Du lịch

Du lịch Quảng Nam: Làm mới mình trên đường di sản!

THỤY BẤT NHI 04/04/2025 13:14

(VHQN) - Quảng Nam đang lên kế hoạch làm mới lại câu chuyện Festival Di sản, sau gần 8 năm gián đoạn lịch trình bởi nhiều lý do khách quan. Lần tổ chức này cũng không đơn giản, vì toàn cảnh du lịch đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi những tiêu chí khác đi, nhất là vấn đề phục hồi các giá trị văn hóa di sản.

DSC03434_PHUONG THAO
Du khách tham quan Mỹ Sơn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Các chuyên gia văn hóa nhìn nhận, phải chăng, đã đến lúc, du lịch di sản xứ Quảng nói riêng, cả nước nói chung, cần phải biết “làm mới chính mình”.

Nhận diện một hành trình

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An từng nhìn nhận, lịch sử đi trước đã tạo nên một không gian, hình hài và ưu thế bảo tồn của phố cổ Hội An. Năm 1999, cùng Mỹ Sơn, Hội An chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Những giá trị văn hóa du lịch theo đó được quan tâm và khám phá, qua từng chặng phát triển, chấn chỉnh, sửa đổi để khác đi theo hướng tích cực nhất. Mỗi kỳ lễ hội diễn ra ở mảnh đất này, là thêm dịp những con người Hội An kể về câu chuyện của mình. Nhưng, đâu thể cứ kể mãi quá khứ…

Lấy Hội An, Mỹ Sơn là một điểm tựa, Quảng Nam đã kiến thiết một hành trình đi cùng di sản, với Festival mở đầu vào năm 2003. Đó cũng là thời điểm “bắt đầu lột xác” của đô thị biển Đà Nẵng, hướng đến tầm vóc văn minh hiện đại.

Còn Quảng Nam, câu chuyện giao hòa giữa biển và núi rừng, giữa lịch sử đi qua và tương lai hướng đến, vẫn giằng co trong tâm thức con người. Mỗi sự kiện lễ hội vinh danh mảnh đất, lại gợi lên những câu hỏi “hay cãi”.

Lịch trình xây dựng, tổ chức những Festival Hành trình di sản Quảng Nam ở góc cạnh văn hóa du lịch, có thể thấy có bốn điểm nhấn đặc biệt. Lần thứ nhất, vào năm 2003, chỉ đơn giản kết nối hai di sản địa phương là Hội An và Mỹ Sơn, một sự kiện dung dị mô tả di sản hiện hữu.

Lần thứ hai, năm 2007, Festival di sản đã kết nối với các di sản bên ngoài, đấu nối theo đúng nghĩa quốc tế hóa, giới thiệu những di sản khác cùng niên đại, tầm vóc giá trị và nhiều câu chuyện tâm tưởng khác.

Lần thứ ba, năm 2013, hoạt động chính thức đổi tên thành Festival Di sản Quảng Nam, đổi từ lịch tổ chức 2 năm qua 4 năm một lần. Điểm nhấn ở lần này, là chương trình mở rộng khỏi Hội An, Mỹ Sơn để kết nối với các vùng miền núi phía tây, kể những câu chuyện tự nhiên kỳ vĩ ngoài những không gian bó hẹp thường ngày.

Lần thứ tư, năm 2017, được đánh giá là “một đại lễ hội” với sự tham gia của 33 quốc gia và vùng lãnh thổ, nêu cao tinh thần hội nhập quốc tế từ các giá trị nhân bản, nhân loại. Kỳ lễ hội này quy tụ lực lượng lớn hàng ngàn diễn viên cùng 7 không gian địa phương, kể những câu chuyện đặc trưng từ rừng đến biển, biểu đạt một Quảng Nam đa dạng giá trị, tương hỗ giữa di sản văn hóa và di sản thiên nhiên…

Ông Nguyễn Sự đúc kết, gom lại những hoạt động ấy, “ta có hiểu được ta hay không, rồi mới tính đến chuyện người khác hiểu ta”. Trăn trở của di sản Quảng Nam, chung quy, có phải nằm ở nhận diện những giá trị riêng có của mình như vậy, để dễ dàng dung nạp được những giá trị giao thoa khác, và qua đó củng cố lại chính mình, “đi tiếp cùng di sản”?

