Nông nghiệp

Duy Xuyên đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp

NHÃ PHƯƠNG - PHI THÀNH 19/04/2025 15:11

(QNO) - Chiều qua 18/4, UBND huyện Duy Xuyên tổ chức hội thảo đánh giá chương trình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn trong những năm qua. Tham dự có lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và chính quyền 13 xã, thị trấn của huyện.

z6520018518774_2d48aa539cde26b75362b1a50178613c.jpg
Quang cảnh hội thảo diễn ra chiều qua 18/4. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG

Ông Nguyễn Đình Phước - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Duy Hòa 2 cho biết, mỗi vụ các xã viên của HTX canh tác 210ha lúa và nếp. Trong đó, bố trí 40% diện tích liên kết với các Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình, Quảng Nam, Đồng Tâm sản xuất lúa giống hàng hóa và nếp thương phẩm chất lượng cao theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm...

Theo ông Phước, qua thống kê, năm 2024, tổng sản lượng lúa giống hàng hóa và nếp thương phẩm đạt khoảng 540 tấn, mang về cho nhà nông hơn 4,4 tỷ đồng, cao hơn 25% so với gieo sạ lúa thường.

z6520018518771_190e621fb1a1b7837235241b95055674.jpg
Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PHI THÀNH

“HTX Nông nghiệp Duy Hòa 2 luôn chủ động phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng nguồn giống đầu vào đảm bảo chất lượng; hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh, bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm cho nông dân. Nhìn chung, mô hình này góp phần khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, giúp nhà nông tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác tăng lên đáng kể” - ông Phước nói.

Trong khi đó, tại xã Duy Trinh, mô hình liên kết trồng mướp lấy xơ bước đầu mang lại kết quả tích cực. Theo ông Nguyễn Thanh Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Trinh, năm 2022, chính quyền địa phương triển khai mô hình trồng mướp lấy xơ tại thôn Phú Bông với sự hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra sản phẩm của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Vũ Nguyên.

z6520005447944_020ad007fc9318c7b6a7005728679d3f.jpg
Mô hình liên kết trồng sen chuyên canh ở xã Duy Phú (Duy Xuyên) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: PHI THÀNH

Từ 0,5ha ban đầu, đến nay mô hình trồng mướp lấy xơ tại xã Duy Trinh đã được nhân rộng lên 3ha. Nhờ áp dụng bài bản quy trình kỹ thuật thâm canh nên năng suất, chất lượng đạt khá cao. Bình quân mỗi sào, nhà nông thu về không dưới 8 triệu đồng/vụ.

“Doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm nên nhà nông yên tâm sản xuất, không lo chuyện được mùa mất giá. Mô hình liên kết trồng mướp lấy xơ giữa nông dân xã Duy Trinh với doanh nghiệp đã góp phần phát triển sản xuất hàng hóa xanh, thân thiện môi trường” – ông Dũng nói.

Theo số liệu tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Duy Xuyên, đến nay địa phương đã có 37 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất nông nghiệp được triển khai thực hiện. Trong đó, giai đoạn 2018 - 2020 có 31 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất theo chương trình xây dựng nông thôn mới và giai đoạn 2020 - 2025 có 6 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất theo cơ chế hỗ trợ của Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh Quảng Nam. Tổng kinh phí thực hiện số dự án/kế hoạch nêu trên hơn 26 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ 4,8 tỷ đồng.

z6520032488872_d1d85be55bf5a7bca776184a658df6d7.jpg
Nông dân xã Duy Phước (Duy Xuyên) có nguồn thu nhập cao từ mô hình liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa với các doanh nghiệp. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG

Ông Nguyễn Chí Công – Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Duy Xuyên cho biết, các dự án/kế hoạch liên kết sản xuất thu hút 6 HTX, 8 doanh nghiệp và 1.182 hộ nông dân tham gia vào chuỗi.

Theo ông Công, các HTX làm nòng cốt tập hợp nông dân tham gia dồn điền đổi thửa với quy mô lớn, hợp tác với doanh nghiệp sản xuất - tiêu thụ sản phẩm và đạt được kết quả khá tốt. Đơn cử như, HTX Nông nghiệp Duy Hòa 2, Duy Trung 1 liên doanh, liên kết sản xuất hàng trăm tấn lúa giống mỗi vụ, giúp người nông dân tăng thu nhập từ 1,25 - 1,5 lần so với canh tác lúa thường. Hay HTX Nông nghiệp Duy Phú và Duy Thành chủ động bao tiêu cho nông dân hàng chục tấn hạt sen, thu nhập bình quân từ 3- 3,5 triệu đồng/sào.

Ông Nguyễn Chí Công nhìn nhận, thực hiện mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, người dân được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu đầu ra, hạn chế tình trạng được mùa mất giá.

Cạnh đó, người sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước về giống, vật tư thiết yếu, máy móc, thiết bị, hạ tầng phục vụ sản xuất, tham quan học tập, hỗ trợ tập huấn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần đạt hiệu quả kinh tế cao.

z6520058995484_7df9e5a1759f6bc5297204a3e689c2b7.jpg
Người dân xã Duy Sơn (Duy Xuyên) thu hoạch sen từ mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG

“Các HTX tạo sự kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp trong việc liên kết sản xuất – tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Thành công từ các mô hình liên kết sản xuất trong những năm qua được xem là bước đột phát trong đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ở Duy Xuyên”.

Ông Nguyễn Chí Công – Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Duy Xuyên

NHÃ PHƯƠNG - PHI THÀNH