Trầm tích địa danh xứ Quảng
Tên gọi vùng đất mang ý nghĩa chính thức định danh về hành chính - xã hội, có ý nghĩa biểu tượng và tính thiêng của một nhân danh, địa danh, sự kiện lịch sử. Nguyên tắc định danh giúp phản ánh thực tế (địa dư, thổ sản…), lưu dấu sự kiện, thể hiện khát vọng nhân sinh của cộng đồng, nên luôn mang tính lịch sử và văn hóa một thời.

Lịch sử chứng kiến những lần đổi tên, theo nguyên tắc và mục đích, khát vọng tương ứng. Tất cả, qua thời gian, đã ổn định nhiều giá trị văn hóa cốt lõi từ những trầm tích địa danh độc đáo ở mỗi địa phương.
Tiếp cận nguyên tắc đặt tên
Địa danh chứa đựng thông điệp chính của chủ thể, phản ánh địa dư “thổ sản”, những dấu ấn lịch sử gắn liền di sản văn hóa, nhân vật, sự kiện, thể hiện khát vọng mãnh liệt của cộng đồng…
Trước một vùng đầm phá Tam Giang ở vùng Huế nước sâu, hiểm nguy, nhiều “lục lâm thảo khấu” nên người Việt di cư chỉ mon men phía trung du ruộng đất sỏi đá màu đỏ, lập nên xứ Đan Điền. Hết “sợ phá Tam Giang” khi “đã cạn”, người nông dân tiếp cận vùng sông nước phía đông để đánh bắt thủy sản, làm ruộng: xứ Sịa lắm cá tôm, xứ Quảng Điền nhiều ruộng đồng tốt tươi.
Xứ Thuận Hóa nghèo tiềm năng kinh tế nên vượt ải Hải Vân từ mốc son 1306, rồi 1470-1471, 1601… đã mở ra xứ Quảng Nam - vùng đất phương Nam rộng lớn, giàu có.
Phủ Điện Bàn của xứ Thuận Hóa buổi đầu là nền tảng căn bản làm nên thừa tuyên/xứ Quảng Nam. Đặc biệt từ năm Tân Sửu (1601), chúa Nguyễn Hoàng đến sông Hương. Bước lên Hải Vân - “yết hầu miền Thuận Quảng”, ông nhận thấy nơi đây giàu có nhất thiên hạ, kết nối miền rừng xứ Quảng về phía đông để tái hiện Đại Chiêm hải khẩu (cảng thị Hội An), phát triển ngoại thương, vững mạnh để tiếp tục đi về phía nam bởi Quảng Nam là một địa bàn chiến lược.
Ở cơ sở, làng xã - gia tộc là nền tảng căn bản trong cuộc mở cõi của dân tộc. Hạt nhân làng xã và dòng họ mở mang khai hoang lập ấp, làm nên những cộng đồng mới, được định vị theo mỹ từ (như Ngũ hương là năm làng ở Quế Sơn là Hương Quế, Hương Lộc, Hương An, Hương Yên và Hương Lư) hay yếu tố không gian là Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung, hay Thượng, Hạ, như Mỹ Xuyên Đông, Mỹ Xuyên Tây, Quán Khái Đông - Tây.
Căn cước văn hóa
Hiện nay, theo nhu cầu của cuộc đại cải cách hành chính thì bỏ cấp huyện và sáp nhập các xã, địa danh huyện, xã sẽ không còn. Do vậy, cần chọn lựa tối ưu để bảo lưu những địa danh xứ Quảng đặc trưng.
Chúng tôi cho rằng trên tầm vĩ mô, danh xưng Quảng Nam đặc biệt quan trọng cho cả dân tộc trong lịch sử, cần được giữ trên phương diện hành chính, hoặc chí ít cũng được đặt tên cho một không gian, công trình lịch sử văn hóa đặc biệt của xứ Quảng.
Tên huyện thị đã ổn định, cần giữ lại, dù phải chuyển hóa dưới lớp áo phường/xã mới, nên hồi cố đặt lại tên cũ trước đây sẽ ít được ưu tiên (như Hy Giang trước Duy Xuyên).
Theo đó ở mỗi vùng, tên phường/xã sẽ được ưu tiên lấy lại tên huyện cũ cộng thêm yếu tố định vị không gian: Điện Bàn Trung - Đông - Tây - Nam - Bắc, thêm Thượng - Hạ nếu cần. Tương tự là các địa danh Duy Xuyên, Hội An, Tam Kỳ, Thăng Bình…
Từ đó, tên xã hiện nay hay tên làng xã xưa có thể được lựa chọn tùy nhu cầu (cho thống nhất), để đặt cho các thôn, tổ dân phố mới, cộng với yếu tố định vị không gian tương tự, như Nam Phước (thị trấn) hay Mỹ Xuyên Đông - Tây, Duy Trung và Duy Sơn với Ngũ xã Trà Kiệu (Đông, Tây, Nam, Trung, Thượng)...
Trong vài chục đến vài trăm năm, các địa danh đã trở thành “căn cước” lịch sử văn hóa trong tâm thức xứ Quảng, nên việc giữ lại dưới mọi hình thức (đơn vị hành chính, không gian, công trình lịch sử văn hóa…) rất cần thiết, nhất là đảm bảo nguyên tắc, ý nghĩa làm căn cứ thống nhất để tránh tranh cãi bất tận.
Cho nên, ngoài nguyên tắc bao chứa khát vọng giàu đẹp, an khang hay phản ảnh thực tế địa dư, sử học, định danh theo số thứ tự… thì việc đặt, đổi tên theo nguyên tắc định vị không gian cũng đã hội tụ nhiều sự tinh tế, tiện ích mà tiền nhân đã rất chú trọng để phát huy tối đa giá trị những trầm tích văn hóa qua địa danh thiêng liêng, gần gũi.
Xứ Quảng là rút gọn từ danh xưng Quảng Nam, có mỳ Quảng - Quảng Nam miến, trong tương quan với xứ Huế - Thuận Hóa, với bún bò Huế - Thuận Hóa ngưu nhục phấn. Từ vĩ mô Quảng Nam, tên các huyện, xã hiện nay, đến làng xã truyền thống luôn được ưu tiên giữ lại, thành tên phường xã, hay tổ dân phố/thôn bản theo nguyên tắc tên gốc và yếu tố định vị không gian.
Hy vọng từ sự thống nhất đó, đủ căn cứ để kết tinh, hội tụ các giá trị truyền thống hài hòa cho việc đặt tên, tránh những cảm giác mất mát, hụt hẫng đáng tiếc, hay rơi vào tranh luận bất tận...