Môi trường

Cuộc đua... cứu biển Hội An

CẨM PHÔ 19/04/2025 08:29

Để giữ lại “một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh”, ròng rã suốt 15 năm qua chính quyền Quảng Nam và các cơ quan, địa phương của Hội An đã tìm mọi giải pháp. Tới nay, cuộc đua giữa con người với thiên tai vẫn tiếp tục.

Vệt biển Tân Thành bị xâm thực khốc liệt những ngày giữa tháng 3. Ảnh: CẨM PHÔ
Vệt biển Tân Thành bị xâm thực khốc liệt những ngày giữa tháng 3. Ảnh: CẨM PHÔ

Giữa tháng Ba, những cơn sóng “bạc đầu” vẫn cuồn cuộn từ khơi tấn công vào dải cát mong manh dọc đường Nguyễn Phan Vinh. Hơn lúc nào hết, sự âu lo hằn hiện trên nét mặt chủ các nhà hàng, villa nằm bên chân sóng.

Sóng bạc đầu, người phải… bạc tóc

Bà N.H.T., chủ một cơ sở du lịch khoanh tay trước ngực, trầm ngâm nhìn ra hướng những đợt sóng đang đuổi bắt nhau dồn vào bờ. Nhiều năm từ Hà Nội vào Hội An kinh doanh du lịch, nửa năm qua có lẽ là khoảng thời gian trĩu nặng âu lo nhất của bà T. khi sạt lở bờ biển diễn ra khốc liệt.

“Ngày xưa nằm ngủ trong nhà chúng tôi hầu như không nghe tiếng sóng. Nhưng hai năm nay thì cứ mỗi đêm qua đi có cảm giác sóng tiến sát một gần tới chân giường của mình. Có đêm sóng đánh dữ dội, ngoài biển gào thét ầm ào. Cầm đèn pin ra bờ rọi để quan sát tình hình thì thấy nước đã xô nghiêng dãy cọc tre mới đóng chiều qua rồi. Thực sự rất mệt mỏi” - bà T. nói.

Người miền biển gọi những con sóng cao lút đầu người, cuộn tròn dồn đổ tung bọt trắng xóa từ khơi vào là sóng “móc họng”, sóng “bạc đầu”.

cua dai5
Các lực lượng tìm cách gia cố bờ biển năm 2018. Ảnh: CẨM PHÔ

Vào mùa đông, biển động dữ dội tạo ra những đợt sóng bị đẩy theo gió xô thẳng vào đất liền khiến những vị trí tiền tiêu, nền cát mong manh như đèn trước gió. Nhà tre tạm bợ thì dễ dàng tháo chạy, cùng lắm là mất đất nhưng với cơ sở du lịch cả hàng chục tỷ đồng thì không dễ như thế.

Sóng “bạc đầu” càng kéo dài, càng gào thét dữ đội đồng nghĩa với những cơn mất ngủ triển miên của chủ villa, khách sạn, nhà hàng dọc biển Hội An.

Nếu ai thường xuyên qua lại vệt biển từ Cửa Đại ngược lên An Bàng thì dễ dàng cảm nhận sự tàn khốc của thiên tai.

Cảnh tượng biến đổi khốc liệt, chóng vánh từ 2010 đến nay như một thước phim tua chậm, càng về sau càng dữ dội. Thật may, trong thước phim xuyên thời gian trĩu nặng nỗi lo âu, chằng níu giữ biển ấy có sự xuất hiện của những “phân cảnh” tươi sáng khi mùa hè về biển êm ả như chưa từng xảy ra chuyện gì.

Rồi tia hy vọng khấp khởi lóe sáng lên khi con đê ngầm khổng lồ, đen trùi trũi như lưng con cá ông dưới mặt biển từ từ trồi lên, chặn ngang ở bên ngoài che chắn bớt những đợt sóng dữ.

Đẩy nhanh tiến độ nối dài đê trước khi quá muộn

GS. Nguyễn Thế Hùng - Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng - cho rằng việc xây đê ngầm hãm sóng như đang làm ở Cửa Đại là một trong các giải pháp có tính căn cơ được các nước trên thế giới áp dụng để cứu biển. “Bước đầu chúng ta đã thấy biển Cửa Đại đang hồi phục được dải cát làm bãi tắm, qua cơn bão vừa rồi cát không bị phá như trước đây. Cần theo dõi kỹ và cẩn trọng đưa ra các đánh giá, vấn đề rất cần lúc này là chúng ta phải triển khai đồng bộ, làm đê chắn sóng trên khoảng cách dài chứ không được chắp nối. Vậy mới đem lại hiệu quả như mong muốn” - ông Hùng nói.

Bên lở, bên bồi

Những ngày đầu tháng 3/2025, cảnh tượng nháo nhác, âu lo và đầy gấp gáp, có cả sự hoảng loạn hiện rõ mồn một ở biển Tân Thành - nơi cách bãi tắm Cửa Đại chừng hơn 1km.

cua dai11
Bờ biển Hội An sạt lở khốc liệt nhiều năm qua. Ảnh: CẨM PHÔ

Trong khi tuyến biển phía dưới đã yên ả từ lúc con đê ngầm hãm sóng được vắt qua thì không rõ nguyên do gì hay do sóng bị “tức” dòng chảy, đánh mạnh suốt ngày đêm vào vệt biển tập trung dày đặc villa, nhà hàng. Hàng chục năm qua, những chủ cơ sở kinh doanh ở đây vẫn bám trụ lại, có lúc thiên tai, lúc bình yên nhưng mức độ khốc liệt chưa bao giờ nhanh như mấy bận gần đây.

