Hồ sơ - Tư liệu

Chuyện về anh Năm “thần tốc”

PHẠM THÔNG 28/03/2025 09:12

Sự kiện giải phóng Đà Nẵng là bước quan trọng để Bộ Chính trị quyết định kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối.

16.-ngay-24.3.1975-tai-can-cu-hon-tau-btv-dac-khu-uy-hop-quan-triet-chu-truong-cua-cap-tren-va-ban-ke-hoach-giai-phong-da-nang.jpg
Ngày 24/3/1975, tại Căn cứ Hòn Tàu (Duy Xuyên), Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà họp quán triệt chủ trương của cấp trên và bàn kế hoạch giải phóng Đà Nẵng. (Ảnh tư liệu lịch sử)

Chớp thời cơ vàng

Tháng 12/1974, đồng chí Võ Chí Công và đồng chí Chu Huy Mân đi dự Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng. Trong Hội nghị cũng có ý kiến băn khoăn liệu Mỹ có thể quay lại chiến trường miền Nam hay không.

Đồng chí Lê Duẩn bằng nhãn quan chính trị từng trải, sáng suốt giải thích đại ý rằng: Mỹ đã trải qua một cuộc chiến lâu dài hao người tốn của, thử nghiệm rất nhiều chiến lược quân sự rồi, bây giờ họ đã ra khỏi cuộc chiến thì không trở bộ lại được đâu. Đổ quân vào, rút quân ra rồi quay lại một chiến trường nào đó đều có quy luật cả. Đồng chí Phạm Văn Đồng từng ví von dí dỏm: “Có cho kẹo, Mỹ cũng không quay lại đâu”.

Tại hội nghị, đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị kết luận nêu rõ: Ta đang đứng trước thời cơ chiến lược mới, tạo ra sau hai mươi năm đấu tranh liên tục. Ngoài thời cơ đó không còn thời cơ nào nữa.

Ta đã tạo ra cơ sở cần thiết về thế và lực, về vật chất và tinh thần, về chuẩn bị chiến trường và các mặt chính trị ngoại giao một cách toàn diện, bảo đảm hạ quyết tâm chiến lược trong năm 1975 - 1976, động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của nước ta lên bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa.

Tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất nước nhà.

Bộ Chính trị có phương án 2: Thời cơ đến, cướp ngay thời cơ. Lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Hội nghị xong, đồng chí Võ Chí Công lên xe về Khu 5. Ba ngày sau tới nơi, triệu tập gấp Thường vụ Khu ủy và Quân khu, truyền đạt nội dung Hội nghị Bộ Chính trị, bàn kế hoạch thực hiện, phân công cán bộ đi các tỉnh triển khai kế hoạch đã vạch ra.

Cuộc tổng tấn công được mở đầu bằng trận đột phá khẩu - Tiến công đánh chiếm TP.Buôn Ma Thuột - Nam Tây Nguyên. Đây là trận đánh mở màn theo Phương án 1. Nhưng từ Buôn Ma Thuột phát triển quân vào Sài Gòn theo đường mòn Hồ Chí Minh qua các tỉnh Đông Nam Bộ giáp với Campuchia khó khăn và rất chậm.

Đồng chí Võ Chí Công nhận điện của Bộ Chính trị, vào Nam Tây Nguyên gặp đồng chí Lê Đức Thọ và Văn Tiến Dũng. Trên đường đi nhìn thấy quân ngụy ở Bắc Tây Nguyên rối loạn, cuốn chạy về phía duyên hải miền Trung, bộ đội ta đã tiến công giải phóng hai thị xã Kon Tum, Pleiku.

Sau đó, đồng chí Võ Chí Công lập tức quay về căn cứ Khu 5 chỉ đạo giải phóng quận lỵ Tiên Phước, mở đường giải phóng tỉnh lỵ Quảng Tín - Tam Kỳ. Ngày 24/3/1975, thị xã Tam Kỳ được giải phóng, tiếp đến làm chủ hoàn toàn thị xã Quảng Ngãi.

Cùng lúc bộ đội chủ lực của Bộ Quốc phòng phối hợp với bộ đội địa phương và nhân dân Trị - Thiên tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Thần tốc quyết thắng

Một trăm nghìn quân ngụy trong thế tan rã, ô hợp từ các tỉnh kéo về TP.Đà Nẵng đã bị cô lập. Thời cơ giải phóng Đà Nẵng đã đến, đúng như dự kiến của đồng chí Võ Chí Công tại thời điểm quyết định không vào Nam Tây Nguyên mà quay trở về căn cứ Khu 5 đóng ở miền núi Quảng Nam.

Trước khi quyết định giải phóng Đà Nẵng, đồng chí Võ Chí Công điện xin ý kiến Bộ Quốc phòng, chờ một ngày không thấy trả lời. Đồng chí điện báo cáo đồng chí Lê Duẩn. Vị chỉ huy tối cao của công cuộc kháng chiến chống Mỹ trả lời rất giản dị, ngắn gọn: Đồng chí thấy được thì tiến hành ngay, không để cho chúng “lại hơi”.

Sư đoàn 2 quân chủ lực Khu 5 từ Tam Kỳ tiến ra; bộ đội địa phương Quảng Đà từ phía tây, tây nam Đà Nẵng tấn công xuống; bộ đội chủ lực thuộc Bộ Quốc phòng từ Thừa Thiên Huế theo quốc lộ 1 đánh thẳng vào; nhân dân nội thành nổi dậy. Ngày 29/3/1975, TP.Đà Nẵng hoàn toàn được giải phóng.

Chiều 29/3/1975, đồng chí Võ Chí Công đã ngồi tại Tòa thị chính Đà Nẵng. Nhân dân Đà Nẵng kéo ra đường: “Hoan hô quân Giải phóng”; khen quân Giải phóng tài quá, chiếm Đà Nẵng đường phố không bể một bóng đèn…

Ở Quân khu 5 có một vị tướng tài, vị tướng bất khả chiến bại Nguyễn Chơn. Một nhà văn từng trải trong chiến tranh hỏi ông: “Trong cuộc đời binh nghiệp có lúc nào ông sợ địch không…?”. Ông trả lời: “Tôi không sợ địch bao giờ và cũng chưa bao giờ khinh địch. Nhưng tôi sợ một người, đó là đồng chí Bí thư Khu ủy”.

Nhà văn hỏi tiếp: “Tại sao?”. Tướng Chơn cười: “Chuyện là thế này, khi mở ra chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, Sư đoàn 2 do tôi chỉ huy phải cắt cử một đơn vị đánh vào trung tâm, chiếm Tòa thị chính thành phố. Nhưng khi tôi vào Tòa thị chính bất thần thấy anh Năm Công, anh Hồ Nghinh và một vài đồng chí nữa đã ngồi trên bộ bàn sa lông ở đó rồi. Lúc ấy mất điện, anh Năm cầm cái quạt vừa vẫy vừa nói “Tướng tá chi chừ mới tới”. Thì ra anh Năm đi theo tuyến biệt động thành, nhanh hơn mình. Thấy ảnh ngồi đó mình đã bái phục, ảnh còn hỏi thế, giật mình. Đúng là “anh Năm thần tốc””...

Sự kiện giải phóng Đà Nẵng là bước quan trọng để Bộ Chính trị chuyển kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam từ Phương án 1 - Giải phóng miền Nam vào năm 1976 sang Phương án 2 - Cướp thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975.

PHẠM THÔNG