95 năm - Dấu ấn một cuộc hành trình
(QNO) - Cuộc hành trình gần một thế kỷ ra đời, tranh đấu và trưởng thành, Đảng bộ Quảng Nam đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong sử sách và trong lòng các thế hệ người con quê xứ, với những nét riêng, rất Quảng Nam!

Về tham dự buổi lễ chào mừng Kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện Quế Sơn, tối 26/3, Trung tướng Nguyễn Văn Lên, người con của mảnh đất Hải Phòng, cựu chiến binh Trung đoàn 31 tham gia chiến dịch giải phóng Quế Sơn 50 năm trước, đã chia sẻ những cảm xúc đặc biệt về lòng dân với Đảng, với cách mạng. Ông bảo, sẽ mãi mãi không quên ân tình của người dân lúc nào cũng sẵn lòng chở che, đùm bọc, nuôi nấng ông và đồng đội trong những tháng ngày đạn bom khói lửa năm nào…
Trong lòng dân…
Cảm xúc đặt biệt của người lính già kể trên, chắc hẳn là điểm chung của những cựu chiến binh, cán bộ, đảng viên, dân quân du kích, dân công hỏa tuyến.. trong những ngày tháng ba lịch sử này, khi họ đã từng tham gia công cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để giải phóng quê hương, đất nước. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng giai đoạn 1930 - 1975, ghi nhận một thực tế bi hùng: trong suốt 45 năm từ khi Đảng bộ tỉnh ra đời, đến ngày non sông về một mối, đã rất nhiều lần cơ quan Tỉnh ủy bị địch đàn áp, khủng bố đến mức gần như tan rã, nhiều cán bộ Tỉnh ủy bị địch bắt, tù đày, hoặc hy sinh khi làm nhiệm vụ. Sau mỗi lần như thế, Tỉnh ủy lại được khôi phục để tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng. Sự kỳ diệu đó, chính là nhờ… lòng dân!
Câu chuyện về ông Hồ Nghinh - nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà từng quyết định đưa cơ quan Tỉnh ủy đóng chân tại vùng đất Gò Nổi (Điện Bàn) sau cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, khi Gò Nổi bị địch đánh phá ác liệt nhất, chính là minh chứng hùng hồn về lòng Dân với Đảng và Đảng với Dân, khi ông tuyên bố: “Tôi là Bí thư Tỉnh ủy, tôi đứng ngay giữa Gò Nổi thì ác liệt tới mấy cũng không bí thư huyện, bí thư xã nào dám bỏ đất mình mà chạy. Bí thư còn bám tại xã, thì không đảng viên nào bỏ dân ở từng thôn xóm. Đảng viên trong từng thôn xóm còn trụ lại thì dân sẽ trụ lại, địa bàn sẽ còn, phong trào sẽ còn.”
Cũng với niềm tin son sắt vào lòng dân, mà trong suốt những năm đấu tranh chống giặc cứu nước, một điểm rất đặc biệt trong sự tồn tại và phát triển của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam là cơ quan Tỉnh ủy di chuyển liên tục; gần như tất cả huyện, thị xã, thành phố đều có ít nhất vài ba địa chỉ là nơi đóng chân của Tỉnh ủy; thậm chí nơi nào có Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy đến, thì nơi đó chính là “trụ sở” Tỉnh ủy Quảng Nam và nhà dân cũng là “trụ sở” Tỉnh ủy!
Cố nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, từng chia sẻ một sự thật, nhưng cũng là cảm xúc đặc biệt về lòng Dân với Đảng, Đảng với Dân về một thời làm báo cách mạng. “Bà con nhân dân còn thấy được tờ báo là biết cách mạng còn; cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trên núi vẫn còn sống và chiến đấu. Như thế, dân sẽ yên tâm hơn!”.
Sau ngày quê hương giải phóng, cùng với nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa diễn ra liên tục, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định xây dựng công trình Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Núi Cấm, thành phố Tam Kỳ trong điều kiện ngân sách tỉnh vẫn còn eo hẹp. Trước lúc khởi công, dư luận đâu đó vẫn có nhiều ý kiến ra vào, nhưng theo thời gian, công trình ngày càng trở thành biểu tượng của sự tri ân đối với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng nói riêng và các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì non sông đất nước; là “địa chỉ đỏ” của các thế hệ người dân, cựu chiến binh cả nước tìm về…
Gần đây nhất, Đại hội lần thứ XII của Đảng bộ tỉnh đã hạ quyết tâm đến cuối năm 2025, Quảng Nam cơ bản xóa xong nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ chính sách trên phạm vi toàn tỉnh; trong khi năm 2024, Chính phủ mới ban hành chủ trương này trên phạm vi cả nước!
