Hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh
(QNO) – Quảng Nam định hướng hợp tác xã phát triển toàn diện, nhất là chú trọng chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, sạch thân thiện với môi trường.

Xu hướng sản xuất xanh
Bà Nguyễn Thị Hiền – Hợp tác xã Nông nghiệp (HTX) Lạc Sơn (xã Quế Minh, Quế Sơn) cho biết, khi thành lập HTX đã xác định hướng đi dài hạn là phát triển nông nghiệp xanh, bền vững và gắn với giá trị bản địa. HTX đã nhìn nhận rõ xu hướng tiêu dùng đang dịch chuyển mạnh mẽ sang thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe, có nguồn gốc rõ ràng theo liên kết chuỗi.
Vì vậy, trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm, HTX Nông nghiệp Lạc Sơn luôn hướng tới các tiêu chí đã đặt ra, đặc biệt là sản xuất hữu cơ như sản phẩm không sử dụng hóa chất, kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng.
Trong trồng trọt không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học và trong chăn nuôi sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên và thảo dược, đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi và người tiêu dùng. Thêm nữa là quy trình sản xuất rõ ràng, minh bạch và có thể truy xuất nguồn gốc.
“Hiện nay, HTX Nông nghiệp Lạc Sơn đã có các dòng sản phẩm xanh theo hướng hữu cơ, nổi bật nhất là sản phẩm nem Lạc Sơn đạt OCOP 3 sao. HTX đang phối hợp với các chuyên gia Trường Cao đẳng Lương thực - thực phẩm (TP.Đà Nẵng) để chuẩn hóa công thức, hoàn thiện quy trình đạt tiêu chuẩn HACCP và tiệm cận tiêu chí hữu cơ trong tương lai”
Bà Nguyễn Thị Hiền - HTX Nông nghiệp Lạc Sơn
[VIDEO] - Sản phẩm chế biến sâu theo hướng hữu cơ nem Lạc Sơn:
Ông Lê Ngọc Trung - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, việc thực hiện chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển bền vững. Đối với khu vực kinh tế tập thể Quảng Nam mới đang trong giai đoạn bước đầu.
Đã có một số HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học và chuyển đổi số vào sản xuất và kinh doanh thành công như: HTX Nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam áp dụng công nghệ sấy thăng hoa cho sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo; HTX Nông nghiệp và Dược liệu Tây Giang ứng dụng công nghệ trong sản xuất chè dây túi lọc chất lượng cao; sản xuất rau an toàn tại HTX Nông nghiệp Phú Mỹ...
Bên cạnh đó, nhiều HTX đã tiên phong trong việc ứng dụng các phương thức sản xuất xanh, giải pháp bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp
Theo Liên minh HTX tỉnh, các HTX tại Quảng Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong công cuộc chuyển đổi sản xuất xanh như quy mô hoạt động còn nhỏ lẻ, số lượng HTX sản xuất xanh và ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, thiếu nguồn vốn đầu tư đồng bộ cho việc ứng dụng công nghệ xanh và nhận thức, kỹ năng ứng dụng sản xuất xanh còn hạn chế. Ngoài ra, hạ tầng chưa đồng bộ, các công nghệ xử lý chất thải và tái sử dụng nguồn lực chưa được áp dụng rộng rãi.
Để định hướng các HTX chuyển đổi toàn diện theo chuyển dịch xanh đúng theo tinh thần của Luật HTX mới, Liên minh HTX tỉnh xác định nhiệm vụ đầu tiên là tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng để người dân, HTX và doanh nghiệp nhận thức rõ về lợi ích của sản xuất xanh. Từ đó thay đổi cách thức sản xuất truyền thống, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Liên minh HTX sẽ đẩy mạnh công tác tập huấn nâng cao kỹ năng về sản xuất xanh, kỹ thuật sản xuất hữu cơ, sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý chất thải...
Gần đây nhất, Liên minh HTX đã tập huấn cho các HTX về những quy định mới về kế toán, một số nội dung về kiểm tra, kiểm soát trong trong HTX theo Luật HTX 2023, Luật Kế toán 2015, Thông tư 71/2024/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán HTX, Liên hiệp HTX…

“Các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất xanh là rất cần thiết. Đồng thời, cũng cần tạo ra một môi trường pháp lý thông thoáng, khuyến khích các sáng kiến về phát triển sản xuất xanh” - ông Lê Ngọc Trung nói.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Ngọc Trung, các HTX phải chủ động sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, chuyển sang năng lượng tái tạo như điện mặt trời, biogas hoặc hệ thống tiết kiệm điện. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp xanh để hợp tác mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.
“Chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía, từ chính quyền, doanh nghiệp đến cộng đồng. Đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cơ hội để khu vực kinh tế tập thể phát triển một cách bền vững, góp phần tạo ra một nền kinh tế xanh, sạch, mang lại lợi ích cho thế hệ hôm nay và mai sau”
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Ngọc Trung