Chính trị

Cuộc đào thoát lịch sử khỏi nhà lao Phú Quốc

KHÁNH LINH (locvanhoa@gmail.com) 17/04/2025 14:56

(QNO) - Gần 55 năm trước, ông Lê Văn Phi (xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc) từng khiến kẻ thù bất ngờ, căm tức khi ông cùng những bạn tù yêu nước vượt ngục thành công khỏi nhà lao Phú Quốc.

vu.jpg
Ông Lê Văn Phi cuối tháng 3/2025. Ảnh: KHÁNH LINH

“Tôi bị bắt tại Đà Nẵng trong đợt tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968” – ông Lê Văn Phi mở đầu câu chuyện. Sinh năm 1943 tại xã Lộc Sơn (nay là xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc), năm 1965 ông Lê Văn Phi tham gia du kích địa phương, đến năm 1967 thì nhập ngũ vào đơn vị bộ đội D1 E96 tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng.

Táo bạo

Ban đầu ông Phi bị giam giữ tại Hòa Cầm, sau 1 tuần thẩm vấn, địch chuyển xuống nhà lao Non Nước. Rằm tháng 2 năm Mậu Thân - 1968, chúng đưa ông Phi cùng một số tù binh ra nhà lao Phú Quốc. “Trên đảo rất khắt nghiệt, địch liên tục khủng bố, đàn áp, nhưng lúc đó thật sự tôi cũng chưa có ý tưởng vượt ngục, vì không biết trên đảo có cơ sở cách mạng” – ông Phi kể.

Năm 1970, ông Phi được đổi trại chuyển xuống phân khu C8. Tại đây, ông Phi làm quen người bạn tù Sáu Minh, bộ đội 307. Cả hai bí mật bàn tính, quyết tâm vượt ngục khi có cơ hội.

Hơn năm sau, trong một lần lao động làm nhà cho công binh địch trên đảo, nghe tiếng súng từ xa vọng lại, ông Phi và các bạn tù giả bộ hỏi nhóm lính. “Bộ mấy ông cũng làm nhà trên đó hay sao mà bắn đá ầm ầm rứa”. Trước sự ngây ngô của đám tù binh, bọn lính chửi thề và cho biết Việt cộng đang đánh với lính bảo an chứ không có bắn đá nào cả. Vậy là các tù binh biết trên đảo có cách mạng. Trở về trại, ông Sáu Minh quyết định, bất cứ lúc nào gặp thuận lợi là vượt ngục.

Chiều 31/8/1970, ông Phi cùng 27 bạn tù bị áp lên xe GMC chở lên sân bay nhổ cỏ. Trong lúc làm việc, ông Sáu Minh bàn bạc sẽ hành động trên đường trở lại trại giam. Khoảng 16 giờ chiều, tù binh được tập họp quay về trại. Áp tải đoàn có 7 tên gồm 1 tiểu đội trưởng mang súng ngắn ngồi trong buồng lái 2 tên cầm 2 khẩu M16 đứng hai bên cabin và 4 tên ôm 4 cây M16 ngồi trên thành xe quay mặt nhìn xuống tù binh.

Xe chạy được một đoạn, ông Sáu Minh bất ngờ hô xung phong, lập tức 28 con người bật dậy như chiếc lò xo lao về 4 trên lính ngồi đối diện. Trong khoảng 5 phút các tù binh đã giật được súng và bắn chết 4 tên áp tải. Thấy có biến, 2 tên trước ca bin nhảy xuống chạy ra xa nhả đạn về phía thùng xe, các tù binh bắn trả, bọn lính hoảng sợ bỏ trốn. Ông Phi và nhóm bạn tù nhanh chóng nhảy xuống xe chạy vô rừng. Lập tức, địch điều 2 trực thăng bay tới quần thảo bắn xối xả trên đầu, tuy nhiên do khu vực này gần núi nên mọi người ẩn núp vào hang đá an toàn, một lát trời tối máy bay quay về.

