Người anh hùng của Đại đội 3
(QNO) - Với thành tích trong kháng chiến chống Mỹ, Tiểu đoàn 70 Tỉnh đội Quảng Nam được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Làm nên những chiến công lừng lẫy của đơn vị là mồ hôi, nước mắt, máu xương của bao thế hệ chiến sĩ, trong đó có Đại đội trưởng Đại đội 3 Võ Quang Tiến.
Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam, ông Võ Quang Tiến hiện ở TP.Hồ Chí Minh đã cùng nhiều đồng đội lên đường về thăm chiến trường xưa. Ông khá đặc biệt giữa đám đông, bởi thân hình cao lớn, nước da đen, hai bên ngực áo lấp đầy huân huy chương. Dù đã gần 80 tuổi nhưng ông Tiến vẫn mạnh khỏe, nhanh nhẹn, hào sảng. Và ông luôn được đồng đội nhắc đến với sự ngưỡng mộ, quý trọng là người anh hùng của Đại đội 3.

Năm 1967, người thanh niên Võ Quang Tiến quê ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang lúc đó mới 20 tuổi đã tình nguyện theo đoàn quân miền Bắc tiến vào nam.
Đến Quảng Nam, ông được biên chế vào đơn vị đặc công V18, Thị đội Tam Kỳ. Từ tháng 5/1968 tới đầu năm 1969, ông đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt, khi địch đưa quân càn quét vào vùng giải phóng của ta tại các xã Kỳ Trà, Kỳ Yên, Kỳ Quế, Kỳ Thịnh, Kỳ Nghĩa. Trong hai năm đầu tham gia chiến đấu anh dũng, ông đã được cấp trên tặng thưởng danh hiệu Dũng sĩ quyết thắng cấp 3.
Đầu năm 1970, ông Tiến được chuyển về Đại đội 706 đặc khu A, Tỉnh đội Quảng Nam. Đơn vị có nhiệm vụ đánh vào các cơ quan đầu não, cùng những bốt đồn của địch trong Tỉnh đường như khu vực vườn Lài, khu Tứ Hiệp, khu cư xá sĩ quan ngụy cùng nhiều mục tiêu khác. Địa bàn chiến đấu vô cùng nguy hiểm, phải giáp mặt với quân thù ngay trong sào huyệt của chúng nhưng ông Tiến vẫn là chiến sĩ xung phong và ông liên tiếp được cấp trên tặng thưởng 3 danh hiệu Dũng sĩ quyết thắng cấp 1,2,3.
Trong đêm 14 rạng sáng ngày 15/3/1970, khi ông cùng Thị đội trưởng Lê Hải Lý dẫn đội công tác đi chuẩn bị mục tiêu nằm sâu trong thị xã Tam Kỳ, đơn vị bất ngờ bị địch chia cắt đội hình thành hai khu vực. Ông Tiến đã mưu trí dùng thủ pháo và lựu đạn tiêu diệt 1 chiếc xe tăng M113 và 1 chiếc xe GMC chở quân, cùng 15 tên địch, rồi quay trở ra tìm đồng đội rút lui an toàn. Sau trận đó, ông được cấp trên tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng Nhất, 1 danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới. Vinh dự hơn, ông Tiến được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Liên tiếp trong những trận đánh biệt kích Mỹ tại đặc khu A, ông Tiến được tặng thưởng 4 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, 1 Huân chương chiến công giải phóng hạng Ba, và được đề bạt làm đại đội phó Đại đội 706.
Tháng 3/1971, ông Võ Quang Tiến được Tỉnh đội điều về làm Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 70. Ở cương vị người chỉ huy, ông đã chỉ huy đại đội đánh nhiều trận ác liệt với lính Việt Nam cộng hòa, lập được nhiều chiến công.
Trong chiến dịch Xuân - Hè 1972, Đại đội trưởng Võ Quang Tiến chỉ huy đại đội cùng các đại đội khác trong Tiểu đoàn 70 đánh địch trên địa bàn vùng đông Thăng Bình, Quế Sơn và Bắc Tam Kỳ. Các đơn vị của ta đã tiêu diệt 1 đại đội lính biệt lập tại đồi ông Cẩm, thôn 3 xã Kỳ Thịnh. Trong trận đó, ông Tiến bị thương gãy tay trái.
Khi vết thương vừa lành, ông Tiến đã ra trận. Trước khi Hiệp định Paris được ký kết, địch tăng cường đánh phá hòng lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Đại đội 3 được điều xuống chốt giữ vùng lõm chiến lược Ao Lầy, xã Kỳ Thịnh, đơn vị cùng với lực lượng du kích và trinh sát của huyện Tam Kỳ đã chiến đấu ngoan cường đánh địch lấn chiếm, giữ vững căn cứ Ao Lầy.
Chiến công nối tiếp chiến công, Đại đội 3 cùng với Tiểu đoàn 70 Tỉnh đội Quảng Nam đã gây nhiều tổn thất cho địch. Mỹ nguỵ đã treo thưởng cho ai tiêu diệt được Võ Quang Tiến. Nhưng với sự gan dạ, quả cảm, mưu trí, ông Tiến luôn thoát chết giữa lằn ranh bom đạn, đồng thời hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất cho đơn vị. Trong những thời khắc nguy kịch nhất, ông vẫn dũng cảm cứu đồng đội bất chấp hiểm nguy.
Ông Nguyễn Xuân Khả, hiện ở phường Tân Thạnh,TP.Tam Kỳ, nguyên Trợ lý chính trị Tiểu đoàn 74, Tỉnh đội Quảng Nam kể lại rằng, tháng 5/1972, lúc bấy giờ ông Khả là Đại đội phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 70, cả Tiểu đoàn nhận lệnh đánh vào đồn địch ở xã Bình Định, huyện Thăng Bình. Trận đó, ông Khả bị thương nặng ở đầu. Lúc đó, ông Võ Quang Tiến cũng bị thương ở tay nhưng đã lao ra cõng ông Khả rời khỏi trận địa. 40 năm sau gặp lại, ông Khả vô cùng xúc động và đã gửi tặng Đại đội trưởng Tiến những vần thơ tự đáy lòng “… Nhớ một đêm anh cõng tôi ra khỏi công đồn. Máu anh, máu tôi quyện vào ký ức. Tôi ra hậu phương, anh trong này đánh giặc… Nay, hơn bốn mươi năm anh mới trở về. Gặp nhau giữa phố phường đông đúc. Mâm tiệc đầy vẫn không quên thuở trước…”.

