Góc suy ngẫm

Sông còn ở lại

NGUYỄN ĐIỆN NAM (huudong.lenga@gmail.com) 20/04/2025 07:59

Sông Thu Bồn chảy về Cửa Đại,
Lạch Bình Long chảy mãi ra Hàn
Ai về Đà Nẵng, Hội An,
Cho tôi nhắn gởi vài hàng tâm tư…

Câu ca xưa chợt hiện lên giữa mênh mông ký ức và miền liên tưởng đến ngày mai. Có con sông ở lại, có con sông mải miết trôi đi, nhưng dòng lịch sử văn hóa vẫn là mạch nguồn xuyên suốt.

Suy ngẫm về cuốn sách “Tất cả chúng ta đều là cá” (Nxb Trẻ, 2018) của nhà bác học Neil Shubin, nhà văn Nguyên Ngọc diễn giải rằng “tổ tiên xa xôi nhất của chúng mình là cá. Rồi mới mò mẫm bò lên bờ, trằn trọc sống lưỡng cư, rất lâu sau mới mọc thêm vú, cuối cùng vật vã đứng lên trên hai chân để cố nhìn thấy cuộc đời cho xa hơn đôi chút. Và thành người… Vậy đó, trong sâu kín nhất của mỗi chúng ta đều có nước, một dòng nước, một con sông…”.

Đúng rồi, ít nhất là một con sông. Như tôi đi xa 30 năm vẫn ưng về sông Vĩnh Điện để ngụp lặn tuổi thơ trong những chiều tắt nắng. Hay có lần bơi qua một nhánh sông Thu để lên biền bãi hái trộm một trái dưa hấu cho đám bạn học trò tinh nghịch.

Rồi lớn lên đi ngược Hòn Kẽm, lên sông Tranh, sông Tiên; vô phía nam sông Trường Giang, Tam Kỳ; ra phía bắc Cẩm Lệ, sông Hàn, Cu Đê; về sông Hoài Hội An đêm hội… Đi như là trôi với những dòng sông quê xứ Quảng để thoảng lại giật mình nhớ mình đã thai sinh máu huyết nhờ duyên tình của ông bà nội gặp nhau tại Giao Thủy đôi dòng nước.

Trước sau 30 năm, những dòng sông đã ủ ấp dưỡng nuôi tâm hồn bao người con xứ Quảng, là dòng lịch sử văn hóa vẫn “đậm đà” chảy theo mình dù có sự chia tách rồi sáp nhập về hành chính.

Vậy nên mượn cách nói sông còn ở lại như lời bài hát “Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn, là để nhắc lời tâm tình quê mình xứ Quảng, cũng để nhìn ra không gian mở của đất mở, trăn trở tìm lối đi trên chính một vùng văn hóa đã có lịch sử hình thành nhờ sự tiếp biến, hỗn dung, giao hòa các giá trị.

Lại thử soi bản đồ hành chính của các tỉnh thành trong xứ Việt đã nhiều lần đổi thay, nhưng định vị 2.360 dòng sông (tính độ dài từ 10km trở lên) mang theo lịch sử văn hóa vẫn miệt mài chảy qua những miền đất.

Còn Quảng Nam thì còn ở mãi đó văn hóa Vu Gia, Thu Bồn, Trường Giang, mênh mang từ nguồn xuống biển, như “Sông xanh một dải Thu Bồn/ Sông từ chợ Củi đến nguồn Ô Gia”, hay: “Ai về nhớ tháp Chiên Đàn/Nhớ đình Mỹ Thạch, nhớ hàng cau xanh/Quê hương ai vẽ nên tranh/Trường Giang một dải nước xanh bốn mùa”…

Trên nền tảng của “gia tài sông” để lại đó, xác định lợi thế địa kinh tế - văn hóa - chính trị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Nam đã tính toán quy hoạch các dòng sông theo mô hình cấu trúc không gian “2 vùng - 2 cụm động lực - 3 hành lang phát triển”, được định hướng trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vì vậy, khi Quảng Nam và Đà Nẵng hợp nhất, hẳn sẽ phải bổ sung chỉnh sửa sao cho khớp nối quy hoạch 2 địa phương, nhưng cũng phải kế thừa ý tưởng về cấu-trúc- sông, hết sức sống động cho tương lai.

Chẳng hạn, sẽ phải tiếp nối ý tưởng trước khi sáp nhập, Quảng Nam và Đà Nẵng đã cùng phối hợp triển khai nạo vét sông Cổ Cò, để nối từ Hội An ra Hàn.

Bây giờ thì phía nam sẽ có dòng Trường Giang, nếu được nạo vét rồi nối tiếp vào Lộ Cảnh Giang (Cổ Cò) dưới vòng cung Đế Võng, thì Quảng Nam - Đà Nẵng có tuyến du lịch đường sông chạy song song với biển, dài và đẹp… nhất nước.

Phía trước có bao dự định đẹp đẽ nhưng sẽ trông chờ hiện thực hóa ý tưởng quy hoạch đến hành động. Sông còn ở lại, đợi người!

NGUYỄN ĐIỆN NAM (huudong.lenga@gmail.com)