Văn hóa - Văn nghệ

Ký họa Tam Kỳ - lưu giữ hồn phố qua từng nét vẽ

PHAN VINH - HỒ QUÂN 20/04/2025 09:05

Khi những tán sưa vàng bừng nở giữa lòng TP.Tam Kỳ, cũng là lúc một nhóm họa sĩ từ khắp các vùng miền lặng lẽ đặt bút vẽ, ghi lại cảnh sắc, con người và ký ức đô thị qua những bức ký họa.

z6504196628692_54382af2c5917c6958f66462e3c3ac74.jpg
Họa sĩ sáng tác tại hàng cây di sản của làng Hương Trà. Ảnh: HỒ QUÂN

Hành trình nghệ thuật của Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội không chỉ mang đến các tác phẩm mỹ thuật, mà còn góp phần làm sống lại chiều sâu văn hóa, lịch sử của vùng đất ba sông.

Thành phố qua tranh

Giữa tháng Tư, làng Hương Trà (phường Hòa Hương) đón hơn 20 thành viên Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội - gồm các kiến trúc sư, họa sĩ, nhà giáo, người yêu hội họa đến từ nhiều địa phương trong cả nước. Họ âm thầm ghi lại hơi thở đời thường của đô thị Tam Kỳ bằng nét vẽ mộc mạc, giàu cảm xúc.

Kiến trúc sư, họa sĩ Trần Thị Thanh Thủy - Trưởng nhóm Ký họa đô thị Hà Nội chia sẻ: “Lần này là lần thứ hai chúng tôi về Tam Kỳ, sau hành trình đến làng chài Tam Thanh vào tháng 6/2024. Mỗi nơi mang một cảm xúc khác nhau. Nếu Tam Thanh là sự cởi mở, tươi tắn của làng biển, thì Hương Trà lại mang vẻ trầm lặng, cổ kính với hàng sưa già và mái đình xưa. Nhóm chúng tôi đã hoàn thành gần 50 tác phẩm chỉ trong vài ngày”.

z6494374088705_334328b83779ae89656303c81b72a873.jpg
Văn thánh Khổng Miếu Tam Kỳ qua nét ký họa của nhóm họa sĩ. Ảnh: Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội

Hành trình sáng tác lần này còn mở rộng đến Khổng miếu, địa đạo Kỳ Anh, các làng nghề cũ và những ngõ nhỏ bình yên. Không cầu kỳ kỹ thuật, không dùng hiệu ứng thị giác phô trương, các tác phẩm chọn cách lặng lẽ ghi lại hình ảnh đời thường: người vá lưới, gánh nước, mái nhà phủ rêu dưới bóng sưa, hay một khung cửa cũ nơi góc phố.

Họa sĩ trẻ Nguyễn Hải Quân bày tỏ: “Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy Tam Kỳ có nhiều không gian yên tĩnh, mộc mạc đến thế. Mỗi cảnh vật tưởng chừng rất đời thường lại có sức gợi mạnh mẽ. Điều thú vị là chúng tôi không cần tạo cảnh - mọi thứ đã đẹp sẵn theo cách của nó. Những gì chúng tôi làm chỉ là giữ lại cảm xúc đó trong tranh”.

z6489987628364_a0e3e23a34403d7bce9007509235664a.jpg
Một góc chợ Hòa Hương qua nét ký họa của họa sĩ Văn Việt Nam. Ảnh: Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội

Trước đó, vào tháng 6/2024, nhóm từng thực hiện loạt ký họa làng chài Tam Thanh. Từ bến cá, chợ làng, các ngôi nhà xưa đến cảnh ngư dân phơi lưới, kéo thuyền, từng chi tiết đều được phản ánh sinh động qua góc nhìn cá nhân của từng họa sĩ.

Gắn nghệ thuật với du lịch cộng đồng

Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội là một tập thể hội họa phi lợi nhuận thành lập từ năm 2016, thuộc mạng lưới Urban Sketchers toàn cầu. Nhóm quy tụ hơn 11.000 thành viên ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau và từng có mặt tại nhiều địa phương như Hà Nội, Huế, Hội An, Mù Cang Chải… với mục tiêu ghi lại di sản văn hóa - lịch sử qua ngôn ngữ hội họa.

z6488608826629_76cdea4e907e29455d602edda5217b73.jpg
Đình làng Hương Trà

“Mỗi lần ký họa không chỉ là hoạt động nghệ thuật, mà còn là cơ hội để kết nối với cộng đồng địa phương. Ở Tam Kỳ, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền và sự thân thiện, cởi mở từ người dân. Những bức tranh hoàn thành không chỉ ghi lại cảnh quan, mà còn giúp tạo nên sợi dây cảm xúc giữa người nghệ sĩ và mảnh đất họ đặt chân tới” - họa sĩ Trần Thị Thanh Thủy cho biết.

Từ hiệu ứng nghệ thuật - cộng đồng của hai hành trình tại Tam Thanh và Hương Trà, TP.Tam Kỳ bắt đầu triển khai nhiều hướng đi mới nhằm khai thác giá trị văn hóa từ nghệ thuật ký họa.

z6494374051593_102776f5c57c7a66094b643bc140a7fe.jpg
Nhà cổ ở Hương Trà

Theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Tam Kỳ, thành phố đang thực hiện việc số hóa toàn bộ tác phẩm ký họa, đưa vào thiết kế các sản phẩm du lịch như sổ tay, túi vải, áo thun, tem thư, bao bì sản phẩm OCOP và cả không gian trưng bày tại các điểm công cộng.

“Chúng tôi xác định đây là một hướng đi lâu dài. Mỗi bức tranh là một thông điệp văn hóa. Khi được in trên những vật phẩm du lịch, chúng không chỉ là quà tặng mà còn là cách kể chuyện về Tam Kỳ. Chúng tôi muốn du khách nhớ về thành phố không chỉ bằng bản đồ hay tờ rơi, mà bằng một bức vẽ đầy cảm xúc” - ông Nam nói.

z6489987631088_d54d76f2ab7d0e1f7b80d9140236344f.jpg
Một góc Văn thánh Khổng Miếu.

Thành phố cũng đang nghiên cứu xây dựng tuyến “đường ký ức làng Hương Trà”, kết hợp giữa không gian di sản với trưng bày tranh ký họa ngoài trời. Đồng thời các tác phẩm sẽ được triển lãm luân phiên tại bảo tàng, trung tâm văn hóa, không gian đi bộ và các điểm đến du lịch trọng điểm.

“Chúng tôi không tổ chức nghệ thuật để đánh bóng hình ảnh mà muốn biến ký họa thành một phần trong chiến lược phát triển đô thị bền vững. Qua từng nét vẽ, người dân sẽ thấy quê mình đẹp hơn. Du khách đến rồi đi, nhưng nếu mang theo một bức tranh - tức là mang theo cả ký ức, thì Tam Kỳ đã ở lại trong họ. Đó là cách nghệ thuật trở thành linh hồn của đô thị” - ông Nam khẳng định.

z6489861920044_0cc02143d163dd651b92548835f00b80.jpg
Bờ sông Tam Kỳ.

PHAN VINH - HỒ QUÂN