Thấp thoáng bóng núi...
(VHQN) - Sông suối núi đồi đôi khi không chỉ là những khái niệm địa chất, địa hình mà như một chỉ dấu tìm về. Những chỉ dấu không gian mang bóng dáng ký ức.

Tôi bây giờ, vẫn hằng khắc trong tiềm thức những bóng núi bazan thẫm đỏ trời chiều của miền ký ức cũ. Đó là dãy núi Cấm chạy dài như con thuồng luồng cố trườn về phía biển. Từ triền cỏ Gành bên này có thể nhìn thấy rõ phía sông kia.
Nhà ngoại tôi ở làng Giu Nghĩa, làng cực nam huyện Thăng Bình, cách phía bắc làng Đầm của Tam Kỳ một đồi cát dài. Thi thoảng chị em tôi được ba mẹ cho phép tự dắt nhau đi bộ về thăm ngoại.
Thường những ngày cuối chạp, ba mẹ sai hai chị em xách ít đòn bánh tét hay chục bánh ú về tết ông bà. Những lần đi ấy, như thể những chuyến la cà mải mê kỳ thú, được tự do tung tăng lội đồng, băng nổng thì không chi sướng bằng.
Ra khỏi làng Đầm, hai chị em men theo con đường nhỏ vắt ngang đồng Rộc, lội băng qua khe Ba La hướng xéo lên xóm Gò Nổ. Từ đó lia mắt nhìn chếch hướng bắc tìm cây chiêm la cô đơn thiệt to đứng bao năm trên đỉnh đồi gió cát. Làng Giu Nghĩa phía bên kia chân đồi, sau khi ngang qua ngôi Miễu Chánh cũng đứng đó từ lâu rồi như cây chiêm la cổ thụ.
Khoảng trước sau năm 1980, nhiều nấm mồ vô danh sau chiến tranh thường lộ ra trong gió cát, gặp nhiều đến độ quen thuộc. Chị em tôi, dù mới tuổi chín mười, khi ngang qua những nấm mộ cát đã bị gió thổi phẳng lì không hề cảm thấy sợ là gì. Khi trưởng thành tôi cảm nhận rằng chiến tranh đâu thiếu gì những biệt ly không hẹn, cũng chẳng nề rõ ràng chứng lý ni tê, chỉ kịp lấp vội vàng trong những nấm mồ huyệt cạn, rồi quên.
Từ nhà ngoại trở về làng Đầm, cách hay nhứt để khỏi lạc đường như ba tôi hay chỉ, là đứng trên đồi cát Chiêm La nhằm hướng An Hà - Núi Cấm mà đi.
Ngày đó núi An Hà và dãy núi Cấm nhìn từ xa một dải nổi bật màu đỏ sẫm, hầu như đứng ở đâu trên triền cát dọc Thăng Bình nhìn về cũng thấy rõ.
Ba thi thoảng nhắc, thời đạn bom khói lửa, pháo từ Núi Cấm đêm đêm rót về. Làng mình vườn nhà nào cũng chi chít loang lổ, có khi chỉ sau một đêm thức dậy chợt thấy bờ tre trước nhà đã thành một chiếc ao sâu.

Và như thế, cả làng Đầm không còn ngôi nhà xưa nào nguyên vẹn, không gãy đổ vì đạn bom thì cũng tháo dỡ xuống làm hầm trú ẩn. Cột kèo xuyên tránh gỗ mít chạm trổ trăm năm cũng không còn quan trọng nữa, mạng người còn đó mới là hơn.
Hôm nay, ngồi xem tin chiến sự, mẹ nhìn những hoang tàn đổ nát tận trời Âu giọng vẫn như còn thảng thốt, “làm chi làm chớ mong đừng có chiến tranh nữa con ơi, kinh khủng lắm!”.
Những năm sau này lớn lên ra Đà Nẵng trọ học, mỗi cuối tuần ngồi xe Renault về thăm nhà, vừa qua Quán Gò lại bắt đầu ngóng bóng núi đỏ, tới khi nhìn rõ dáng núi là lúc sắp được gặp ba mẹ ở sân nhà.
Đến bây giờ những lúc chạy xe trên đường Võ Chí Công tôi cũng cố ý tìm bóng núi Cấm ngày thơ ấu, nhưng hình như bóng núi đã mờ khuất. Một thời đào vàng, rồi sau này lấy đất san lấp cho xây dựng, dãy núi Cấm thấp xuống, thiệt uổng công ông thầy Lánh gánh đất xây đồi dựng núi trong câu chuyện ngày xưa.
Thời gian như bóng câu, thoắt đã năm mươi năm quê mình thôi khói lửa, 50 năm ngày mẹ gánh chị em tôi trong đôi thúng tròn chạy loạn, ngày pháo từ Núi Cấm thôi nã xuống làng Đầm.
Những hố bom quanh vườn đã lấp, nhường chỗ cho vạt cải xanh non chờ mấy đứa con về xúm xít. Nơi những nấm mồ hoang cát thổi năm xưa giờ cũng đã là khu công nghiệp Tam Thăng 2 mở rộng, những cột khói nhà máy vươn cao sau rừng là chỉ dấu về quê.
Giờ đây đồi cát cũng không còn vẹn nguyên hình hài để nhường chỗ cho tuyến đường xuyên tỉnh mới mở, cây chiêm la cô đơn cũng không biết đã về đâu, để mỗi khi lòng khắc khoải nhớ về thời quá vãng, tôi lại nghe vẳng bên tai mấy câu thơ Nguyễn Nhật Ánh viết năm nào: “Có thể nào biết được sáng mai ra/ Ta thức dậy đất trời không đổi khác/ Dãy núi thẫm phía chân trời biến mất/ Giọng chim quen thôi hót đã lâu rồi/ Rừng biến thành sông, suối hóa thành đồi/ Mây thành gió, gió cũng thành cát thổi”.