Bệnh sởi diễn biến phức tạp, Quảng Nam sử dụng lá chắn... vắc xin
(QNO) - Đã có một ca bệnh là người lớn tử vong sau khi mắc sởi trên nền bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và đái tháo đường. Dịch sởi đang diễn biến phức tạp trên cả nước, Quảng Nam tích cực phòng chống.

Đầu năm đến nay, Việt Nam đối mặt với việc bùng phát dịch sởi. Tại Quảng Nam, tính từ đầu năm đến ngày 7/4, toàn tỉnh ghi nhận 1.091 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 17 địa phương cấp huyện, trong đó có 99 ca dương tính với sởi.
Gia tăng người lớn mắc sởi
Theo thống kê từ Bộ Y tế, tính đến cuối tháng 3, cả nước đã ghi nhận hơn 42.000 trường hợp nghi mắc sởi. Đặc biệt, 1/3 trong số này là người lớn từ 18 tuổi trở lên - nhóm đối tượng lâu nay vốn không nằm trong danh sách tiêm chủng ưu tiên.
Chị B.A. (trú phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) hiện đang điều trị tại Bệnh viện Minh Thiện với các triệu chứng sốt cao, viêm họng nặng, phát ban toàn thân.
Chị B.A. cho biết, ban đầu không nghĩ mình mắc sởi nên ở nhà tự điều trị. Cho đến khi các nốt ban đỏ xuất hiện dưới da, tình trạng ho không cải thiện, chị được gia đình đưa đi viện và được bác sĩ yêu cầu nhập viện, cách ly điều trị.
Các bác sĩ cho rằng, bệnh nhân là người lớn thường rất chủ quan, không nghĩ mình mắc sởi. Nhiều trường hợp khi vào viện đã có các biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan, tiêu chảy, thậm chí viêm não - màng não.
Ca người lớn tử vong do mắc sởi tại Hà Nội mới đây được xác nhận đã có biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn. Đây là ca tử vong đầu tiên ở người lớn do sởi trong năm 2025.
Trẻ em, kể cả người lớn, khi mắc sởi đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm đường phổi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, bội nhiễm gây viêm tai giữa, viêm ruột và các loại nhiễm trùng khác ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Lãnh đạo Khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Tam Kỳ cho biết, thực tế thì người lớn mắc sởi thường có nguy cơ biến chứng cao gấp 3-4 lần trẻ nhỏ. Bởi ở người lớn đa số sức đề kháng đã suy giảm, có bệnh nền và đặc biệt là thường chủ quan không đi khám sớm.
Tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Tam Kỳ, cả khoa nội và khoa nhi những ngày gần đây đều tiếp nhận cả bệnh nhi và người lớn mắc sởi. Các bác sĩ tại bệnh viện này cho hay, bệnh nhân được đưa vào khu riêng biệt, cách ly với các bệnh nhân nội trú bình thường khác. Trẻ em mắc sởi triệu chứng thường nhẹ hơn người lớn và cũng ít biến chứng hơn người lớn.
Theo các chuyên gia dịch tễ, việc gia tăng số ca mắc sởi ở người lớn thời gian gần đây là hệ quả của "lỗ hổng miễn dịch" âm thầm tích tụ qua nhiều năm. Trong đó, có nhóm người lớn tuổi chưa từng tiêm đủ liều vắc xin, hoặc hiệu lực miễn dịch đã suy giảm theo thời gian. Đặc biệt, khoảng thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 khiến chương trình tiêm chủng gián đoạn, nhiều người quên hoặc chủ quan với mũi tiêm nhắc lại.

Lá chắn từ vắc xin
Cuối tháng 3, Bộ Y tế đã ra khuyến cáo: “Người lớn từ 18-40 tuổi, chưa từng mắc sởi hoặc không có bằng chứng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, nên tiêm bổ sung mũi sởi hoặc MMR (sởi - quai bị - rubella)”. Đây là cách phòng ngừa hiệu quả nhất.
Đặc biệt, miễn dịch từ tiêm chủng có thể suy giảm sau 10-15 năm nếu không được tiêm vắc xin nhắc lại. Tại Việt Nam, việc tiêm nhắc mũi sởi cho người trưởng thành gần như không được quan tâm.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Quảng Nam, trong số 1.091 trường hợp sốt phát ban nghi sởi trên địa bàn tỉnh, có 99 ca dương tính với sởi, điều đáng quan tâm là cả 17 địa phương cấp huyện đều có ca mắc.

Phân số mắc theo độ tuổi: Số mắc tập trung nhiều nhất ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi, chiếm 75%, tiếp đến là lứa từ 5-10 tuổi, chiếm 13,8%. Phân theo tiền sử tiêm chủng: Có 59,5% số ca mắc là trẻ chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi; khoảng 30,4% nằm ở số trẻ chưa đến tuổi được tiêm chủng; chỉ 7,1% số trẻ mắc thuộc diện đã tiêm 1 mũi và trường hợp trẻ đã tiêm đủ 2 mũi thì tỷ lệ mắc chỉ có 3%.
Quảng Nam đã kết thúc 2 đợt chiến dịch tiêm vắc xin ngừa sởi với kết quả đạt được là 44.331 trẻ được tiêm/45.931 trẻ, tỷ lệ 96,5%. Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Sở Y tế Quảng Nam đã yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế chủ động chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, thuốc men để thu dung, điều trị bệnh nhân...
Sởi là bệnh có hệ số lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, dễ bùng phát trong cộng đồng nếu không được kiểm soát. Bởi vậy khi được chẩn đoán mắc sởi, người bệnh cần ngay lập tức được cách ly để điều trị.