Bứt phá giảm nghèo bền vững - Bài 2: Động lực từ nguồn vốn chính sách
Nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững không chỉ giúp địa phương miền núi trong tỉnh đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng đời sống người dân mà còn mở thêm sinh kế giảm nghèo bền vững.

Phát huy vốn giảm nghèo
Dự án cầu Sông Vàng nối từ tuyến Tam Trà (Núi Thành) - Trà Kót (Bắc Trà My) vào thôn 2, xã Trà Kót có tổng vốn đầu tư 6,5 tỷ đồng đã bàn giao, đưa vào sử dụng trong năm 2024 giúp việc lưu thông của 64 hộ đồng bào Co thuận tiện hơn.
Bà Hồ Thị Hoa - Trưởng thôn 2 nói, cây cầu này đã thay thế cây cầu treo nhỏ hẹp, xuống cấp - con đường duy nhất để xe máy đi vào làng. Trong quá trình thi công, 6 hộ dân có đất sản xuất bị ảnh hưởng đều tình nguyện hiến đất, bàn giao mặt bằng.
“Từ ngày có cầu, không còn cảnh xe vận chuyển nông - lâm sản phải băng qua lòng sông hoặc hàng hóa bị tồn ứ vào mùa mưa lũ do nước sông dâng cao nữa. Điều này giúp đời sống và thu nhập của người dân nâng lên rõ rệt” - bà Hoa cho biết.
Ông Lê Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho hay, nguồn vốn đầu tư thực hiện Tiểu dự án 1 và Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 1 về hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội gần 310 tỷ đồng.
Thông qua các dự án đầu tư đã giúp 82% số xã có tỷ lệ đường được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 97% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường, lớp học kiên cố, đáp ứng nhu cầu học tập. Toàn bộ 13 trạm y tế xã đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân, trong đó có 7 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.
Tại huyện Tây Giang, giai đoạn 2021 - 2024, nguồn vốn triển khai Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo hơn 18 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn này, Tây Giang giao cho các ngành, đoàn thể và địa phương làm chủ đầu tư thực hiện 20 dự án. Tiêu biểu như dự án nuôi bò sinh sản theo chuỗi giá trị giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn các xã Bha Lêê, A Tiêng, Lăng, với tổng nguồn vốn hơn 2,8 tỷ đồng, thu hút 66 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo tham gia.
Năm 2022, gia đình anh Alăng Bôn ở thôn Nal, xã Lăng (Tây Giang) được hỗ trợ 40 triệu đồng để mua 3 con bò. Qua 2 năm nỗ lực chăm sóc, đàn bò đã phát triển lên 9 con. Tiếp đó, anh Bôn bán bớt bò đực để trả nợ và đầu tư đào ao nuôi cá, mua heo giống sinh sản, tích cóp xây nhà.

Đến năm 2024, tổng thu nhập của gia đình anh Bôn đạt hơn 120 triệu đồng, trở thành một trong hai hộ đầu tiên thoát nghèo từ mô hình nuôi bò sinh sản tại địa phương.
Theo ông Mạc Như Phương - Quyền Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tranh thủ tối đa nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện rà soát nhu cầu thực tế các hộ dân để có phương án hỗ trợ phù hợp.
Trong đó tập trung hỗ trợ con giống, nông cụ sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt và vay vốn ưu đãi tín dụng chính sách… tạo điều kiện để người dân vươn lên, thoát nghèo bền vững. Đây là tiền đề quan trọng giúp huyện giảm 390 hộ nghèo trong năm 2024 và hướng tới giảm 412 hộ nghèo trong năm 2025.
Tập trung giải ngân
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường - cơ quan chủ quản thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tổng kế hoạch vốn thực hiện chương trình trong năm 2025 (bao gồm cả vốn 2022, 2023, 2024 kéo dài) hơn 1.032 tỷ đồng. Trong đó, dự toán vốn kéo dài sang 2025 gần 437 tỷ đồng; dự kiến kế hoạch vốn giao năm 2025 hơn 595,6 tỷ đồng.
Trong vốn năm 2025, nguồn đầu tư phát triển hơn 227,3 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 368,2 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/3/2025, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ chi tiết vốn đầu tư phát triển theo dự án, tiểu dự án cho cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh và các huyện nghèo với tổng số tiền hơn 223,6 tỷ đồng.

