Ngăn chặn tàu cá Quảng Nam vi phạm vùng biển nước ngoài
Quảng Nam đang triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Báo động vi phạm
Ngư dân đưa tàu cá sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép là vi phạm nghiêm trọng IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định).
Ủy ban châu Âu (EC) trong các cuộc làm việc với các cơ quan chức năng của nước ta đã khẳng định sẽ không rút lại cảnh báo “thẻ vàng” thủy sản phạt từ năm 2017 nếu chưa khắc phục triệt để thực trạng trên. Đáng nói, trong năm 2024, Quảng Nam có 4 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản bất hợp pháp là QNa-91782, QNa-90622, QNa-91304 và QNa-91917, ngành chức năng đã xác minh nhưng không thể xử phạt.
Về điều này, ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: “Chi cục Thủy sản không đủ cơ sở để tham mưu cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính các vi phạm nói trên vì hành vi diễn ra trước ngày 19/5/2024. Khi đó Nghị định 42 không có điều khoản xử phạt hành vi “tàu cá vượt qua vùng được phép khai thác thủy sản trên biển mà không có văn bản chấp thuận”.
Thực tế nghề khai thác hải sản Quảng Nam thời gian qua cho thấy nhiều bất cập về tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Vì trữ lượng hải sản ở vùng biển nước ta cạn kiệt dần nên ngư dân đã đưa tàu cá sang vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản.
Vì chuyến biển câu mực khơi kéo dài 2-3 tháng, chi phí lên đến cả tỷ đồng nên ngư dân bất chấp quy định của pháp luật, cảnh báo của chính quyền và lực lượng chức năng, cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản để tránh thua lỗ.
Lực lượng chức năng chưa thực sự nắm chắc tình hình; công tác giám sát các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài còn lỏng lẻo, cần chặt chẽ hơn. Công tác xử lý vi phạm chưa nghiêm, biện pháp chế tài chưa đủ sức răn đe.
Từ đầu tháng 4 đến nay, Quảng Nam có 18/56 tàu câu mực khơi (của ngư dân các xã Tam Giang, Tam Quang, huyện Núi Thành và Bình Minh, huyện Thăng Bình) mất kết nối giám sát hành trình (GSHT) quá 10 ngày ở khu vực biển giáp ranh với Philippines và không có dấu hiệu sẽ có tín hiệu GSHT trở lại. Đây là nguy cơ rất cao 18 tàu câu mực khơi của ngư dân huyện Thăng Bình, Núi Thành vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản.
Đồng bộ giải pháp
Ông Phạm Văn Châu - Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn có 18 tàu câu mực khơi vi phạm vùng biển Philippines để khai thác hải sản.

Khi nhận được thông tin trên từ các cơ quan của tỉnh, chính quyền địa phương đã đến từng nhà của các ngư dân nói trên, làm việc với gia đình của các chủ tàu, phân tích rõ các vi phạm IUU và yêu cầu kết nối với máy ICOM để quay về vùng biển Việt Nam câu mực khơi.
Ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và Môi trường phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, công an tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành quy định về đánh bắt hải sản hợp pháp; không được đưa tàu đến vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép.
“Chúng tôi tuyên truyền, phổ biến đến ngư dân các quy định về xử lý hành chính và xử lý hình sự theo Nghị quyết số 04, ngày 12/6/2024 của Hội đồng thẩm pháp Tòa án tối cao đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản. Đồng thời triển khai đến chủ tàu ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài trước khi thực hiện chuyến biển” - ông Húy nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu giao nhiệm vụ Công an tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các địa phương ven biển tiến hành rà soát, kiểm tra tàu cá mất kết nối GSHT, có giải pháp ngăn chặn kịp thời đối với nhóm tàu cố tình ngắt kết nối GSHT để đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước bạn.
Trong trường hợp cần thiết, xem xét làm án điểm theo Nghị quyết số 04 để tăng tính răn đe, chấm dứt tình trạng tàu cá ngắt kết nối GSHT để đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển ngoài Việt Nam.
Quảng Nam cũng đã đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng chức năng kịp thời tăng cường tuần tra, xử lý tình trạng tàu cá mất kết nối GSHT ở vùng biển giáp ranh của Việt Nam với nước bạn; yêu cầu các tàu cá này nhanh chóng có tín hiệu GSHT trở lại và không vi phạm sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản.