Đời sống

“Bà Bụt” của người bệnh miền Trung

BÌNH PHÚ 07/04/2025 08:33

“Việt Nam không còn là quê hương thứ hai của tôi nữa. Đây là nhà tôi. Tôi thực sự muốn ở lại đây đến cuối đời bởi tôi đã biết nơi mình thuộc về”- bà Virginia Mary Lockett bày tỏ.

Bà Virginia Mary Lockett, chủ tịch tổ chức Steady Footsteps (Mỹ)
Bà Virginia Mary Lockett, chủ tịch tổ chức Steady Footsteps (Mỹ).

Từ quyết định... liều lĩnh

Bà Virginia Mary Lockett (72 tuổi) vẫn không quên những ngày đầu tới định cư ở Đà Nẵng. Đó là mùa hè năm 2006, Virginia cùng chồng - ông David - quyết định bán căn nhà bên bờ biển ở Virginia Beach (Mỹ) để đến Việt Nam với tấm visa du lịch.

Tuy nhiên, lần đầu tiên bà Lockett đặt chân đến Việt Nam là vào năm 1995, khi cùng chồng sang nhận con nuôi ở Nha Trang. Trong thời gian chờ đợi các thủ tục nhận con kéo dài nhiều tuần, biết bà là chuyên gia vật lý trị liệu, người thông dịch viên đã đưa bà về nhà để thăm người cha bị tai nạn giao thông chưa thể phục hồi.

Là một chuyên gia vật lý trị liệu và phục hồi chức năng với hàng chục năm kinh nghiệm ở Mỹ, bà Lockett hiểu rằng nếu có sự chăm sóc y tế đúng cách, người đàn ông kia hoàn toàn có thể đi lại được. Nỗi ám ảnh ấy thôi thúc bà trở lại Việt Nam, nhưng lần này không phải với tư cách một người mẹ nhận con nuôi, mà là tìm kiếm cơ hội giúp đỡ bệnh nhân Việt Nam.

Khi các con đã có thể tự chăm sóc bản thân, bà Lockett quay lại Việt Nam làm tình nguyện viên cho Tổ chức Tình nguyện y tế hải ngoại (HVO).

4-3 BA BUT CUA NGUOI BENH MIEN TRUNG.4
Bà Virginia Mary Lockett và người bệnh miền Trung.

Trong vai trò là chuyên gia vật lý trị liệu, Virginia đã có ba tuần cùng làm việc với các bác sĩ tại một cơ sở y tế chuyên về phục hồi chức năng ở Đà Nẵng.

Quay về nhà, bà Lockett trăn trở với chồng “ở đây (Mỹ) không có mình thì sẽ có người khác làm, nhưng nếu mình có ở đó (Việt Nam) thì nhiều người sẽ có cơ hội lành bệnh hơn”. Mang theo suy nghĩ này cùng vài lần qua lại Việt Nam ngắn ngày khiến Virginia cảm thấy mệt mỏi vì vừa mất tiền vừa mất sức.

Khi các con đã đủ tuổi ra riêng, thôi thúc đến với những người cần giúp đỡ càng nung nấu. Lockett nói thẳng ý định sang Việt Nam định cư với chồng, trong đầu bà đinh ninh sẽ mất nhiều thời gian thuyết phục. Không ngờ khi nói ra, David lại gật đầu đồng ý.

“Tôi viết thư cho Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, trình bày mong muốn được làm việc lâu dài trong lĩnh vực phục hồi chức năng tại Việt Nam. Ông ấy khuyên tôi nên tìm một tổ chức phi chính phủ để tham gia. Nhưng tìm mãi không có tổ chức nào phù hợp, vợ chồng tôi quyết định tự lập ra một tổ chức của riêng mình. Thế là Steady Footsteps ra đời” bà Virginia kể.

Bán nhà ở Mỹ để sang Việt Nam. Họ chỉ có lựa chọn duy nhất là đến bên người bệnh, không có kế hoạch dự phòng. “Nếu có nhiều sự lựa chọn thì mình sẽ có kha khá thứ phức tạp đấy. Nhưng chỉ có một con đường thì đơn giản không thể quay lại, cứ thế mà thành quen” bà Lockett hồi tưởng.

Việt Nam là nhà, bệnh nhân là người thân

Với số tiền bán nhà, hai vợ chồng đáp chuyến bay đến Đà Nẵng. Bà Lockett hằng ngày đến bệnh viện, cần mẫn với công việc quen thuộc bên bệnh nhân.

Thời gian đầu ở đây bà làm việc trong một số bệnh viện, tập trung vào hai nhóm bệnh nhân chính là chấn thương sọ não và tai biến mạch máu não.

Đến năm 2010, bà quyết định “đầu quân” vào Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng. Tại đây, bà trực tiếp khám, điều trị cho người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân đột quỵ và chấn thương sọ não, bệnh nhi chậm phát triển vận động, điều trị giảm đau cho các bệnh lý cơ - xương - khớp….

