Lâm nghiệp

Quảng Nam lập bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng

HỮU PHÚC (tranhuuphucbqn@gmail.com) 15/04/2025 14:41

(QNO) - Chi trả tài chính kịp thời, ổn định nguồn thu; xác định đúng diện tích được hưởng lợi chính sách, theo dõi biến động rừng… làm căn cứ xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng là những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam trong năm 2025.

z3898500408903_e8dffdca1fa04ba7c5e445c04093d86c.jpg
Các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đóng góp nguồn thu lớn cho dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: HỮU PHÚC

Nguồn thu năm 2024 giảm

Trong năm 2024, Quảng Nam có 85 đơn vị doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có trách nhiệm chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), chủ yếu tập trung ở hoạt động sản xuất thủy điện, cung cấp nước sạch, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có sử dụng nước mặt, nước ngầm. Tại thời điểm này, tỉnh chưa có nguồn thu từ kinh doanh tín chỉ các bon rừng.

Và trong năm này, Quảng Nam phát sinh thêm nguồn thu DVMTR từ sản xuất nước sạch và sản xuất công nghiệp. Cụ thể, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh ký kết hợp đồng với 3 đơn vị sản xuất, cung cấp nước sạch sử dụng DVMTR (gồm Đội Quản lý trật tự xây dựng huyện Quế Sơn, HTX Duy Sơn, Công ty CP An Thịnh Quảng Nam) và 6 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp (Công ty CP Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam, Công ty TNHH MTV Bê tông Hiệp Hưng, Công ty TNHH Sản xuất Thành Sơn, Công ty TNHH Vân Long, Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Bình An Phú).

Năm 2024, Quảng Nam thu hơn 177,2 tỷ đồng tiền DVMTR, đạt 91,13% kế hoạch. Lý giải nguồn thu suy giảm, theo ông Huỳnh Đức – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, do tình trạng khô hạn kéo dài, lượng mưa ít không đủ lượng nước sản xuất thủy điện nên đạt sản lượng thấp, kéo theo nguồn thu giảm (giá trị nguồn thu từ các nhà máy thủy điện chiếm vượt trội hơn rất nhiều lần so với sản xuất nước sạch, công nghiệp).

Riêng 3 tháng đầu năm 2025, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh tạm ứng kinh phí DVMTR cho các chủ rừng hơn 33,8 tỷ đồng trên diện tích chi trả 312.276,83ha, đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng theo quy định. Đối với các lưu vực có nguồn kinh phí thực thu thấp, đơn vị chủ động cân đối từ nguồn chưa có đối tượng chi trình UBND tỉnh quyết định để bổ sung đơn giá.

Hầu như các chủ rừng đã thanh toán kịp thời và đầy đủ tiền DVMTR cho các cộng đồng, nhóm hộ nhận khoán và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Riêng tại Ban Quản lý khu bảo tồn loài Sao La, qua giám sát việc chi trả tiền DVMTR, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đánh giá, chủ rừng này đã chi trả kịp thời và niêm yết công khai minh bạch danh sách cộng đồng, số tiền chi trả tại UBND xã.

Tuy nhiên, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh cũng nhìn nhận, nguồn thu giảm trong năm 2024 cũng gây khó khăn trong hoạt động chi trả cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại đơn vị chủ rừng. Nguồn kinh phí DVMTR được điều tiết từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam về Quảng Nam thường chậm (thuộc các lưu vực thủy điện liên tỉnh) dẫn đến chậm tạm ứng tiền DVMTR cho các chủ rừng.

llkl2.jpg
Lực lượng tuần tra sử dụng công nghệ trên máy tính bảng theo dõi biến động rừng. Trong ảnh là Tổ quản lý bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn trong lúc tuần tra rừng tại xã Tư (Đông Giang). Ảnh: HỮU PHÚC

Chi trả đúng diện tích rừng thực tế

Từ năm 2024, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam phối hợp với ngành kiểm lâm xây dựng các nguồn ảnh viễn thám theo thời gian thực, khoanh vẽ vùng có biến động, gửi dữ liệu biến động rừng cho chủ rừng để khuyến cáo. Đơn vị phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các hạt kiểm lâm huyện, liên huyện làm việc với các chủ rừng là các ban quản lý, cộng đồng dân cư thôn và chính quyền các xã được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng tiến hành nhiều đợt hỗ trợ công tác diễn biến rừng và xác định diện tích chi trả DVMTR làm cơ sở xây dựng bản đồ và thanh toán tiền chi trả. Dự kiến tổng diện tích rừng được chi trả DVMTR trong năm 2024 là: 312.276,83ha với 42 chủ rừng.

z4435083442771_024613a402da13cd01588dcb63f567ea.jpg
Từ các nguồn ảnh viễn thám, theo dõi biến động rừng, mà Quảng Nam đã chi trả đúng diện tích rừng hiện có. Trong ảnh là đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Sông Thanh. Ảnh: HỮU PHÚC

Theo ông Huỳnh Đức, nhiệm vụ sắp tới Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh là tiếp tục nâng cao năng lực thực hiện chi trả DVMTR cho các chủ rừng, UBND các xã; công khai, minh bạch thông tin chi trả. Rà soát các đơn vị có sử dụng DVMTR trên địa bàn tỉnh để thu đúng, thu đủ, thực hiện công bằng theo chi trả DVMTR. Thường xuyên đôn đốc các đơn vị sử dụng DVMTR và trồng rừng thay thế nộp tiền về đơn vị, tiếp nhận và quản lý nguồn tài chính ủy thác, trồng rừng thay thế đúng quy định.

“Quỹ sẽ phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các hạt kiểm lâm và các chủ rừng thường xuyên theo dõi diễn biến rừng làm cơ sở để xác định diện tích rừng chi trả DVMTR, lập bản đồ chi trả và thanh toán tiền DVMTR đúng quy định” – ông Đức nói.

Được biết, Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã yêu cầu ngành lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng các địa phương trong cả nước đẩy nhanh việc đồng bộ diện tích rừng chi trả DVMTR với kết quả theo dõi diễn biến rừng, nhằm bảo đảm tính thống nhất về diện tích, trạng thái, nguồn gốc rừng để phục vụ cho xây dựng bản đồ chi trả DVMTR hằng năm; bảo đảm diện tích rừng đưa vào chi trả đúng với diện tích rừng hiện có.

2. Bien hieu tuyen truyen BVR và chinh sach tra DV moi truong rung canh duong dan vao rung thien Tra Nu
Bảng hiệu tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR cạnh đường dẫn vào cánh rừng Trà Nú, Bắc Trà My của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam. Ảnh: HỮU PHÚC

Năm 2024, tổng nguồn thu từ DVMTR của Việt Nam đạt trên 3.760 tỷ đồng. Nguồn thu đã hỗ trợ cho quản lý, bảo vệ 7,45 triệu héc ta rừng, chiếm 53,53% tổng diện tích rừng toàn quốc. Nguồn tài chính cũng giúp giải quyết đáng kể về kinh phí bảo vệ rừng cho 235 ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ, 99 công ty lâm nghiệp và hàng trăm ngàn hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên phạm vi cả nước.

HỮU PHÚC (tranhuuphucbqn@gmail.com)