Xã hội

"Chạy đua" xóa nhà tạm trước 30/4 ở Duy Xuyên

PHAN VINH (phanphuocvinhqn@gmail.com) 10/04/2025 16:57

(QNO) - Những năm qua, song song với phát triển kinh tế - xã hội, huyện Duy Xuyên tập trung chăm lo cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát được địa phương đặc biệt quan tâm với nhiều cách làm hiệu quả, mang tính xã hội hóa cao. Dự kiến đến ngày 30/4, toàn bộ nhà tạm trên địa bàn huyện sẽ được xóa bỏ, đảm bảo không còn hộ chính sách sống trong cảnh thiếu thốn về chỗ ở.

Ảnh bìa nhà tạm
Ảnh bìa nhà tạm

(QNO) - Song song với phát triển kinh tế - xã hội, huyện Duy Xuyên tập trung chăm lo công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Địa phương đưa ra lộ trình sẽ hoàn thành xóa toàn bộ nhà tạm trên địa bàn trước Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4).

Linh động và kịp thời

Chị Trần Thị Vân (41 tuổi, thôn Trung Đông, xã Duy Trung) là mẹ đơn thân, nuôi hai con nhỏ đang tuổi ăn học. Từ ngày chồng qua đời vì tai nạn, kinh tế gia đình càng khó khăn. Không thuộc diện hộ nghèo hay người có công, nhiều năm qua, ba mẹ con chị Vân sống tạm trong căn nhà xuống cấp, chật chội.

Nhà tạm Duy Xuyên 1
Chị Trần Thị Vân giờ đã yên tâm sống trong căn nhà kiên cố. Ảnh: PHAN VINH

Vừa qua, khi TP.Đà Nẵng hỗ trợ Quảng Nam 100 căn nhà đại đoàn kết, xã Duy Trung được phân bổ 3 căn, mỗi căn trị giá 60 triệu đồng. Trong số này, căn nhà của chị Vân là một trường hợp đặc biệt được chính quyền xã linh động bố trí từ nguồn ngoài cơ chế. Nhờ sự hỗ trợ của người dân, các đoàn thể và doanh nghiệp, ngôi nhà trị giá gần 250 triệu đồng đang dần hoàn thiện.

Tôi không dám nghĩ có ngày mình được sống trong căn nhà mới khang trang như thế. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và cộng đồng, mẹ con tôi có nơi ở vững chãi, an toàn. Đó không chỉ là ngôi nhà mà còn là điểm tựa cho tương lai.

Chị Trần Thị Vân

Theo ông Lê Nho Dân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Duy Trung, từ năm 2021 đến nay, địa phương đã xóa hàng chục căn nhà tạm cho hộ nghèo, cận nghèo và người có công. Riêng trong năm 2025, theo Nghị quyết 13/2023/NQ của HĐND tỉnh và Quyết định 2289 của UBND tỉnh, xã chỉ còn 6 căn nhà cần sửa chữa và đã hoàn thành toàn bộ, chờ bàn giao.

Nhà tạm Duy Xuyên 2
Xã Duy Trung là địa phương tranh thủ tốt các nguồn ngân sách để thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: PHAN VINH

“Thực tế vẫn còn những hộ khó khăn không thuộc diện chính sách nhưng sống trong điều kiện rất chật vật. Vì vậy, khi được phân bổ nguồn hỗ trợ từ TP.Đà Nẵng, chúng tôi đã linh hoạt bố trí giúp thêm 3 trường hợp, góp phần lan tỏa tinh thần sẻ chia trong cộng đồng” - ông Dân nói.