“Trước đây vẫn có sạt lở nhưng ít hơn. Từ ra tết tới nay thì đúng là kinh khủng, chúng tôi không tưởng tượng nổi. Nhà nào cũng bỏ cả trăm triệu đồng kè bờ, đóng cọc tre nhưng như dã tràng xe cát. Bao nhiêu tiền của đổ xuống cũng không trụ lại được sức sóng. Có đêm ngủ dậy một giấc đã thấy cả khoảng hở hàm ếch bị sóng khoét sâu vô tới sân vườn” - bà N., chủ villa ở biển Tân Thành nói.

Bãi biển Hội An đoạn qua làng chài Tân Thành đang chứng kiến cảnh tượng trái ngược khi bên lở, bên bồi - Ảnh: CẨM PHÔ.
Bãi biển Hội An đoạn qua làng chài Tân Thành đang chứng kiến cảnh tượng trái ngược khi bên lở, bên bồi. Ảnh: CẨM PHÔ

Nhiều người dân ở Tân Thành không còn nghi ngờ gì nhiều về việc tuyến đê ngầm làm chưa đồng hết, chưa chắn toàn bộ từ trên xuống dưới đã tạo ra sức ép của sóng khiến các khu dân cư mong manh ở cuối đê bị sóng xâm lấn. Mức độ khốc liệt và dữ dội khiến cuối 2024 UBND tỉnh Quảng Nam phải ban bố tình trạng khẩn cấp bờ biển trên chiều dài hơn 200 mét đoạn qua phường Cẩm An. Tuy nhiên dù đã thực hiện nhiều biện pháp cấp bách nhưng xâm thực vẫn gây thiệt hại nặng.

Điều rất dễ nhận ra ở biển Hội An hiện giờ là cảnh trái ngược nhau. Trong khi những nơi đê ngầm đã làm xong thì sóng bồi lắng tạo thành bãi tắm yên ả, khách du lịch dập dìu quay về tắm nắng trên bãi cát thì ở hướng biển Tân Thành ngược lên An Bàng là cảnh nháo nhác, tan hoang.

Nỗ lực cứu biển

Để giữ bờ biển đẹp, suốt từ những năm 2010-2015 chính quyền và cộng đồng người dân đã tìm mọi cách giữ biển. Giai đoạn này phương án nào hiệu quả nhất hạn chế sạt lở được bàn liên tục. Không ít hội thảo, các đoàn khảo sát từ Trung ương tới địa phương lẫn chuyên gia quốc tế lần lượt đến Hội An và đề xuất các phương án. Tuy nhiên không có gợi mở nào đảm bảo khả thi, bền vững.

Năm 2020, bờ biển Hội An sạt lở kinh hoàng vào mùa đông khiến người nước ngoài sinh sống tại Hội An và du khách cũng phải góp sức đắp bao cát giữ bờ - Ảnh: CẨM PHÔ.
Năm 2020, bờ biển Hội An sạt lở kinh hoàng vào mùa đông khiến người nước ngoài sinh sống tại Hội An và du khách cũng phải góp sức đắp bao cát giữ bờ. Ảnh: CẨM PHÔ

Trong lúc tìm phương án tối ưu, hàng năm mỗi mùa biển chính quyền lại huy động máy móc, nhân lực tập trung gia cố bờ. Tuy nhiên cũng như trước đó, mọi thứ như dã tràng xe cát. Tốc độ xâm thực xảy ra nhanh hơn tính toán của con người.

Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết từ 2018 - 2021 TP.Hội An và tỉnh Quảng Nam cho thực hiện dự án chống xói lở khẩn cấp bờ biển với mức đầu tư gần 300 tỷ đồng.

Giải pháp đặt ra là xây tuyến đê ngầm dài 1.530m kết hợp nạo vét luồng Cửa Đại, nguồn cát từ việc nạo vét này sẽ đổ vào san lấp nuôi bãi nhằm hoàn thổ bãi tắm đã từng tồn tại. Từ 2018 trở đi, những tàu nạo vét khổng lồ đã tập trung tại Hội An thi công tuyến đê ngầm. Chỉ trong thời gian ngắn, hơn nửa triệu mét khối cát được bơm vào bãi tắm, hình thành vệt cát chạy dài gần 600m dọc biển Hội An.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam - đơn vị triển khai dự án, hệ thống đê ngầm tại Hội An được xây bằng bê tông kết hợp rọ đá theo hình thang, cao khoảng 6m, đỉnh đê rộng 5m, thân đê nằm âm dưới mặt nước biển. Nguyên tắc giải pháp này là tạo hành lang chắn ngầm ngoài biển, sóng lớn không thể “móc” vào đất liền như trước khi xây đê.

cua dai18
Du khách quay trở lại bãi tắm Cửa Đại nơi từng bị sóng biển xâm thực dữ dội, nay dự án đê ngầm đã giúp khu vực này hồi sinh. Ảnh: CẨM PHÔ

Cùng với Nhà nước, rất nhiều chủ cơ sở kinh doanh và người dân sống dọc biển Cửa Đại, biển An Bàng... cũng miệt mài cứu bãi biển bằng các giải pháp như trồng cây tạo đê mềm ngăn xói lở, đắp đê bao cát chắn sóng, chôn các dãy cọc tre dọc bờ biển. Đê ngầm được làm tới đâu cát được tạo bãi tới đó và giữ lại chứ không bị sóng nuốt trôi như trước.

Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Thế Hùng cho biết qua theo dõi nhiều năm cho thấy giải pháp làm đê ngầm đã chứng minh hiệu quả. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Quảng Nam đang đốc thúc các đơn vị tập trung thời điểm thuận lợi để nối đê dài thêm từ Cửa Đại ra biển An Bàng.

CẨM PHÔ