Hồ sơ - Tư liệu

Hồi đó ở Hòn Tàu...

TRẦN TRUNG SÁNG 28/03/2025 17:16

(QNO) - Tại Đà Nẵng vừa diễn ra buổi gặp mặt thân mật cán bộ các cơ quan quân dân chính đảng đóng quân tại chiến khu Hòn Tàu trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng và tiếp quản TP.Đà Nẵng tháng 3/1975, nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng thành phố (29/3/1975 - 29/3/2025).

hon-tau1.jpg
Tác giả bài viết (ngoài cùng bên trái) cùng các đại biểu về dự cuộc gặp mặt cán bộ từ Hòn Tàu về tiếp quản TP.Đà Nẵng tháng 3/1975.

Những người đồng đội Hòn Tàu bất ngờ được gặp lại những gương mặt gần gũi, quen thuộc một thời ở chiến khu như ông Đặng Hữu Tại (nguyên Ủy viên Ban Tổ chức Đặc khu Quảng Đà), Phạm Thanh Ba (nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đặc khu, Chánh Văn phòng Đặc khu Quảng Đà), Phan Như Lâm (Phó Trưởng phái đoàn Quân sự 4 bên khi ký Hiệp định Paris 1973), Hồ Duy Lệ (nhà văn, phóng viên kỳ cựu chiến trường Quảng Đà) cùng nhiều khuôn mặt thân quen khác…

Mọi người đã cùng nhau động viên, thăm hỏi sức khỏe và ôn lại những tháng ngày hào hùng, gian khổ, khó khăn, chia ngọt sẻ bùi tại Hòn Tàu.

Cuộc xuống núi từ năm 1975 của anh chị em từ Hòn Tàu ngày ấy là cuộc xuống núi cuối cùng, đến nay đã qua 50 năm, rất ít người có dịp quay lại, có chăng từ khi Quảng Nam - Đà Nẵng phối hợp phục dựng lại Khu văn phòng của Đặc khu ủy Quảng Đà; UBND TP.Đà Nẵng và một số đoàn thể tổ chức về lại chiến trường xưa, thắp hương cho đồng đội tại Khu di tích Đặc khu uỷ Quảng Đà.

Đáng quý, là Ban Lương thực Quảng Đà còn khoảng 600 anh chị em đã cố gắng xây dựng Bia tưởng niệm ngành Lương thực để có nơi đi về thăm viếng lẫn nhau. Và duy nhất, cuộc tìm kiếm đồng đội hết sức kiên trì qua 9 lần trèo đèo lội suối của Báo Đà Nẵng phối hợp cùng Báo Quảng Nam, Ban Tuyên huấn Quảng Nam phối hợp với Ban Tuyên huấn Đà Nẵng đã tìm kiếm thành công và đưa 10 liệt sĩ hy sinh tại hang đá Ban Tuyên huấn Quảng Đà về an táng tại nghĩa trang.

Bà Nguyễn Thị Vân Lan - nguyên cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ Đặc khu Quảng Đà đã bùi ngùi ôn lại những trang sử hào hùng của chiến khu Hòn Tàu, nhắc lại những ngày tháng chiến đấu đầy gian khổ nhưng kiên cường, bất khuất, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc.

Bà Lan bày tỏ: “Rất tiếc, cuộc gặp mặt hôm nay tuy đông nhưng chưa đủ vì nhiều anh chị đã hy sinh khi chưa được hưởng một ngày hòa bình độc lập: một số anh chị đã ra đi vì bệnh tật; nhiều anh chị đến nay sức khỏe đã suy yếu không đi lại được…”.