Bản lĩnh, vượt trước…
Lịch sử Đảng bộ tỉnh ghi nhận trong mùa thu Cách mạng Tháng 8/1945, Quảng Nam là một trong số 5 địa phương giành chính quyền sớm nhất cả nước. Điều đặc biệt, thời điểm đó, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định ra lệnh tổng tiến công và nổi dậy, trước khi nhận được lệnh của Trung ương!

Nhà nghiên cứu Võ Hà khi tìm đọc Sổ tay công tác của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng Hồ Nghinh, đã tìm thấy đoạn ghi chép của ông sau Hội nghị Tỉnh ủy ngày 15/12/1975: “Hiện nay, vấn đề lưu thông hàng hóa ở Sài Gòn làm rối quá. Hàng hóa nhân dân làm ra, khả năng ta mua đến đâu thì mua đến mức đó là cần thiết, số còn lại thì để cho tư bản tự do mua bán. Còn nếu chúng ta quản lý tất cả thì rối quá”. Có lẽ, cũng từ lối suy nghĩ khác người (ở thời điểm đó - PV) này, mà Chỉ thị số 03, ngày 12/2/1982 về việc sơ kết khoán sản phẩm trong các hợp tác xã nông nghiệp và Nghị quyết 03 ngày 10/3/1982 về tiếp tục cải tiến công tác phân phối lưu thông năm 1982 và những năm 1982-1985 của Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng được các nhà nghiên cứu xác quyết là những chủ trương “đi trước”, “xé rào” trong những “đêm trước đổi mới”. Sau này, khi ra công tác ở Trung ương, ông Hồ Nghinh, được nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, gọi là ông “Hồ Ngang”, khi “dám cãi” với ngay cả… Tổng Bí thư Lê Duẩn!
Bản tính “hay cãi”, quyết đoán và quyết liệt của con người xứ Quảng cũng in rất đậm trong những quyết sách của Đảng bộ tỉnh trong kháng chiến cũng như xây dựng quê hương sau ngày hòa bình. Nhớ hồi Quảng Nam “làm” kinh tế mở, khá nhiều ý kiến bàn ra, xem chừng cũng rất thuyết phục trong thời điểm mà 3 năm liên tục từ thời điểm tái lập tỉnh (1997-2000), Quảng Nam liên tục hứng chịu sự hoành hành của thiên tai, bệnh tật và đói nghèo. Lúc đó, luận giải từ những lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, rất Quảng Nam, đại ý: “Lo cái trước mắt cho dân thì dứt khoát phải làm. Nhưng phải biết nghĩ xa, biết chớp thời cơ để thay đổi số phận”. Trước đó, Quảng Nam đã “xé rào” khi ban hành Quyết định số 430 về cơ chế ưu đãi đầu tư, với lập luận: “Đất mình bỏ không, hoang hóa bao đời nay, chẳng thu được đồng nào. Mình kêu gọi doanh nghiệp vào làm ăn, miễn thuế cho họ, Nhà nước không mất đồng nào nhưng dân có việc làm, thu được ngân sách. Tại sao mà không làm?”.
Lời kết
Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quê hương và 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh, tối 24/3, do Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết trình bày, có đoạn đầy trăn trở: “Ngày nay, chẳng lẽ Quảng Nam lại chịu lùi bước trước khó khăn, chẳng lẽ không ưu tư về sự tụt hậu? Chúng ta có nhiều lợi thế và tiềm năng, nhưng quy mô, tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với lợi thế tiềm năng đó”. Một câu hỏi, cũng là sự thẳng thắn đối diện với thực tại, nhưng đồng thời cũng hàm chứa ý chí và quyết tâm hành động.
Nhớ có lần, một nguyên lãnh đạo tỉnh tâm tư, đại ý: “Quảng Nam mình có máu “hay cãi”, thực tế lịch sử cho thấy, khi nào phát huy được tính cách này thì sẽ thành công, tỉnh sẽ phát triển; còn ngược lại…”.
Ông Hồ Nghinh đã từng cãi lại một “phong trào” rầm rộ cả miền Nam sau giải phóng về đập phá đền chùa, miếu mạo,.. để chúng ta có Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An, “cãi” lại những đề xuất về xây dựng đập thủy lợi Khe Thẻ để giữ lại Khu đền tháp Mỹ Sơn. Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam 95 năm qua, ghi nhận nhiều cuộc “cãi” như thế. Sau “cãi”, dĩ nhiên là cải biến, là bứt phá…
Thực tiễn phát triển của Quảng Nam hiện nay, có thể rút ra nhiều bài học từ lịch sử!