[VIDEO] - Ông Lê Nho Dân chia sẻ về quá trình thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương:

Huy động xã hội hóa

Theo bà Trần Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên, giai đoạn 2021 - 2023, từ nguồn ngân sách hỗ trợ 40 triệu đồng cho nhà xây mới và 20 triệu đồng cho nhà sửa chữa, sau khi khảo sát, địa phương xác định mức hỗ trợ này là chưa đủ để các hộ hoàn thiện nhà. Vì vậy, huyện đã phát động phong trào vận động xã hội hóa trong toàn dân, hỗ trợ tối thiểu 100 triệu đồng đối với nhà xây mới và 40 triệu đồng đối với nhà sửa chữa. Nhờ đó, đã có 63 căn nhà được xây mới với mức đầu tư 120 - 150 triệu đồng/căn.

van-dong-xa-hoi-hoa.jpg
Huyện Duy Xuyên đã thực hiện tốt công tác vận động xã hội hóa trong xây nhà đại đoàn kết. Ảnh: PHAN VINH

"Chúng tôi rất trân trọng sự đóng góp của các doanh nghiệp, hội đồng hương, tổ chức chính trị - xã hội và các cá nhân trong, ngoài địa phương. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức viên chức huyện cũng tự nguyện đóng góp một ngày lương. Tổng nguồn vận động xã hội hóa cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trong giai đoạn này lên đến hơn 7 tỷ đồng" - bà Hương thông tin.

Tiếp nối tinh thần đó, khi triển khai Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND, huyện tiếp tục làm tốt công tác xã hội hóa. Đến đầu năm 2025, Duy Xuyên đã vận động được hơn 835 triệu đồng từ các nguồn khác nhau để bổ sung vào kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở.

[VIDEO] - Bà Trần Thị Thanh Hương - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy xuyên chia sẻ về việc vận động các nguồn xã hội hóa trong thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát:

Xã hội hóa là một trong những giải pháp then chốt giúp chương trình xóa nhà tạm trên địa bàn huyện đạt hiệu quả thực chất. Có những căn nhà được vận động thêm 20 - 30 triệu đồng, nhờ đó, chất lượng và tiến độ công trình được nâng cao, góp phần tạo niềm tin và lan tỏa tinh thần sẻ chia trong cộng đồng.

Bà Trần Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên

Hoàn thành trước 30/4

Tính đến ngày 27/3/2025, toàn huyện Duy Xuyên đã thực hiện xong 130/150 căn nhà thuộc kế hoạch xóa nhà tạm theo Nghị quyết 13/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Trong đó, có 29 căn xây mới và 101 căn sửa chữa. Tổng kinh phí đã giải ngân hơn 7 tỷ đồng. Từ nay đến 30/4, huyện tập trung hoàn thiện 100% kế hoạch là xóa 20 căn còn lại (13 xây mới và 7 sửa chữa).

Nhà tạm Duy Xuyên 3
Huyện Duy Xuyên đang phấn đấu hoàn thành 13 căn nhà xây mới và 7 căn nhà sửa chữa trước 30/4. Ảnh: PHAN VINH

Về vướng mắc trong quá trình thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nhìn nhận: "Tại các xã vùng đông như Duy Hải và Duy Nghĩa, khó khăn lớn nhất hiện nay là nhiều hộ dân có nhà ở nằm trong vùng quy hoạch dự án phát triển đô thị, du lịch ven biển hoặc tái định cư. Do đó, việc cấp phép xây dựng mới hoặc sửa chữa gặp nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý, không thể triển khai đồng bộ như các khu vực khác".

Theo thống kê, tính đến cuối tháng 3/2025, xã Duy Hải còn 7 căn nhà chưa hoàn thành (5 căn xây mới, 2 căn sửa chữa), xã Duy Nghĩa còn 5 căn (3 căn xây mới, 2 căn sửa chữa). Đây đều là những trường hợp đang bị vướng quy hoạch, cần phải xin ý kiến điều chỉnh hoặc bố trí lại mặt bằng xây dựng.

anh-man-hinh-2025-01-26-luc-16.42.49.jpg
Nhiều gia đình vui mừng khi được sống dưới mái nhà mới. Ảnh: PHAN VINH

Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chuyên môn và chính quyền cơ sở để từng bước tháo gỡ vướng mắc. Với quyết tâm chính trị cao, huyện sẽ nỗ lực hoàn thành toàn bộ kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát đúng tiến độ, đảm bảo không còn hộ chính sách, hộ nghèo nào phải sống trong nhà ở xuống cấp.

Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên

[VIDEO] - Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên kiến nghị một số vấn đề để công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát được triển khai đồng bộ:

Nội dung và trình bày: PHAN VINH

PHAN VINH (phanphuocvinhqn@gmail.com)