Nông thôn mới

Duy Xuyên nâng cao chất lượng đào tạo nghề

NHÃ PHƯƠNG - PHI THÀNH 10/04/2025 07:55

Những năm qua, huyện Duy Xuyên nỗ lực triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.

z6480974613760_e0d1738dcf8b57d7e3d32af63c645bc7.jpg
Cơ sở may mặc của ông Võ Thành Trung (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG

Năm 2020 trở về trước, gia đình ông Trần Thuận (xã Duy Phước) thuộc diện hộ cận nghèo. Được sự quan tâm của Hội Nông dân xã, ông Thuận tham gia lớp học nghề về kỹ thuật chăn nuôi - thú y. Đồng thời ông được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản.

“Những kiến thức học được đã giúp tôi thực hiện tốt việc chăm sóc, phòng bệnh cho đàn bò. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế cao hơn trước. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi có mức thu nhập khoảng 50 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi bò” - ông Thuận chia sẻ.

Cách đây 7 năm, sau khi học lớp nghề may mặc, ông Võ Thành Trung (xã Duy Vinh) quyết tâm khởi nghiệp với mô hình xưởng may công nghiệp. Đồng hành cùng ông Trung, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Duy Xuyên tạo điều kiện cho vay ưu đãi 100 triệu đồng.

Có vốn vay, kết hợp số tiền tích lũy được, ông Trung mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và sớm đưa xưởng may đi vào hoạt động. Hiện nay, xưởng may của ông giải quyết việc làm cho 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian qua, huyện Duy Xuyên luôn chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, riêng năm 2024, các ngành liên quan tích cực phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp & hỗ trợ nông dân tỉnh và chính quyền các xã, thị trấn tổ chức 8 lớp đào tạo nghề, dạy nghề cho 276 học viên là hội viên nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên về kỹ thuật pha chế đồ uống, chế biến món ăn, trang điểm thẩm mỹ, trồng hoa cây cảnh, may mặc; đồng thời giới thiệu, tư vấn cho các doanh nghiệp tuyển dụng 1.269 lao động tại các địa phương của huyện.

Qua thống kê, năm 2024 toàn huyện Duy Xuyên giải quyết việc làm mới cho 2.450 lao động, vượt hơn 36% so với chỉ tiêu đề ra. Các chính sách hỗ trợ dịch vụ xã hội cơ bản như cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, vay vốn sản xuất đã tạo nền tảng kinh tế vững chắc cho các hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Nhờ vậy, đến cuối tháng 3/2025, Duy Xuyên chỉ còn 682 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,79% (giảm 0,89% so với năm 2020); năm 2024 thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt hơn 62 triệu đồng, tăng 19 triệu đồng so với cách đây 5 năm.

“Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Duy Xuyên thực sự mang lại hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Năm 2025, Duy Xuyên phấn đấu đào tạo nghề cho 1.200 lao động và giải quyết việc làm mới cho 1.800 lao động; phấn đấu đến cuối năm nay giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 1% và thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng” - ông Phúc nói.

NHÃ PHƯƠNG - PHI THÀNH