Phát triển kinh tế vườn, trang trại ở Quế Sơn:Chuyển động theo hướng hàng hóa
Thực hiện Nghị quyết số 35 (ngày 29/9/2021) của HĐND tỉnh, những năm qua huyện Quế Sơn tích cực hỗ trợ người dân đầu tư phát triển kinh tế vườn - trang trại, hình thành nhiều mô hình sản xuất hàng hóa hiệu quả cao.

Tích cực hỗ trợ
Năm 2022, ông Thái Hồng Hải ở thôn Thạch Thượng (xã Quế Phong) đăng ký tham gia phát triển mô hình kinh tế vườn theo cơ chế hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh. Ba năm qua, ông Hải tiến hành cải tạo khu vườn với diện tích 7.000m2 để trồng các loại cây ăn quả như sầu riêng, ổi, bưởi, măng cụt...
Đồng thời kết hợp chăn nuôi gà thả vườn với quy mô mỗi lứa 200 - 300 con. Hiện nay, bình quân mỗi năm ông Hải thu về khoảng 25 triệu đồng từ tiền bán ổi và nuôi gà. Thời gian tới, khi sầu riêng, bưởi, măng cụt cho trái thì thu nhập của ông Hải chắc chắn sẽ tăng mạnh.
Cách đây 3 năm, ông Nguyễn Quốc Khánh ở tổ dân phố Đại Bình (thị trấn Trung Phước) đăng ký tham gia phát triển mô hình kinh tế vườn.
Nhờ được thụ hưởng cơ chế hỗ trợ từ Nghị quyết 35, ông Khánh đầu tư cải tạo khu đất vườn rộng 4.654m2 để trồng các loại cây ăn quả. Đáng chú ý, vườn của ông Khánh đã được chứng nhận VietGAP với 2 sản phẩm là bưởi da xanh và bưởi trụ Đại Bình; doanh thu hàng năm đạt 100 - 120 triệu đồng.

Ông Lưu Văn Thành - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường Quế Sơn cho biết, sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 35, UBND huyện chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn tăng cường vận động nhân dân cải tạo vườn, phát triển kinh tế vườn - trang trại. Đồng thời tổ chức tuyên truyền các nội dung chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 35 bằng nhiều hình thức để người dân nắm bắt và đăng ký tham gia thực hiện mô hình.
Từ năm 2022 - 2024, ngành liên quan và chính quyền các địa phương của Quế Sơn đã tiến hành hỗ trợ người dân cải tạo, phát triển 578 khu vườn với tổng kinh phí hơn 23,9 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là hỗ trợ lãi vay tín dụng, chỉnh trang và cải tạo vườn, cây giống, vật tư...
Còn đối với lĩnh vực kinh tế trang trại, thời gian qua Quế Sơn có 3 mô hình trang trại được thụ hưởng cơ chế hỗ trợ từ Nghị quyết số 35 với tổng kinh phí gần 390,5 triệu đồng. Trong đó, chủ yếu hỗ trợ đóng giếng, lắp đặt hệ thống tưới, thiết kế cải tạo mặt bằng làm trang trại, xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất…
Phát triển theo hướng hàng hóa
Ông Lưu Văn Thành nhìn nhận, việc triển khai cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết số 35 trong những năm qua đã tạo động lực tích cực cho nông dân Quế Sơn mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong phát triển kinh tế vườn - trang trại, làm đa dạng hóa các mô hình trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp. Qua đó, giúp người dân nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quá trình thực hiện cơ chế hỗ trợ đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Theo đó, nhu cầu về phát triển kinh tế vườn - trang trại của nhân dân Quế Sơn rất lớn nhưng nguồn lực hỗ trợ theo Nghị quyết số 35 phân bổ cho huyện còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Trong khi đó, các chủ vườn, chủ trang trại chủ yếu tự tìm đầu ra cho sản phẩm, đơn vị bao tiêu sản phẩm còn hạn chế dẫn đến đầu ra không ổn định, thiếu tính kết nối và tính bền vững.
Đáng chú ý, một số chủ vườn sau khi được đầu tư hỗ trợ, việc quan tâm chăm sóc cây trồng và duy tu, bảo dưỡng công trình cấp nước, hệ thống tưới chưa được chú trọng nên cây trồng phát triển chưa đảm bảo, một số công trình tưới chưa phát huy hết tiềm năng, công suất…
Hiện nay, trên địa bàn Quế Sơn có khoảng 8.600 vườn với tổng diện tích 1.100ha. Thế nhưng, những năm qua mới chỉ có 1.050 vườn đã và đang hoàn thành việc cải tạo, chỉnh trang với diện tích khoảng 200ha.
Ông Nguyễn Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết, thời gian tới địa phương sẽ linh hoạt vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ để tiếp sức cho người dân đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế vườn - trang trại; đồng thời tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp ở các địa phương phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế vườn - trang trại nhằm khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng của từng vùng.
Địa phương đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhất là trong công tác giống, phòng trừ sâu bệnh, quy trình kỹ thuật trồng, thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho người dân và đáp ứng được yêu cầu của thị trường.