Ông Lê Công Quế, quê ở Thanh Hóa là một trong những đồng đội đã kề vai sát cánh với Đại đội trưởng Võ Quang Tiến nói: “Thủ trưởng Tiến có hai đặc tính. Thứ nhất là thương lính, thứ hai là bản lĩnh trong chiến đấu. Anh lập nhiều chiến công, khi ra trận thì lính chúng tôi rất tin tưởng ở anh, trong mọi tình huống khó khăn nhất, anh vẫn xử lý tốt nhất".
Năm 1974, ông Võ Quang Tiến được đưa ra Bắc học tập. Với mệnh lệnh lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”, tháng 12/1974, ông Tiến nhận lệnh lên đường tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn. Ông cùng đơn vị đặc công đã “xốc tới” đánh thẳng vào Tổng nha cảnh sát của ngụy ở Sài Gòn, góp phần kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975.

Sau ngày hòa bình, ông Võ Quang Tiến vẫn cùng đồng đội trở lại Quảng Nam thăm chiến trường xưa. Bởi ở đây là tuổi trẻ, là nơi ông đã chiến đấu quên mình vì lý tưởng cao cả. Mỗi lần trở về, ông luôn mang theo gia tài lớn nhất của đời binh nghiệp, đó là hơn 20 huân, huy chương, danh hiệu dũng sĩ các loại trong kháng chiến chống Mỹ.
Trong 2 năm ( 2021- 2022), ông Tiến đã viết Hồi ký chiến trường với tên gọi “Chảo lửa bất tử”. Tác phẩm đã được Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2023. “Tôi viết về những gì đã xảy ra đối với tôi trong những trận đánh thấm đẫm máu và nước mắt, viết cho đồng đội của tôi đã khuất, vẫn còn nằm đâu đó trên đất Mẹ Quảng Nam - Đà Nẵng để họ được sống mãi tuổi đôi mươi” - đó là một đoạn trong lời tựa cuốn Hồi ký chiến trường của cựu chiến binh Võ Quang Tiến. Và sau tất cả, người anh hùng của Đại đội 3, Tiểu đoàn 70 vẫn khiêm nhường nói rằng: “Mọi nỗ lực phấn đấu của bản thân tôi không thể nào so sánh được với sự hy sinh cao cả của đồng đội…”.