Chính trị

Quảng Nam phát động phong trào "Bình dân học vụ số" để không ai bị bỏ lại phía sau

VINH ANH 18/04/2025 10:18

(QNO) - Sáng 18/4, Tỉnh ủy Quảng Nam phát động phong trào “Bình dân học vụ số" nhằm phổ cập kiến thức công nghệ số cho mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng xã hội học tập trong kỷ nguyên 4.0.

dsc09294.jpg
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi thức phát động phong trào "Bình dân học vụ số". Ảnh: VINH ANH

Phát biểu tại lễ phát động, ông Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ tập trung vào các nội dung: hướng dẫn sử dụng thiết bị thông minh, internet an toàn; giới thiệu các ứng dụng thiết thực phục vụ đời sống và sản xuất; tập huấn kỹ năng cơ bản về an toàn thông tin, phòng tránh lừa đảo số; xây dựng tinh thần học tập suốt đời trong môi trường số hóa.

Để phong trào “Bình dân học vụ số” đạt được hiệu quả thực chất, đồng chí Lê Văn Dũng đề nghị các cấp, ngành, đoàn thể cần tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong toàn tỉnh để cán bộ và nhân dân nhận thức rõ vai trò quan trọng của chuyển đổi số, sẵn sàng tham gia học tập và ứng dụng công nghệ trong đời sống.

Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong toàn tỉnh để cán bộ và nhân dân nhận thức rõ vai trò quan trọng của chuyển đổi số, sẵn sàng tham gia học tập và ứng dụng công nghệ trong đời sống.

Triển khai các lớp học, khóa học trực tuyến, phổ cập kiến thức số trên nền tảng phù hợp, dễ tiếp cận với mọi đối tượng kết hợp với các lớp học trực tiếp tại các địa phương, giúp mọi người dân đều có thể dễ dàng tiếp cận tri thức số, dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất.

Đẩy mạnh các chương trình đào tạo kỹ năng số cho người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, người lớn tuổi, người lao động tự do để họ có thể ứng dụng công nghệ vào công việc và cuộc sống.

Phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng trong việc xây dựng các mô hình gia đình số, nông thôn số, thành thị số, giới thiệu các nền tảng số, lan tỏa kỹ năng số rộng khắp.

[VIDEO] - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng phát biểu tại lễ phát động:

"Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và quyết tâm cao, tôi tin tưởng rằng phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ lan tỏa mạnh mẽ, góp phần xây dựng một xã hội học tập hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại số.

Tôi kêu gọi các cấp chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tỉnh nhà hưởng ứng mạnh mẽ phong trào để giúp mọi người dân không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình chuyển đổi số. Đưa “Bình dân học vụ số” trở thành phong trào thường xuyên, liên tục và phát triển sâu rộng, đều khắp toàn tỉnh, trở thành bước đột phá trong nâng cao nhận thức và kỹ năng số" - đồng chí Lê Văn Dũng phát biểu.

Theo kế hoạch triển khai phong trào "Bình dân học vụ số", Quảng Nam đấu đến hết năm 2025 có 80% cán bộ, công chức có kỹ năng số cơ bản; 100% học sinh THPT và sinh viên được đào tạo kỹ năng học tập và an toàn trên môi trường mạng; 50% người trưởng thành được xác nhận hoàn thành chương trình học kỹ năng số trên nền tảng quốc gia.

Để triển khai phong trào Bình dân học vụ số, Quảng Nam hợp tác với nền tảng học tập số quốc gia One Touch (một trong ba nền tảng tiên phong trong đào tạo kỹ năng số) cung cấp miễn phí các khóa học trực tuyến linh hoạt 24/7, chia theo ba nhóm đối tượng chính.

Theo đó, khối cán bộ, công chức được học về kinh tế số, xã hội số, kỹ năng số trong quản lý nhà nước, chuyển đổi số giáo dục và an toàn thông tin. Khối doanh nghiệp, hợp tác xã được đào tạo về thương mại điện tử, phần mềm quản trị và số hóa vận hành. Khối cộng đồng gồm học sinh, sinh viên và người dân tiếp cận các nội dung thiết thực như thanh toán điện tử, chữ ký số, bảo mật thông tin và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Người dân có thể đăng ký học tại địa chỉ https://quangnam.onetouch.edu.vn và được cấp chứng nhận sau khi hoàn thành. Bên cạnh hình thức học trực tuyến, các địa phương cũng sẽ tổ chức lớp học cộng đồng, buổi tập huấn thực hành, hội thảo chuyên đề và các chiến dịch truyền thông rộng khắp, đặc biệt hướng tới nhóm yếu thế như người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, lao động tự do ở nông thôn, vùng sâu vùng xa.

VINH ANH