quê hương Quảng Nam, nhận công tác giảng dạy tại huyện Hiên (nay là Đông Giang và Tây Giang). Những năm tháng gắn bó với vùng cao không chỉ giúp cô hiểu hơn về cuộc sống khó khăn của học trò mà còn mở ra cho cô một thế giới mới - thế giới của những loài thảo dược quý nơi đại ngàn.

Trong quá trình sinh sống và giảng dạy, cô Vi nhận thấy vùng núi nơi đây có khí hậu mát mẻ, tầng địa cao, là điều kiện lý tưởng để nhiều loài thảo dược quý phát triển. Một trong số đó là sả Lào (hay còn gọi là sả Java), một loại cây có giá trị kinh tế cao nhưng chưa được khai thác đúng tiềm năng. Nhận thấy điều này, cô đã chủ động kết nối, đưa sả Java từ miền núi xuống đồng bằng tiêu thụ, mở ra một hướng đi mới giúp người dân có thêm thu nhập từ chính những sản vật bản địa.

Cô Vi tìm hiểu về các loại dược liệu được phương
Cô Vi tìm hiểu về các loại dược liệu được phương (chụp ngày 25/3/2025). Ảnh: PHAN VINH

Năm 2007, cô Vi được luân chuyển về công tác tại Trường THPT Nguyễn Khuyến, thị xã Điện Bàn. Về giảng dạy gần nhà với điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, cô có cơ hội dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào thực nghiệm và tạo ra sản phẩm có giá trị trong đời sống.

Với cô Vi, hóa học không chỉ là những phương trình cân bằng hay bảng nguyên tố hóa học, mà là một thế giới muôn màu với những ứng dụng thực tế đầy thú vị.

Môn hóa thực ra rất gần gũi với đời sống xung quanh chúng ta. Mình muốn học sinh thay đổi cách nhìn về môn học, nên luôn chú trọng vào các tiết thực hành, giúp các em tận mắt chứng kiến những phản ứng hóa học đầy thú vị

Cô giáo Phạm Thị Tường Vi

Cô Vi đầu tư nhiều máy móc để sản xuất các sản phẩm từ thiên nhiên
Cô Vi đầu tư nhiều máy móc để sản xuất các sản phẩm từ thiên nhiên (chụp ngày 25/3/2025). Ảnh: PHAN VINH

Bước ngoặt đến vào năm 2018 khi chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng, khuyến khích thực hành và sáng tạo. Cô đầu tư máy móc, thiết bị thí nghiệm ngay tại nhà, ứng dụng các công nghệ chưng cất lôi cuốn hơi nước, lên men, nấu cao để tạo ra hàng chục sản phẩm thiên nhiên như tinh dầu thiên nhiên, nước rửa chén, dầu gội, mỹ phẩm…

[VIDEO] - Cô giáo Phạm Thị Tường Vi chia sẻ về đam mê nghiên cứu khoa học tạo ra sản phẩm:

Sự sáng tạo giúp học sinh hứng thú hơn với môn học, mang lại giá trị thực tiễn lớn. “Khi mình tạo ra những sản phẩm hữu ích từ chính kiến thức trong sách giáo khoa, các em học sinh rất thích thú, thay đổi cách nhìn về môn hóa và có thể lựa chọn theo đuổi các ngành hóa học khi bước vào đại học” - cô Vi nói.

Tập trung nghiên cứu sản phẩm

Năm 2022, cô Phạm Thị Tường Vi tham gia cuộc thi Trưng bày sản phẩm dạy học STEM do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng tổ chức. Tại đây, cô mang đến hai sản phẩm Xà phòng từ tro bếp và Tinh dầu bạc hà - những sản phẩm không chỉ giúp học sinh hiểu sâu hơn về các phản ứng hóa học mà còn mang tính ứng dụng cao trong đời sống. Kết quả cả hai sản phẩm đều đoạt giải Khuyến khích.

Cô Vi cùng học trò nhận giải tại cuộc thi Trưng bày sản phẩm dạy học STEM năm 2022
Cô Vi cùng học trò nhận giải tại cuộc thi Trưng bày sản phẩm dạy học STEM năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Năm 2023, cô tiếp tục thử sức tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Nam với dự án Sản xuất tinh dầu từ dược liệu địa phương và giành được giải Khuyến khích. Cùng năm, sản phẩm Tinh dầu bạc hà của cô cũng được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Đến năm 2024, sản phẩm này tiếp tục đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Đến nay, cô Vi đã sản xuất được hơn 10 sản phẩm các loại từ thiên nhiên
Đến nay, cô Vi đã sản xuất được hơn 10 sản phẩm các loại từ thiên nhiên (chụp ngày 25/3/2025). Ảnh: PHAN VINH

Thời gian qua, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP, các hội chợ khởi nghiệp địa phương, những sản phẩm do cô Vi nghiên cứu và sản xuất đã dần tiếp cận với thị trường. Nhiều khách hàng bày tỏ sự hài lòng về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là tính an toàn, thân thiện với môi trường và phù hợp với xu hướng sử dụng các sản phẩm hữu cơ hiện nay.

Tuy nhiên, dù được đánh giá cao, việc phát triển thương mại hóa sản phẩm vẫn là một thách thức lớn. Với vai trò là một giáo viên, cô Vi không có nhiều thời gian để đầu tư vào việc kinh doanh, mở rộng sản xuất. Hơn nữa, lĩnh vực quản lý doanh nghiệp, chiến lược tiếp thị và phát triển thị trường lại nằm ngoài chuyên môn của cô.

6.jpg
Những giờ học thực hành cùng cô Vi khiến học trò thích thú. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Được biết, nhận thấy tiềm năng từ những sản phẩm này, một doanh nghiệp đã chủ động đặt vấn đề hợp tác, hỗ trợ cô trong việc sản xuất công nghiệp và phát triển thị trường.

[VIDEO] - Cô giáo Phạm Thị Tường Vi chia sẻ về định hướng phát triển các dòng các sản phẩm trong thời gian tới:

“Ban đầu, tôi chỉ nghiên cứu ứng dụng công nghệ hóa học để giúp học sinh hiểu rõ hơn về môn học, không ngờ lại có thể tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích cho đời sống. Tôi mong muốn nhiều người biết đến và sử dụng những sản phẩm thiên nhiên an toàn này thông qua hợp tác với doanh nghiệp” - cô Vi chia sẻ.

PHAN VINH (phanphuocvinhqn@gmail.com)