Thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc
(QNO) - Báo Chinadaily của Trung Quốc số ra hôm nay 14/4 cho biết, quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc chứng kiến tiến triển đáng kể, đặc biệt trong những năm gần đây.

Quan hệ kinh tế và thương mại Việt Nam - Trung Quốc dự kiến phát triển lên tầm cao mới nhờ cơ cấu thương mại bổ sung cao giữa hai nước, động lực hiện đại hóa của Việt Nam và ảnh hưởng ngày càng tăng của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức, Việt Nam và Trung Quốc đang thúc đẩy quá trình nâng cấp công nghiệp và chuyển đổi số, khai thác cơ hội tăng trưởng mới trong các lĩnh vực chính như sản xuất tiên tiến, năng lượng xanh, hậu cần thông minh, thương mại điện tử và tích hợp chuỗi cung ứng khu vực.
Giáo sư Wan Zhe chuyên ngành phát triển kinh tế khu vực tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh (Trung Quốc) nhận định, thống nhất bởi khát vọng chung về tăng trưởng bền vững và phục hồi kinh tế, Việt Nam - Trung Quốc đang trên đà xây dựng mối quan hệ kinh tế sâu sắc và năng động hơn trong những năm tới.
Quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc tiến triển đáng kể, đặc biệt trong những năm gần đây khi Việt Nam đưa ra các chiến lược quốc gia quan trọng như: Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về R&D (Nghiên cứu và phát triển) và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Các chiến lược trên nâng cao đáng kể sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến cho đầu tư và đổi mới sáng tạo, thu hút dòng vốn và công nghệ từ Trung Quốc và nước ngoài trong nhiều năm qua.
Thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc tăng vọt, đạt 1.850 tỷ nhân dân tệ (254,05 tỷ USD) vào năm 2024 - tăng 14,6% so với năm 2023, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Đà tăng trưởng đó tiếp tục trong hai tháng đầu năm nay với giá trị thương mại song phương tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên 270,96 tỷ nhân dân tệ.

Các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam bao gồm máy móc, thiết bị viễn thông, linh kiện điện tử, nguyên liệu thô công nghiệp, tàu hỏa, tàu thủy, xe tải, đồ gia dụng và vật liệu xây dựng.
Trong khi đó, ngoài các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản như hải sản, trái cây, cà phê và gạo, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm điện thoại thông minh, máy tính, cao su, giày dép, hàng may mặc và đồ nội thất.
Theo nhà nghiên cứu Gao Lingyun tại Viện Kinh tế và chính trị thế giới (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc), Trung Quốc dẫn đầu về năng lực sản xuất và công nghệ cao cấp trong khi Việt Nam có lợi thế về ngành lắp ráp, lực lượng lao động trẻ và chất lượng cao.
Giáo sư Lan Qingxin chuyên nghiên cứu đầu tư xuyên biên giới tại Đại học Kinh doanh và kinh tế quốc tế ở Bắc Kinh nói, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, tiềm năng thị trường, vị trí địa lý láng giềng Trung Quốc và chính sách đầu tư nước ngoài thân thiện. Động lực bổ sung đó thúc đẩy quan hệ đối tác cùng có lợi, củng cố chiều sâu và khả năng phục hồi của quan hệ kinh tế Việt - Trung.