Còn hơn 3,7 tỷ đồng của Dự án 4 không có khả năng phân bổ chi tiết và giải ngân năm 2025 nên Sở Tài chính đề xuất nộp trả ngân sách trung ương hơn 3,4 tỷ đồng. Đồng thời điều chuyển ngân sách tỉnh cho các chương trình, dự án khác gần 267,3 triệu đồng.
Trên cơ sở nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2025 được phân bổ, các đơn vị, địa phương dự kiến thực hiện đầu tư 111 công trình/dự án. Hiện nay 85 dự án đang thi công, 8 dự án đã đấu thầu, 8 dự án đã phê duyệt và 10 dự án đang trình phê duyệt. Các đơn vị, địa phương đã phân bổ 185,8/223,6 tỷ đồng (đạt 83,1%).
Về vốn sự nghiệp, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã đề nghị Sở Tài chính thẩm tra, trình UBND tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện Dự án 5 cho các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang và Nam Giang với tổng số tiền gần 50,6 tỷ đồng.
Số kế hoạch vốn còn lại 317,7 tỷ đồng, dự kiến trong tháng 3 này, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ thực hiện rà soát theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương theo Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh. Trong đó, đề xuất nộp trả hơn 63,3 tỷ đồng vốn Dự án 5 do đã phân bổ đủ kinh phí thực hiện.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, đến ngày 15/3/2025, toàn tỉnh giải ngân nguồn vốn năm 2025 (bao gồm vốn 2022, 2023, 2024 kéo dài sang năm 2025) là 56,9 tỷ đồng (tỷ lệ 6%). Trong đó, vốn kéo dài sang 2025 giải ngân được 41,8 tỷ đồng (tỷ lệ 10%); giải ngân kế hoạch vốn năm 2025 được 15,2 tỷ đồng (tỷ lệ 3%).
Nguyên nhân giải ngân chậm do các đơn vị, địa phương chưa hoàn thành lập thủ tục chuyển nguồn kế hoạch vốn năm 2022, 2023, 2024 kéo dài thời hạn giải ngân sang năm 2025.
Cạnh đó, năm 2025, Trung ương chậm giao vốn sự nghiệp nên ảnh hưởng đến tiến độ phân bổ vốn và tổ chức thực hiện, nhất là Dự án 5 về hỗ trợ nhà ở.
Vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương cũng có sự thay đổi chi tiết theo từng dự án, tiểu dự án so với số vốn dự kiến trước đây, do đó các sở, ngành, đơn vị được giao chủ trì các dự án, tiểu dự án phải rà soát, đề xuất phân bổ lại kế hoạch vốn, dẫn đến tốn nhiều thời gian.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn - Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho biết, mục tiêu của tỉnh là giải ngân 100% nguồn vốn các năm 2022, 2023 và 2024 chuyển sang năm 2025 trước ngày 30/4/2025; giải ngân 60% kế hoạch vốn năm 2025 trước ngày 30/6/2025 và 100% vốn năm 2025 trước ngày 31/12/2025.
Nguồn vốn lớn, trong khi thời gian không còn nhiều, nên các địa phương, đơn vị được giao thực hiện các dự án khẩn trương đến kho bạc hoàn thành thủ tục chuyển nguồn kéo dài sang năm 2025. Đồng thời thực hiện nghiêm việc đối ứng để triển khai công trình, dự án; có kế hoạch giải ngân theo từng chương trình, danh mục dự án và cam kết tiến độ. Chậm trễ giải ngân, mất vốn, lãnh đạo địa phương, đơn vị phải chịu trách nhiệm.
“Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương rà soát nguồn vốn năm 2025 đã giao, chưa giao và đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện phân bổ vốn dứt điểm. Đồng thời tính toán tiến trình giải ngân từ đây đến cuối năm, nhất là công trình mới năm 2025. Nếu rơi vào khoảng thời gian bỏ đơn vị hành chính cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã phải tính toán giao đơn vị, địa phương nào thực hiện, đảm bảo không ảnh hưởng tiến độ giải ngân” - ông Tuấn đề nghị.
-------------------
Bài cuối: Vững bước giảm nghèo bền vững