Lồng ghép tuyên truyền chuyển đổi số hiệu quả ở Điện Bàn
(QNO) - Nhiều năm qua, Trung tâm VH-TT&TT-TH thị xã Điện Bàn đã thực hiện mô hình tuyên truyền hiệu quả về chuyển đổi số thông qua hoạt động văn hóa văn nghệ…

Trước đây, các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng như liên hoan, hội thi, hội diễn, các chương trình tuyên truyền lưu động đã được Trung tâm VH-TT&TT-TH Điện Bàn quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa lồng ghép nhiều nội dung tuyên truyền về chuyển đổi số nên gây không ít lãng phí tiền của. Tuy nhiên, gần đây trung tâm đã chuyển hướng, đưa nội dung chuyển đổi số thông qua hoạt động văn hóa văn nghệ…
Lấy người dân làm trung tâm
Với sự phát triển đa dạng các loại hình công nghệ giải trí hiện đại mà hoạt động văn hóa văn nghệ có lồng ghép tuyên truyền lưu động ngoài trời hiện nay đối mặt với không ít khó khăn. Bởi vậy, khi tổ chức các chương trình văn hóa văn nghệ tại cơ sở, vấn đề đầu tiên cần quan tâm thực hiện đó là phải có sự tham gia của nhân dân với vai trò là diễn viên trên sân khấu biểu diễn. Đây là yếu tố then chốt để đánh giá sự thành công của chương trình nghệ thuật, có mục đích vừa phát triển phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, vừa tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, trong đó có nội dung chuyển đổi số.
Để các loại hình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật quần chúng từ Thị xã đến cơ sở duy trì và phát triển mạnh mẽ, đồng thời lồng ghép tuyên truyền thực hiện chuyển đổi số, hằng năm, Trung tâm VH-TT&TT-TH thị xã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng dành cho nhiều đối tượng tham gia.
Các hoạt động đều có yêu cầu chủ đề nội dung lồng ghép tuyên truyền về thực hiện chuyển đổi số tại địa phương, đơn vị, người dân, doanh nghiệp như: sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không tiền mặt, đăng ký tài khoản định danh điện tử, mua bán online…
Còn các loại hình hoạt động văn nghệ quần chúng được tổ chức, đó là: Liên hoan nghệ thuật quần chúng các xã xây dựng nông thôn mới – xây dựng phường văn minh đô thị; Liên hoan giai điệu “Tuổi thần tiên”; Liên hoan Tiếng hát doanh nhân; Ngày hội văn hóa thiếu nhi; Chương trình nghệ thuật quần chúng Chào xuân mới; Hội diễn giao lưu dân vũ – dance dành cho các câu lạc bộ...
Việc tổ chức các liên hoan, hội thi, cuộc thi, hội diễn, ngày hội này nhằm mục đích tạo ra những “sân chơi” cho từng nhóm quần chúng, trong đó kết hợp sinh động các loại hình văn hóa, văn học, nghệ thuật phù hợp sở thích, tâm lý của từng giới, lứa tuổi, đưa họ giữ vai trò trung tâm, trở thành người trong cuộc, trực tiếp tham gia sân chơi, không còn là người tiếp nhận thụ động, ngoài cuộc. Từ đó việc lồng ghép tuyên truyền các nội dung về chuyển đổi số và chuyển thông tin đến các tầng lớp nhân dân hiệu quả hơn.
Phát triển mạnh mô hình câu lạc bộ
Trung tâm VH-TT&TT-TH thị xã Điện Bàn phát triển các mô hình hoạt động phục vụ tuyên truyền chuyển đổi số, thành lập nhiều Câu lạc bộ (CLB) văn hóa nghệ thuật quần chúng trực thuộc trung tâm như: CLB Nhịp sống trẻ - yoga, CLB dance – dân vũ Hoa Hướng Dương, CLB Năng khiếu thiếu nhi, CLB Mỹ thuật thiếu nhi, thu hút nhiều hội viên tham gia.

Hiện nay, Trung tâm VH-TT&TT-TH thị xã có 9 CLB văn hóa nghệ thuật trực thuộc với gần 300 hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên, nội dung sinh hoạt đa dạng và phong phú, kết nối cộng đồng và lan tỏa tích cực đến nhiều thành phần, nhóm yêu thích và tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng và tuyên truyền chuyển đổi số tại địa phương.
Thực tế cho thấy, các CLB đã duy trì hoạt động rất tốt và thông qua các chương trình biểu diễn văn nghệ giao lưu định kỳ trong các CLB đã lồng ghép tuyên truyền các nội dung về thực hiện chuyển đổi số phù hợp. Nguồn lực để hoạt động chủ yếu là từ hội viên tự đóng góp và vận động nên các CLB văn nghệ quần chúng đã chú trọng về chất lượng nội dung, chủ động mua sắm trang phục, đạo cụ, nhạc cụ… phục vụ việc tập luyện và tham gia biểu diễn.
Đặc biệt, Điện Bàn đã thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng trong doanh nghiệp với các nội dung thực hiện chuyển đổi số tạo lợi ích cho doanh nghiệp; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo hạt nhân văn nghệ tại chỗ; khuyến khích sự sáng tạo, say mê nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, phát triển các di sản văn hóa; sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống...
Từ đó, xây dựng các tiết mục, tiểu phẩm, kịch bản, chương trình… có nội dung sát thực, cô đọng, phù hợp để phục vụ biểu diễn tuyên truyền, nâng cao chất lượng các tiết mục, chương trình biểu diễn trong cộng đồng, hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ...
Thị xã Điện Bàn sẽ nhân rộng các mô hình CLB văn hóa văn nghệ quần chúng ở nhiều địa phương, với mỗi CLB có từ 10-30 thành viên ở mọi lứa tuổi, thành phần xã hội tham gia, trong đó có những người đam mê văn nghệ, am hiểu về các loại hình nghệ thuật và bản sắc văn hóa địa phương làm hạt nhân để bồi dưỡng kiến thức và phục vụ biểu diễn tuyên truyền.
Mỗi năm, các CLB văn hóa văn nghệ quần chúng trong thị xã tổ chức từ 200 - 300 buổi sinh hoạt, biểu diễn. Qua đó, dấy lên phong trào văn hóa văn nghệ mạnh mẽ trong toàn thị xã, lan tỏa kiến thức về chuyển đổi số qua phương thức "bình dân học vụ số".