Quốc phòng - An ninh

Không hết giờ, không ngày nghỉ, Công an Quảng Nam tận lực vì nhân dân

THÀNH CÔNG 11/04/2025 10:25

Để vừa giải quyết thủ tục cấp căn cước cho công dân, vừa triển khai đăng ký định danh điện tử mức 2, lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Nam đã tập trung làm thêm giờ, xuyên các ngày nghỉ phục vụ cho người dân có nhu cầu.

1.jpg
Rất đông người dân có nhu cầu đăng ký định danh điện tử mức 2 trong những ngày gần đây. Ảnh: THÀNH CÔNG

Nhu cầu tăng cao

Trong những tháng đầu năm, nhu cầu làm thủ tục đăng ký định danh điện tử mức 2 tăng cao. Sự gia tăng đột biến này xuất phát từ xu hướng số hóa mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, bảo hiểm và các dịch vụ công khác với yêu cầu công dân phải sở hữu định danh điện tử mức 2 để thực hiện các giao dịch trực tuyến.

Đây là bước tiến quan trọng nhằm hiện đại hóa quản lý nhà nước, giảm thiểu giấy tờ thủ công và nâng cao hiệu quả xử lý thủ tục hành chính. Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo áp lực lớn lên các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính (CSQLHC) về trật tự xã hội (TTXH) Công an tỉnh Quảng Nam.

Anh Bùi Quang Thuận (TP.Tam Kỳ) cho hay, do có nhu cầu đăng ký định danh điện tử mức 2 để giao dịch tín dụng, anh phải đến rất sớm để bốc số, xếp hàng chờ đợi. “Bây giờ rất nhiều thủ tục đều yêu cầu thực hiện trên cổng dịch vụ công hoặc môi trường mạng, nếu không đăng ký định danh điện tử mức 2 thì không thể thực hiện được” - anh Thuận chia sẻ.

Trước áp lực ngày càng gia tăng, Phòng CSQLHC về TTXH Công an tỉnh Quảng Nam đã không ngừng nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thiếu tá Nguyễn Phú - Đội phó Đội Đăng ký quản lý cư trú và Cấp Căn cước cho biết, vào những ngày cao điểm, phòng xử lý gần 400 hồ sơ định danh điện tử cho công dân tại trụ sở đơn vị. “Bình quân mỗi ngày chúng tôi giải quyết cho khoảng 300 trường hợp và cấp thêm khoảng 150 căn cước công dân (CCCD).

4.jpg
Trong những ngày cao điểm, Phòng CSQLHC về TTXH có thể tiếp nhận, giải quyết đến gần 400 hồ sơ đăng ký định danh điện tử mức 2. Ảnh: THÀNH CÔNG

Để hỗ trợ người dân, đơn vị đã triển khai hệ thống cấp số thứ tự theo khung giờ. Chúng tôi cam kết giải quyết hết số thứ tự trong ngày, thậm chí nếu còn người dân, công việc vẫn được tiếp tục. Phương châm của chúng tôi là hết dân chứ không hết giờ” - Thiếu tá Nguyễn Phú nói.

Phòng CSQLHC về TTXH còn tổ chức các tổ công tác lưu động, trực tiếp xuống địa phương để hỗ trợ người dân, đặc biệt là những trường hợp không thể tự mình đến trụ sở.

Ngày 21/3/2025 vừa qua, cán bộ Phòng CSQLHC đã đến tận nhà ông Nguyễn Hữu Danh tại tổ 4B, khối phố Mỹ Thạnh Trung (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) để thu nhận hồ sơ căn cước cho cụ Võ Thị Thái - mẹ ông Danh.

Cụ Thái sinh năm 1930, nay đã 95 tuổi, do tuổi cao sức yếu và bệnh tật nên không thể đi lại. Trước đó, đơn vị cũng hỗ trợ ông Nguyễn Văn Thuận (60 tuổi), một bệnh nhân ung thư vòm họng tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam để hoàn tất thủ tục căn cước, giúp ông đảm bảo quyền lợi bảo hiểm.

Thiếu tá Nguyễn Phú nhấn mạnh, đối với các trường hợp không thể đi lại, trường hợp khẩn cấp như người già, người bệnh nặng nằm viện dài ngày, đơn vị sẽ bố trí người đến tận nơi để hỗ trợ, thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự tận tâm với nhân dân.

Nỗ lực giải quyết

Thượng tá Nguyễn Thành Nhân - Trưởng Phòng CSQLHC về TTXH cho hay, trước đây do hạn chế về hệ thống, tài khoản của các đội làm thủ tục tại cấp xã chỉ giải quyết được cho những người làm căn cước mới, không thể xử lý riêng định danh mức 2.

3.jpg
Lực lượng CSQLHC về TTXH đã bố trí thêm người, làm thêm ngày nghỉ để giải quyết nhu cầu rất lớn của người dân. Ảnh: THÀNH CÔNG

“Điều này khiến người dân phải tập trung về trụ sở phòng để đăng ký, dẫn đến tình trạng quá tải, mất nhiều thời gian và chi phí đi lại. Hiện nay, sau khi Công an Quảng Nam kiến nghị, chúng tôi đã được cấp tài khoản cho công an các xã, phường, thị trấn ở khu vực trung tâm của cấp huyện. Vì vậy, người dân hoàn toàn có thể làm thủ tục tại các điểm gần nơi sinh sống thay vì phải lên tỉnh” - Thượng tá Nguyễn Thành Nhân thông tin.

Để giảm tải áp lực tại trụ sở tỉnh và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, Thượng tá Nguyễn Thành Nhân khuyến cáo người dân đến các xã trung tâm, nơi đã bố trí các tổ công tác, để làm định danh mức 2 và căn cước.

Cách làm này không chỉ tiện lợi mà còn giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và công sức. Tuy nhiên, đơn vị vẫn sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ cho công dân toàn tỉnh, đặc biệt là những trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp.

Hiện nay, Phòng CSQLHC về TTXH đang phối hợp với ngành giáo dục đăng ký cấp căn cước cho học sinh lớp 9 để triển khai mô hình xác thực trong thi cử và đã thực hiện bước đầu tại huyện Đại Lộc.

“Mục tiêu của chúng tôi là không để người dân phải đi lại nhiều, giải quyết thủ tục nhanh chóng, hiệu quả, thể hiện tinh thần hết lòng vì nhân dân phục vụ” - Thượng tá Nguyễn Thành Nhân nói.

Trong tháng 3 vừa qua, Phòng CSQLHC về TTXH đã thành lập tổ công tác lưu động tại các địa phương như thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc), phường Vĩnh Điện (Điện Bàn), thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên), thị trấn Đông Phú (Quế Sơn), thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) và phường Minh An (Hội An). Tại những huyện có lượng hồ sơ lớn, phòng sẵn sàng điều động thêm nhân sự, làm việc liên tục ngoài giờ hành chính, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật để giải quyết triệt để nhu cầu.

THÀNH CÔNG