Trong số 28 người đào thoát có một tù binh bị thương đành phải để lại, 27 người ôm 4 khẩu súng M16 vừa cướp được bắt đầu hành quân vào rừng. Màn đêm buông xuống, lại không biết đường nên cả nhóm cứ men bờ biển đi, người sau bám người trước. Có hôm lạc đường, loanh quanh mãi lại quay về chỗ cũ. Qua ngày thứ 3 thấy bãi sắn, mọi người xuống nhổ ăn thì gặp du kích địa phương. Vậy là sau gần 2 năm ở nhà lao Phú Quốc, ông Phi đã đào thoát ra ngoài thành công.

Thời gian đầu sau vượt ngục, ông Phi và những bạn tù được huyện đội Phú Quốc bố trí nơi nghỉ ngơi, ăn uống, bồi dưỡng. Khoảng 2 tháng ông Phi được bố trí về phân đội 2 bộ đội đặc công huyện Phú Quốc. Cuối năm 1973, Quân khu 5 vào lấy quân, ông trở về Bộ tư lệnh B3, sau đó về lại đơn vị cũ đến năm 1977 phục viên.

Vượt qua nỗi sợ hãi

Theo ông Phi, vượt ngục trên đảo rất khó và nguy hiểm vì xung quanh đều biển cả còn trong trại bọn chiêu hồi theo dõi sát sao chỉ cần nghi ai ý định vượt ngục là chúng báo quân cảnh bắt bớ, tra tấn, có khi bỏ mạng. Trước ông Phi, nhiều tù binh cũng đã tổ chức vượt ngục. Ai không may bị phát hiện, bắt lại, đồng nghĩa chịu sự tra tấn dã man của giặc từ đục răng, khoét mắt, kể cả bỏ bao bố thả vào nồi nước sôi. Giặc khủng bố từ thể xác đến tinh thần để tù binh không dám vượt ngục, nhưng ông Phi và các đồng chí của mình không nao núng sợ sệt, bởi mọi người xác định cùng lắm là chết.

“Khi bị đưa ra đảo không ai nghĩ sẽ có ngày trở về, bọn quân cảnh coi mình như cỏ rác, chúng nói, tụi bay chết tao chỉ làm cái biên bản là xong. Mà đúng vậy, nó giết mình rồi chỉ cần báo lên cấp trên là tù binh vượt ngục bỏ chạy nên phải bắn. Trong tù làm gì có luật pháp” – ông Phi kể.

vu1.jpg
Ông Lê Văn Phi với cuốn sổ liên lạc các bạn cựu tù Phú Quốc. Ảnh: KHÁNH LINH

Nhằm tố cáo tội ác giặc, tù binh thường xuyên đấu tranh đòi quyền lợi, phản đối đàn áp, khủng bố; không thực hiện các quy định của địch như kiên quyết không làm công sự cho lính, không đi giặt đồ cho quân cảnh, không đi rửa cầu tiêu cho giặc. Đáp lại, địch điên cuồng đàn áp có trường hợp, địch bắn đạn vào trại để trấn áp khiến nhiều người bị thương và chết.

Nhìn lại chặng đường 50 năm ngày đất nước sạch bóng quân thù, ông Phi không giấu được xúc động và niềm cảm phục về tinh thần đấu tranh bất khuất trước kẻ thù của các bạn tù yêu nước. Dù địch khủng bố, đàn áp dã man nhưng dường như ai cũng quyết tâm, kể cả hy sinh mạng sống của mình.

Năm 2010, ông Phi may mắn được gặp mặt các cựu tù tại Phú Quốc. Hành trang trở về sau chuyến đi là cuốn sổ tay ghi chép số điện thoại liên lạc của những đồng chí, đồng đội từng đồng cam cộng khổ trong những năm tháng ở chốn lao tù trên đảo. Thỉnh thoảng nhớ nhau ông nhắn tin, điện thoại hỏi thăm. Tuổi già, sức khỏe sụt giảm khó đi xa, nên đôi khi chỉ nghe tiếng nói, biết bạn tù còn khỏe mạnh, với ông Lê Văn Phi và những đồng đội năm xưa đã là niềm hạnh phúc.

KHÁNH LINH (locvanhoa@gmail.com)