Nuôi dưỡng đam mê với văn hóa truyền thống
(VHQN) - Bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam, mặc dù được đánh giá là phong phú và độc đáo, nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một do sự tác động của quá trình đô thị hóa, hội nhập kinh tế và thay đổi trong lối sống. Làm thế nào để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa miền núi? Báo Quảng Nam ghi nhận một số ý kiến tâm huyết.

Ông Đinh Mươk - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh: Chú trọng từ “gốc rễ” văn hóa
Chính sách bảo tồn, phục hồi văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cộng đồng miền núi phát triển. Quảng Nam không nằm ngoài mục tiêu đó, thời gian qua, tỉnh ban hành nhiều nghị quyết về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của các tộc người.
Trong quá trình phát triển mới, đòi hỏi những người làm công tác văn hóa phải thực sự am hiểu chuyên sâu, tức là vừa phải có nền tảng, vừa có đam mê, tâm huyết trước công việc đặc thù này. Bởi, đói ăn người khác có thể cho, có thể hỗ trợ; chứ đói văn hóa là coi như mất gốc, mất căn bản sống. Điều đó, không phải mới nhưng vẫn không cũ, nhất là đối với văn hóa của các tộc người ở miền núi.

Trước đây, tôi từng phát biểu phản biện trước lãnh đạo tỉnh, rằng trong các văn bản báo cáo về công tác bảo tồn văn hóa miền núi, các con số về kinh phí đầu tư, về hệ thống thiết chế văn hóa không thể hiện được câu chuyện cốt lõi của bảo tồn văn hóa. Bởi lẽ, dù kinh phí đầu tư có hàng tỷ đồng, nhưng đó chỉ là bề nổi, đôi khi rất tốn kém nhưng lại không phát huy hiệu quả như mong muốn.
Người dân, họ còn phải đi làm, phát triển kinh tế, không ai đi giữ chiêng trống, giữ nhà văn hóa cả. Trong khi các hạng mục thiết chế cần phải có hơi người, cần có lửa để tồn tại và duy trì. Đó là chưa kể, nhiều nhà văn hóa cộng đồng trước đây được làm bằng nguyên liệu gỗ rất đẹp.
Sau thời gian sử dụng bị hư hỏng, cửa rừng đóng, người dân dù có muốn bảo tồn cũng không làm được, đành phải bỏ, rất bất cập. Do vậy, việc bảo tồn văn hóa phải đi theo câu chuyện thực tiễn của văn hóa; phải tôn trọng văn hóa bản địa của từng tộc người miền núi.
Về lâu dài, theo tôi, Nhà nước cần dành nguồn lực lớn để nâng cao kiến thức cho đội ngũ làm công tác quản lý, bảo tồn văn hóa. Các nghệ nhân lớn tuổi am hiểu văn hóa nguồn cội không còn nhiều, trong khi giới trẻ hiện nay không mấy mặn mà với di sản cha ông.
Vậy nên, để bảo lưu, trước hết là cần phải chọn hướng đi từ “gốc rễ”, nghĩa là chú trọng đầu tư, nuôi dưỡng cho con người, nhất là hỗ trợ và khuyến khích các nghệ nhân vào cuộc. Đồng thời nâng cao kiến thức văn hóa, thúc đẩy sự đam mê, sáng tạo nghệ thuật trong lớp trẻ hiện nay…
Ông Chờ Rưm Nhiên - nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Giang: Truyền cảm hứng cho giới trẻ về văn hóa cội nguồn

Trong bối cảnh hiện nay, câu chuyện bảo tồn văn hóa miền núi có thể nói đang đứng trước nhiều khó khăn. Các nghệ nhân am hiểu văn hóa ít dần, người trẻ dù có động lực và nền tảng nhưng mức độ am hiểu văn hóa truyền thống chưa sâu. Điều đó gây rất nhiều trở ngại, thậm chí là thách thức trong việc thúc đẩy người trẻ tiếp cận văn hóa, bảo tồn văn hóa của dân tộc mình.
Ở Nam Giang, một số địa phương như xã Zuôih, Tà Bhing đang phát huy bản sắc cộng đồng rất tốt. Nhiều người trẻ có kiến thức về công nghệ, cùng tham gia thực hiện các phần việc của cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị trong phát triển du lịch.
Để các địa phương triển khai đồng bộ hệ thống dữ liệu điện tử, số hóa trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa truyền thống, đòi hỏi trước hết phải đào tạo con người, ở đây là nguồn nhân lực đồng bào DTTS có đủ kiến thức, đủ tâm huyết và hiểu biết sâu về bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS.
Nhiệm kỳ tới, khi không còn cấp huyện, thì cấp xã cần ban hành nghị quyết riêng về công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các tộc người trên địa bàn. Đặc biệt, chú trọng giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của một số tộc người đã được công nhận di sản vật thể và phi vật thể quốc gia.
Trên cơ sở nâng cao chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân - những người làm công tác truyền dạy văn hóa cộng đồng, không chỉ giúp truyền cảm hứng cho giới trẻ, vốn có điều kiện về cộng nghệ số, mà còn góp phần quảng bá giá trị văn hóa ngày càng lan xa.

