Thế giới

Sức hút riêng của sách điện tử

QUỐC HƯNG (kimoanh125@gmail.com) 19/04/2025 09:00

Cuộc cách mạng kỹ thuật số lan tỏa khắp thế giới đọc, trong đó có văn hóa đọc sách điện tử.

sdt.jpg
Thư giãn cùng sách điện tử. Ảnh: Goodhousekeeping

Đối với nhiều người đọc sách, việc mở những trang sách với mùi thơm thoảng thoảng là trải nghiệm bổ ích và đáng trân trọng. Song hành cùng điều đó, thói quen đọc sách điện tử trong thời đại số cũng được hình thành và tác động đến mọi thứ, từ tốc độ đọc đến khả năng tập trung của người đọc.

Thị trường sách điện tử trên toàn thế giới đang tăng trưởng nhẹ, chịu ảnh hưởng của các yếu tố như sở thích của người tiêu dùng thay đổi, khả năng tiếp cận máy đọc sách điện tử tăng và sự gia tăng của các dịch vụ đăng ký, giúp nâng cao trải nghiệm đọc cho người dùng.

Thống kê từ trang Web statista.com, doanh thu trên thị trường sách điện tử thế giới dự kiến ​đạt 14,92 tỷ USD vào năm 2025 và sẽ lên 15,69 tỷ USD vào năm 2029.

Tháng 4 năm ngoái, báo cáo của Viện Thời báo hoàn cầu và văn học Trung Quốc cho biết, thế hệ Z (người sinh từ năm 1997 đến năm 2012) trở thành xương sống của việc đọc sách kỹ thuật số tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới với 1,4 tỷ người.

Minh chứng, China Literature - đơn vị sở hữu các nền tảng văn học trực tuyến như QQ Reading và Qidian ghi nhận 43% người dùng mới vào năm 2023 và đọc trung bình 28 cuốn sách mỗi năm. Văn học dành cho thanh thiếu niên, văn học kinh điển, lịch sử, tâm lý học và triết học là các thể loại sách được xuất bản phổ biến nhất.

Giáo sư Zhang Yiwu chuyên ngành ngôn ngữ và văn học Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh nói với Tờ Global Times, thế hệ Z thông thạo việc sử dụng internet và các nền tảng đọc trực tuyến đã mở rộng sự đa dạng trong các lựa chọn đọc.

Cạnh đó, hiệu ứng liên kết sách - phim từ các bộ phim bom tấn và chương trình truyền hình càng làm tăng sức hấp dẫn của sách điện tử. Như năm 2023, với sự phổ biến của loạt phim truyền hình “Tam thể” và bộ phim “Địa cầu lưu lạc 2”, số lượng độc giả theo dõi các tác phẩm của Lưu Từ Hân trên các nền tảng văn học Trung Quốc tăng 63%.

Trong thị trường sách điện tử, một xu hướng đang nổi lên là việc áp dụng ngày càng nhiều nội dung tương tác và đa phương tiện. Các nhà xuất bản thử nghiệm các định dạng nâng cao kết hợp các yếu tố âm thanh, video và tương tác để thu hút độc giả sâu sắc hơn.

Ngoài ra, sự gia tăng của trí tuệ nhân tạo đang ảnh hưởng đến các đề xuất được cá nhân hóa, điều chỉnh nội dung theo sở thích và thói quen đọc của từng cá nhân. Khi các nền tảng đọc sách xã hội ngày càng phổ biến đã thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng thông qua các trải nghiệm đọc sách được chia sẻ.

Tại Mỹ, thị trường sách điện tử phát triển mạnh nhờ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mạnh mẽ và văn hóa áp dụng công nghệ sớm, tập trung vào các nền tảng tự xuất bản phục vụ cho nhiều tiếng nói khác nhau. Tại Nhật Bản, thị trường chịu ảnh hưởng của văn hóa manga phong phú, dẫn đến các định dạng tương tác độc đáo kết hợp giữa văn bản và hình ảnh, thu hút đối tượng độc giả trẻ tuổi.

Theo thống kê, giá trị bán sách điện tử tại Nhật Bản đạt 45,2 tỷ yên Nhật vào năm 2024, tăng 1,2 tỷ yên so với năm trước. Cùng với truyện tranh kỹ thuật số và tạp chí kỹ thuật số, sách điện tử tạo nên thị trường xuất bản kỹ thuật số.

Một cuộc khảo sát ngôn ngữ quốc gia do Cơ quan Văn hóa Nhật Bản công bố vào tháng 9 năm ngoái cho biết, trong số những người được hỏi có 40,3% cho biết có đọc sách điện tử, tăng 15,1 điểm so với cuộc khảo sát trước vì việc tiếp cận sách điện tử trở nên dễ dàng hơn.

QUỐC HƯNG (kimoanh125@gmail.com)