Tiến trình cùng nhịp quay mới

Qua những trao đổi cùng các chuyên gia tư vấn, có thể thấy ba vấn đề chuyển biến trong định hình lại văn hóa di sản ở bối cảnh mới.

di-san-003.jpg
Hội An, vùng đất di sản Quảng Nam đang đối diện nhiều thách thức để an toàn phát triển và bảo tồn. Ảnh: THỤY BẤT NHI

Thứ nhất, số hóa đang trở thành điều đương nhiên của cuộc sống nhân loại, trong đó văn hóa du lịch bị ảnh hưởng nhiều nhất. Với công nghệ số, cơ hội nhìn ngắm, “trải nghiệm online” một danh thắng, công trình… của mỗi người đã mở rộng và tiết kiệm hơn rất nhiều. Cho nên, các giá trị di sản giờ đây cần được số hóa, 3D hóa, sử dụng cả trí tuệ nhân tạo để thuyết minh kiến giải, cho phép độ lan tỏa lớn và tùy chỉnh.

Các di sản văn hóa của Quảng Nam, từ di sản công trình cụ thể, đến di sản thiên nhiên, cần làm gì để không bỏ lỡ cơ hội tiếp cận thế giới? Chính quyền nên đầu tư những dự án, giải pháp thực thụ về giới thiệu các di sản trực tiếp, chân xác hơn nữa, đi kèm những câu chuyện, từ đó mới thu hút được sự quan tâm nhiều hơn của cộng đồng xã hội về di sản có được.

Thứ hai, trải nghiệm du lịch thế giới, qua ảnh hưởng công nghệ, thông tin dữ liệu lớn, đã không còn gói ở cảm xúc thích thú, tò mò nữa, mà đi vào những câu chuyện chiều sâu, sản phẩm du lịch đặc hữu, cụ thể. Khi du khách đã có thể tiếp cận di sản qua màn hình điện thoại rồi, việc họ bước chân đến di sản là để tìm kiếm cảm xúc riêng, câu chuyện riêng…

Những lễ hội, Festival di sản, vì thế cần đào sâu vào giá trị cảm thụ từng sản phẩm cụ thể, rõ ràng, cung cấp những câu chuyện, nội dung cảm xúc tinh tế mới có thể thu hút du khách quan tâm.

Thứ ba, quan niệm “biến di sản thành tài sản” là một định hướng đang mạnh dần lên với những khu vực, địa phương có di sản. Bảo tàng, bảo tồn các giá trị di sản sẵn có, là một vấn đề đã tỏ. Cần chuẩn bị những dữ liệu, vấn đề, gồm cả tri thức đang bảo vệ, giữ gìn di sản hiện nay của chúng ta ra sao, để các thế hệ mai sau hiểu đúng và trân trọng. Bất cứ việc gì đang xảy ra, đang được tổ chức, cũng có thể biến thành tư liệu di sản về sau.

Với cách nhìn nhận này, Festival Di sản Quảng Nam cần chuyển biến thành những câu chuyện sôi động của hôm nay, từ việc chúng ta đã bảo vệ di sản thế nào, có thể số hóa, đám mây hóa những dữ liệu, tri thức khoa học về di sản ra sao.

Nhịp điệu phát triển đời sống đang định vị nên những nguồn du khách muốn đi ngược lại thời gian, tìm hiểu cả tâm linh lẫn kiến thức khoa học, thì hình thái sự kiện Festival cũng không chỉ đơn giản là hội hè cờ hoa. Cần thiết có những hội thảo chuyên đề, sự kiện chuyên sâu, thu hút những con người muốn tìm hiểu thực thụ về di sản quá khứ và di sản hiện tại.

THỤY BẤT NHI