4-3 BA BUT CUA NGUOI BENH MIEN TRUNG.3
Bà Virginia Mary Lockett và bức tượng đồng do điêu khắc gia nổi tiếng Phạm Văn Hạng tạc

Mỗi sáng, bà cùng người trợ lý chạy xe máy đến bệnh viện. Người hướng dẫn, người phiên dịch, họ làm việc cùng các bác sĩ, hướng dẫn kỹ thuật trị liệu cho nhân viên y tế và trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. Ban đầu, rào cản ngôn ngữ là một thách thức lớn, nhưng dần dần, bà tìm cách giao tiếp bằng cử chỉ, ánh mắt và những biểu cảm đơn giản.

Gần 20 năm ở Đà Nẵng, không đếm hết bao nhiêu bệnh nhân miền Trung được bà hỗ trợ phục hồi. Đã có bao trường hợp từng có ý định buông xuôi đã được “bà Tây” chữa khỏi, có thể đi đứng vận động. Như anh Nguyễn Như Công, bệnh nhân người Điện Bàn được người nhà chuyển tới bệnh viện năm 2018 trong tình trạng mất khả năng ngôn ngữ, liệt nửa người sau cơn tai biến nặng.

Bà đã trực tiếp tập đi, tập cử động tay, luyện cho anh ngồi, nằm, lăn, đạp xe suốt nhiều tháng trời. Không chỉ tập trung vào việc điều trị thể chất, mà còn tìm cách giúp anh giao tiếp lại với mọi người. Ban đầu, anh chỉ có thể viết những ký hiệu nguệch ngoạc. Nhưng dần dần, nhờ sự kiên trì của cả bà và người vợ tận tụy, anh đã có thể nói lại từng từ đơn giản. Ngày anh bật ra được câu “Tôi ổn” cũng là ngày hai người phụ nữ rơi nước mắt.

Ngoài công việc chuyên môn, bà Lockett còn dành thời gian sau giờ làm việc để làm những dụng cụ tập vật lý trị liệu tặng bệnh nhân. Đó có khi là những dụng cụ để phục vụ bài tập vận động, đó cũng có thể là những dây đai an toàn cho bệnh nhân, giúp họ tránh bị té ngã trong quá trình điều trị.

Bà nói, ở Mỹ, hệ thống y tế không khuyến khích người nhà can thiệp quá sâu vào quá trình điều trị. Nhưng ở Việt Nam, có một điều rất đặc biệt, người thân chính là lực lượng quan trọng giúp bệnh nhân hồi phục.

“Tôi có niềm tin rằng nếu có phương pháp luyện tập đúng, cộng với sự hỗ trợ từ người nhà thì việc phục hồi cho bệnh nhân sẽ rất khả quan. Với việc phục hồi chức năng thì sự hỗ trợ của người nhà giống như là vị “bác sĩ thứ 2”. Đó là điều làm tôi hài lòng và tôi ở đây để mong muốn mang đến cơ hội phục hồi tốt hơn cho mọi người” - bà nói.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ánh - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TP.Đà Nẵng chia sẻ, sự có mặt hỗ trợ của bà Lockett khiến đơn vị phục hồi chức năng của bệnh viện phát triển mạnh mẽ hơn, chia làm các mảng điều trị rõ ràng như Vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, điện trị liệu...

Làm việc thiện với tất cả trái tim, đã rất nhiều lần bệnh viện ngỏ ý hỗ trợ cho bà chi phí để bà trang trải cuộc sống, nhưng bà một mực không nhận. Niềm vui của bà là được thấy người bệnh an tâm điều trị, không lo gánh nặng chi phí.

Trao Huân chương, tạc tượng đồng

Tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã trao Huân chương Hữu nghị cho bà Virginia Mary Lockett - Chủ tịch tổ chức Steady Footsteps (Mỹ). Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp không mệt mỏi của bà trong suốt 20 năm qua tại Việt Nam.

Tấm lòng của “bà Bụt” cũng được nhiều người biết tới. Một trong những người rất ngưỡng mộ bà là điêu khắc gia Phạm Văn Hạng, tác giả của nhiều công trình điêu khắc nổi tiếng như Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê, Tượng đài Tưởng niệm đường 2/9, Cầu Rồng… Ngày Thầy thuốc Việt Nam cách đây 3 năm, nhà điêu khắc này đã hoàn thành bức tượng bán thân của bà Lockett sau 100 ngày kỳ công. Bức tượng đồng có sự chung tay đóng góp từng giọt đồng của người từng biết, từng nhận sự giúp đỡ, người ngưỡng mộ bà - một người chấp nhận từ nước Mỹ xa xôi, bán hết nhà cửa sang Việt Nam giúp đỡ những người không may mắn.

BÌNH PHÚ