Khởi nghiệp - OCOP

Cần mở nút thắt nguồn lực đối với chủ thể khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa

PHAN VINH (phanphuocvinhqn@gmail.com) 14/04/2025 08:47

(QNO) - Quảng Nam là địa phương giàu tiềm năng bản địa, nhưng để "biến tài nguyên thành tài sản", phát triển các mô hình khởi nghiệp bền vững từ lợi thế quê hương, vẫn còn đó không ít rào cản về vốn, kiến thức, nhân lực và kỹ thuật. Câu chuyện khởi nghiệp từ bản địa không chỉ đòi hỏi nỗ lực từ chủ thể mà còn cần cơ chế đủ mạnh để khai thông dòng chảy nguồn lực hỗ trợ.

2.jpg
Các loại thảo dược từ vùng cao Quảng Nam là nguồn nguyên liệu cho rất nhiều dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: PHAN VINH chụp ngày 23/3/2025.

Khởi sự từ vốn liếng bản địa

Tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo huyện Bắc Trà My năm 2023, sản phẩm kẹo quế Trà My - một sáng tạo mang dấu ấn bản địa kết hợp giữa tinh chất quế rừng và phương pháp chế biến gia truyền của cô gái trẻ Giản Thị Trà My ( xã Trà Nú, Bắc Trà My) khiến nhiều người chú ý. Dự án đoạt giải Ba cuộc thi, song từ đó đến nay, ý tưởng này vẫn chưa thể trở thành một sản phẩm thương mại thực thụ.

gian-thi-tra-my.jpg
Chị Trà My gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư cho dự án khởi nghiệp của tỉnh. Ảnh do nhân vật cung cấp.

“Tôi muốn sản xuất kẹo quế thường xuyên, nhưng không có máy sấy. Mùa nắng còn đỡ, tranh thủ phơi được vài mẻ sản phẩm. Nhưng vào mùa mưa, mọi hoạt động gần như phải dừng. Máy móc, bao bì, tem nhãn đều cần vốn, mà một người ở vùng cao như tôi thì khó tiếp cận vốn vay ngân hàng hay các chương trình hỗ trợ phức tạp. Đôi khi cảm thấy rất nản, vì mình có ý tưởng, có sản phẩm, có thị trường nhỏ, mà không thể phát triển” - chị My chia sẻ.

Không chỉ thiếu vốn, rào cản về kỹ năng và kiến thức quản trị cũng khiến nhiều mô hình khởi nghiệp “chết yểu” hoặc giẫm chân tại chỗ.

Anh Trà Quang Nhất Việt (xã Đại Lãnh, Đại Lộc) là một y sĩ, khởi nghiệp với dự án sản xuất các sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ thảo dược địa phương như bột ngâm chân, rượu xoa bóp, trà thanh lọc cơ thể... và đạt giải Ba cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh năm 2024. Thế nhưng, hiện nay, dù đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại nhưng tình hình sản xuất vẫn còn chậm chạp do khó tiếp cận thị trường.

3.jpg
Các sản phẩm của anh Việt gặp khó khăn khi mở rộng thị trường. Ảnh: PHAN VINH chụp ngày 23/3/2025

"Tôi có kiến thức chuyên môn về Đông y bởi đây là nghề gia truyền được tôi tiếp nối qua 4 đời. Nhưng khám và chữa bệnh tại nhà như một lương y hoàn toàn khác với việc phát triển sản phẩm thảo dược trên thị trường. Khi bắt đầu thương mại hóa các sản phẩm từ dược liệu, tôi thấy mình thiếu quá nhiều thứ như nhân sự có năng lực về kinh doanh - marketing, kiến thức về quản lý dòng tiền, nghiên cứu và định giá sản phẩm..." - anh Việt nói.

[VIDEO] - Anh Trà Quang Nhất Việt chia sẻ về các khó khăn khi phát triển dự án khởi nghiệp từ thảo dược của mình:

Khảo sát từ Ban điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam cho thấy, khoảng 70% mô hình khởi nghiệp nông nghiệp bản địa tại Quảng Nam không có kiến thức bài bản về mô hình kinh doanh, kỹ năng gọi vốn hay tiếp cận thị trường. Trong khi đó, các chương trình đào tạo lại thường dàn trải, chủ yếu tập trung ở trung tâm huyện, thành phố nên khó tiếp cận đối tượng cần nhất.

Cần những hỗ trợ thiết thực

Theo ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay với các mô hình khởi nghiệp bản địa là chưa có sự đồng hành chặt chẽ về tài chính, thị trường và hệ thống đào tạo.

Nhiều bạn trẻ rất sáng tạo, có người đến gặp tôi hỏi "em có thể sản xuất sản phẩm từ nguyên liệu này, nguyên liệu kia", nghe rất mới mẻ. Điều đó thể hiện sự nhiệt huyết, nhưng hầu hết tất cả đều đang thiếu một lộ trình bài bản để biến ý tưởng thành sản phẩm thương mại được thị trường chấp nhận.

Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN, Trưởng ban điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam

mo-hinh-nha-long-rong-50m2-can-duoc-mo-rong-de-san-xuat-lien-tuc-trong-thoi-gian-toi.(1).jpg
Nhiều dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh vì thiếu nguồn vốn mà phải dừng hoạt động. Ảnh: PHAN VINH

Hiện Quảng Nam có gần 100 mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có yếu tố bản địa. Tuy nhiên, phần lớn quy mô nhỏ lẻ, thiếu năng lực quản trị, kết nối thị trường yếu. Một số chủ thể còn xem nhẹ việc định giá sản phẩm, chưa biết cách truyền thông hoặc gọi vốn cộng đồng.

Theo báo cáo của Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh, trong 4 năm qua (2021 - 2024), tỉnh đã hỗ trợ 28 dự án khởi nghiệp với hơn 2,5 tỷ đồng, tổ chức hơn 40 lớp tập huấn cho hơn 1.200 học viên, triển khai các điểm tư vấn khởi nghiệp tại 7 huyện, thị xã. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc hỗ trợ vẫn còn dàn trải, chưa đi sâu vào nhóm chủ thể tiềm năng ở vùng nông thôn, miền núi.

Chị Huê đang chưng cất tinh dầu thiên niên kiện. Ảnh: PHAN VINH
Vấn đề nhân sự có chuyên môn cao cũng là hạn chế của các dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: PHAN VINH

Từ thực tế này, các chuyên gia đề xuất cần có các “gói tài chính vi mô” phù hợp với hộ kinh doanh, các buổi đào tạo chuyên đề chuyên sâu như gọi vốn, quản trị chuỗi, logistics, xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần phát triển đội ngũ hỗ trợ và cố vấn khởi nghiệp có kinh nghiệm để đồng hành với dự án trong giai đoạn đầu tiên.

[VIDEO] - Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh chia sẻ về những nhóm vấn đề mà các chủ thể khởi nghiệp cần quan tâm:

“Muốn phát triển bền vững, các dự án khởi nghiệp phải đi từ giá trị bản địa, đó là điều tất yếu. Nhưng giá trị đó phải được nâng tầm bằng tri thức, công nghệ và kết nối thị trường một cách đồng bộ. Nếu làm được điều này, khởi nghiệp bản địa không chỉ thoát khỏi quy mô nhỏ lẻ, mà còn có thể cạnh tranh trên thị trường lớn” - ông Sinh nhấn mạnh.

PHAN VINH (phanphuocvinhqn@gmail.com)