Thời gian tới, tỉnh cần quan tâm đến chính sách đầu tư hạ tầng du lịch, hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh thành lập các đội, nhóm nghệ thuật cộng đồng. Đồng thời xây dựng một thế hệ mới người DTTS am hiểu về văn hóa và công nghệ để tích hợp các giá trị văn hóa truyền thống vào nền tảng công nghệ số, từ việc sưu tầm và bảo lưu các điệu múa, điệu hát nguyên bản cho đến lễ nghi, nghi thức tổ chức hoạt động văn hóa cộng đồng.
Ngoài ra, hằng năm cần nỗ lực duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, gắn với kết nối phát triển du lịch, đưa các sản phẩm văn hóa cộng đồng miền núi trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút du khách.
Già làng Y Kông - nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang: Giữ văn hóa, cái gốc là ở con người

Đồng bào Cơ Tu hay bất kỳ các tộc người DTTS sinh sống ở núi cao đều tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Điều đó thể hiện tầm quan trọng không thể thay thế của văn hóa truyền thống đối với cuộc sống cộng đồng.
Để cộng đồng giữ được giá trị văn hóa của mình, theo tôi trước hết cần chú trọng yếu tố con người. Bởi đó chính là gốc rễ của câu chuyện, vì suy cho cùng, văn hóa cũng do chính con người tạo ra, bảo lưu qua hàng nghìn năm, từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Do vậy, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng - những chủ thể văn hóa của làng, Nhà nước chú trọng quan tâm đến chính sách bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý văn hóa. Trong đó, ưu tiên đội ngũ cán bộ người DTTS am hiểu văn hóa tại địa phương, cộng đồng.
Cùng với đó, đầu tư nguồn lực phục hồi các làng nghề truyền thống, phục dựng kiến trúc, các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ nghệ nhân, những người tâm huyết trong công tác bảo tồn. Đồng thời đưa văn hóa bản địa vào chương trình giáo dục, trong đó có các chương trình học tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình.
Ngoài ra, khuyến khích lớp trẻ tiếp cận văn hóa truyền thống, tham gia nhiều hơn vào các hoạt động cộng đồng để trải nghiệm, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước.
Văn hóa không chỉ đơn thuần là di sản vật thể và phi vật thể, mà rộng hơn còn nằm ở cốt cách, tinh thần đoàn kết cộng đồng của mỗi tộc người. Vì thế, muốn giữ văn hóa thì phải giữ cho được tinh thần đoàn kết, đặc biệt là các luật tục chung của cộng đồng.
Văn hóa đoàn kết chính là sức mạnh giúp các già làng, nghệ nhân làm tốt hơn vai trò truyền nối, giáo dục con cháu. Như người Cơ Tu, việc dựng gươl, đám cưới, ma chay… cũng đều nhận được sự góp sức của cả cộng đồng. Điều đó cũng nhờ phát huy tốt nhiệm vụ văn hóa đoàn kết ở mỗi gia đình, tộc họ, làng bản, xã hội.
Tôi kể ví dụ câu chuyện này, có thật, vừa xảy ra ở chính địa phương Đông Giang cách đây ít tháng để mọi người cùng ngẫm nghĩ lại làm cách nào để giữ được văn hóa miền núi. Năm ngoái, một già làng người Cơ Tu ở thị trấn Prao đặt tôi 4 chiếc trống để chơi.
Đồng thời gửi gắm ý nguyện là khi nào ông mất, người nhà sẽ “chơi nhạc trống” để tiễn ông về với tổ tiên. Nhưng, đến khi ông ấy mất, những người có mặt trong đám tang không ai đủ khả năng chơi nhạc cụ này nên trống bị bỏ không, lăn lóc trong xó nhà… Rất đau!