Đảng bộ Quảng Nam - 95 năm vững bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng
Trải qua 95 năm ra đời, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ Quảng Nam đã lãnh đạo toàn quân và toàn dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành nhiều thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mỗi chặng đường cách mạng.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), vào ngày 28/3/1930 tại địa điểm Cây Thông Một, xã Cẩm Hà (nay là khối phố Tân Thanh, phường Tân An), TP.Hội An, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập, là Đảng bộ tỉnh ra đời “sớm thứ hai cả nước, chỉ sau Đảng bộ TP.Hà Nội”.
Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Quảng Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Trung dũng, kiên cường
Sau khi ra đời với chỉ gần 80 đảng viên, tuy số lượng không nhiều, nhưng đội ngũ đảng viên ấy đã thể hiện bản lĩnh kiên cường, tinh thần bất khuất trước mọi âm mưu, thủ đoạn và sự đàn áp, khủng bố hết sức dã man của kẻ thù.
Những năm 1939 - 1943, nhiều lần phong trào bị bể vỡ, hàng nghìn lượt cán bộ, đảng viên, cơ sở cách mạng bị bắt, tra tấn, giam cầm, nhưng những người cộng sản ấy vẫn không chùn bước. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, mỗi lần bể vỡ là một lần tổn thất của phong trào cách mạng, song cũng thêm một lần thử thách, rèn luyện ý chí của người cộng sản.
Sau khi ra tù, lớp đảng viên ấy càng thể hiện được sự chủ động, sáng tạo trong việc kết nối, xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng lực lượng chuẩn bị khi có thời cơ.
Đặc biệt, nắm vững và quán triệt “Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, từ ngày 18 đến 26/8/1945, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh một cách nhanh chóng, trọn vẹn.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh đã tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ta đã giữ vững chiến trường, ra sức xây dựng các huyện vùng tự do và miền núi, đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh ở vùng bị tạm chiếm, bền bỉ chống các âm mưu chiêu an, lập tề, đánh thắng nhiều trận vang dội ở Gò Cà, Hải Vân, Bồ Bồ... góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Hết chống Pháp đến chống Mỹ, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã quán triệt và vận dụng linh hoạt đường lối cách mạng do Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra, lãnh đạo nhân dân kiên trì bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời”, vận dụng sáng tạo phương châm “hai chân, ba mũi giáp công” lập nên những chiến công vang dội.
Tiêu biểu như chiến thắng Núi Thành đêm 25 rạng ngày 26/5/1965, góp phần làm nên một Quảng Nam “trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Không chỉ là nơi diễn ra trận đầu thắng Mỹ, đất Quảng là nơi diễn ra trận đánh tiêu diệt cứ điểm cuối cùng của Mỹ trên chiến trường Khu 5 - trận đánh đồn xã Đốc (27/3/1971) đến chiến thắng Thượng Đức (7/8/1974), tạo tiền đề giải phóng Quảng Nam ngày 24/3/1975, góp phần giải phóng TP.Đà Nẵng ngày 29/3/1975 tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
Từ gần 80 đảng viên vào cuối năm 1930, đến cuối năm 2024, toàn Đảng bộ có 1.119 tổ chức cơ sở đảng với 73.495 đảng viên. Các đảng viên đã được tôi luyện trong thực tiễn và trưởng thành, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên ngày càng nâng lên.
Dám nghĩ, dám làm
Sau ngày đất nước thống nhất, nhiệm vụ đầu tiên đặt ra đối với Đảng bộ và chính quyền tỉnh là giải phóng đồng ruộng, lấy đất sản xuất, giải quyết lương thực. Lúc bấy giờ nhiều người cho rằng “vùng cát nghèo là định mệnh!”.
Nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy không cho như vậy, phải xóa cái nghèo ở vùng cát bằng chính sách khuyến khích trồng rừng, làm thủy lợi đưa nước về, cải tạo đất, chuyển hướng sản xuất.
Công trình Đại thủy nông Phú Ninh ra đời là minh chứng rõ nhất cho việc không khuất phục định mệnh. Công trình này đã góp phần quyết định trong việc chuyển một số lớn diện tích đất lúa của các huyện phía Nam từ 1-2 vụ lên 3 vụ với năng suất cao.
Công trình có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc khẳng định tinh thần quyết tâm xây dựng đời sống mới của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng, khẳng định tinh thần dám nghĩ, dám làm của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy lúc bấy giờ.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ tỉnh đã vận dụng một cách sáng tạo đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể; vừa tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, vừa phát huy nội lực của địa phương, giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Quảng Nam - Đà Nẵng là một trong những địa phương nhanh chóng thực hiện chuyển đổi quản lý kinh tế, trước hết là chuyển đổi hợp tác xã theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, hình thành kinh tế hợp tác trên các lĩnh vực. Đồng thời thực hiện chủ trương phát triển các thành phần kinh tế để nhanh chóng phát triển lực lượng sản xuất; hình thành, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, xuất - nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp tập trung của tỉnh... Nhờ đó, cải thiện một bước đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh.
Trước yêu cầu phát triển, từ ngày 1/1/1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chia tách thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Ngay từ những ngày đầu tái lập, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam xác định, vấn đề “xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân được tăng cường” là cơ sở vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.
Khát vọng phát triển
Sau 95 năm thành lập, 50 năm giải phóng, nhất là gần 30 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả lĩnh vực, tạo nên hình ảnh, diện mạo và vị thế của một Quảng Nam chủ động sáng tạo trong tư duy; đúng đắn, quyết liệt trong hành động...

Dấu ấn nổi bật đó là sự bứt phá rất nhanh về kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông phải nhận trợ cấp hơn 70% của Trung ương, sau 20 năm tái lập, đến năm 2017, Quảng Nam đã tự cân đối ngân sách và có đóng góp về Trung ương.
Đặc biệt, năm 2022 là năm thu ngân sách cao nhất sau 25 năm tái lập tỉnh, với 33.383 tỷ đồng, đạt 141% dự toán. Quy mô nền kinh tế hơn 116 tỷ đồng, tăng 45 lần so với năm 1997; thu nhập bình quân đầu người đạt 76,6 triệu đồng, gấp 43 lần so với năm 1997.
Năm 2024, Quảng Nam cùng với cả nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng từ sự biến động của tình hình thế giới và khu vực; song, nhờ phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực, cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ chính trị và đạt nhiều kết quả tích cực.
Quy mô nền kinh tế (giá hiện hành) đạt khoảng 129 nghìn tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt hơn 27,7 nghìn tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt hơn 84 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,96% (tương ứng với 4.171 hộ nghèo). Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được giữ vững, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 95 năm qua là sự nỗ lực liên tục của toàn Đảng bộ, cả hệ thống chính trị và cộng đồng các dân tộc tỉnh Quảng Nam. Là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất giữa “ý Đảng với lòng dân”.
Là sự thể hiện cụ thể bản lĩnh, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam về lựa chọn hướng đi đúng; xác định những vấn đề đột phá và vận dụng linh hoạt cơ chế; dám nghĩ, dám làm để xây dựng và phát triển.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước. Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, với sự dạn dày kinh nghiệm trong chặng đường 95 năm ra đời, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành.
Trên hành trình mới, Đảng bộ tỉnh đề ra quyết tâm phấn đấu, giữ vững sự đoàn kết thống nhất, tranh thủ thời cơ, lợi thế, khơi dậy khát vọng cống hiến trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để hiện thực hóa mục tiêu “xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”, góp phần cùng cả nước thực hiện khát vọng“đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.