Theo nhà văn Hồ Duy Lệ, ngày ấy, vùng núi Hòn Tàu không chỉ là mục tiêu của máy bay ném bom các loại của giặc Mỹ, nhất là máy bay B.52, mà còn là mục tiêu nằm trong tầm ngắm của các trận địa pháo Bồ Bồ, Núi Quế, Cẩm Hà, An Hòa. Và biệt kích Mỹ không chỉ chốt trên các điểm cao như Bàng Thùng, Hòn Chiêng, Hòn Cóc, Hòn Quắp… mà bất ngờ thả quân xuống một ngọn đồi nào đó rồi lội rừng, thọc theo khe tìm, phát hiện nơi lực lượng cách mạng trú quân.

Ông Lệ kể lại: “Nhớ nhất, lần đội một trận bom B.52, cả cơ quan của Ban Tuyên huấn Quảng Đà chết và bị thương đến 15 người; trong đó, bộ phận Báo có anh Hoàng Kim Tùng - Bí thư Chi bộ Báo bị một quả bom tấn chôn vùi trong hang đá cùng bốn anh trong đơn vị, không tài nào lấy được xác. Mãi đến sau ngày hòa bình mà vẫn không biết cách nào lấy hài cốt của các anh đem về quê nhà - nơi vợ con, những người thương yêu vô cùng của các anh đang mong mỏi đến vô vọng”.

Trong những hồi ức ấn tượng đáng nhớ nhất, Đại tá Ngô Thanh Hải - nguyên cán bộ an ninh Quảng Đà cho hay: Hồi đầu năm 1969, Trần Cẩm - Trưởng phòng Điệp báo an ninh Quảng Đà phát hiện được kế hoạch Phượng Hoàng của Mỹ - ngụy (kế hoạch bôi lem, ám sát cán bộ nằm vùng...). Từ căn cứ Hòn Tàu, các B nghiệp vụ lập kế hoạch đối phó hết sức thắng lợi (chiến công này được ghi lại trong tập sách “Một thời mãi nhớ” của chị Nguyễn Thị Thanh, NXB Hội nhà văn 2024).

Còn chị Bùi Thị Hải (nguyên cán bộ Ban Binh vận Quảng Đà) nói: “Nhắc đến Hòn Tàu, mình nhớ nhất những ngày mưa lạnh sốt rét, cuộc sống dù thiếu thốn mọi mặt, nhưng tình cảm anh em đồng chí mặn mà thân thiết vô cùng. Như các anh chị Ban Tuyên huấn đấu tranh chính trị ở quanh khu vực chân núi Hòn Tàu thường tới lui thăm nhau, khi cho miếng kẹo đậu phụng, khi củ sắn nướng, mật ong… Những kỷ niệm Hòn Tàu vẫn còn mãi trong lòng”.

Tại buổi gặp mặt, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Đà Nẵng Trần Thắng Lợi bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trong chiến dịch giải phóng Đà Nẵng.

Ông Lợi nhấn mạnh, cuộc gặp mặt là dịp để thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn về những hy sinh, sự kiên cường của các thế hệ đi trước, từ đó phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và khát vọng xây dựng một Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, văn minh.

Căn cứ Hòn Tàu nằm trên địa bàn xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn và xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; có vị trí chiến lược quan trọng, là nơi đứng chân của cơ quan Đặc khu ủy và các cơ quan, đơn vị của Quân khu 5 Đặc khu Quảng Đà trong giai đoạn 1968 - 1975.

Nơi đây đã diễn ra nhiều hội nghị, cuộc họp quan trọng quyết định nhiều chủ trương lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân dân Quảng Đà, nay là các huyện Bắc Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Tiêu biểu như cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Kỷ Dậu 1969; kế hoạch chống âm mưu lấn chiếm của Mỹ - ngụy sau Hiệp định Paris năm 1973, chiến lược Hè - Thu năm 1974 với chiến thắng Thượng Đức (7/8/1974).

Đặc biệt, từ căn cứ Hòn Tàu, Đặc khu ủy Quảng Đà đã chỉ đạo kế hoạch giải phóng TP.Đà Nẵng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 (29/3) góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975).

Di tích lịch sử Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà tại Hòn Tàu đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 2164, ngày 8/6/2012.

TRẦN TRUNG SÁNG