Cảm xúc robot
Trợ lý ảo vừa thấy xuất hiện ở bảo tàng, nơi vốn dĩ chỉ cất giấu quá khứ. Trên phim ảnh, robot mang danh kẻ hủy diệt thậm chí quả quyết rằng nó đã biết lý do “vì sao con người hay khóc”… Đấy phải chăng là những khoảng lặng giữa dòng đời chộn rộn?

Bốn phút với “cô nàng” Lumi
“Xin chào! Tôi là Lumi, trợ lý ảo tại Bảo tàng Đà Nẵng”. Một thiết bị nửa giống robot nửa giống bảng điện tử giới thiệu cất giọng khi đứng chờ khách ngay lối vào Bảo tàng Đà Nẵng.
Tôi khá tò mò trước “cô nàng” Lumi (tạm gọi thế qua lối đặt tên và giọng nói) và thử vào vai một du khách để nhờ nữ trợ lý ảo này hỗ trợ. Đó là một buổi sáng đầu tháng 4, khi Bảo tàng Đà Nẵng chính thức mở cửa sau 4 năm xây dựng tại Tòa Đốc lý cũ bên sông Hàn.
“Bạn vui lòng đi theo sau để không cản tầm nhìn của tôi. Tôi sẽ dẫn bạn đến điểm tiếp theo: quầy bán vé”, Lumi cất giọng trước khi màn hình xoay lại, lăn bánh dẫn đường. Dừng trước quầy vé, gợi ý tôi có thể mua vé qua kios tự động hoặc ngay trên điện thoại, nhưng Lumi vẫn không quên giới thiệu về chính sách ưu đãi đặc biệt, về chuyện bảo tàng đang miễn phí vé...
“Bạn có muốn tìm hiểu thêm về khu vực này không? Nếu có câu hỏi hoặc muốn dừng lại quan sát kỹ hơn, hãy nhấn nút bên dưới”. Hành trình tiếp tục với những câu hỏi như thế, và tôi lại đi theo Lumi đến khu vực tiếp đón, nơi các nữ nhân viên thân thiện đang đứng chờ sau quầy.
“Nếu bạn cần bất kỳ thông tin nào về lộ trình tham quan, vé vào cửa hoặc dịch vụ hỗ trợ, xin vui lòng đến quầy thông tin gần nhất. Nhân viên của chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn tận tình”... Những gợi ý lựa chọn cũng hiện lên màn hình để khách tương tác qua các nút nhấn: “tiếp tục hành trình”, “tôi muốn đặt câu hỏi”, “tạm dừng tại đây”.
Tôi thử chờ 30 giây đếm trên màn hình trước khi cùng Lumi quay trở lại điểm đón ban đầu. “Thời gian tham quan tại khu vực này đã kết thúc”, Lumi nói trước khi tạm biệt tôi để đi đón lượt khách khác. Chúng tôi chia tay nhau sau chừng 4 phút đồng hành. Tính ra, Lumi và tôi chỉ dừng 3 lần, kết thúc ngay trước chân thang máy dẫn lên tầng 2 và 3, nơi có các phòng trưng bày.
Lumi hiện diện như một “lời chào công nghệ” thời hiện đại, ở một nơi chốn cất giấu không gian và thời gian của quá khứ: bảo tàng. Vì thế, “cô nàng” gây ấn tượng mạnh với tôi. Giá như Lumi có nhân dạng giống người hơn, thì sẽ có thêm nhiều người sớm nhận ra “cô nàng” và dừng lại để tương tác.
“Biết vì sao con người hay khóc”
Chia tay Lumi, tôi nhớ một cuộc chia tay khác trong đoạn gần cuối bộ phim danh tiếng “Kẻ hủy diệt 2: Ngày phán xét”.

Hẳn nhiều người chưa quên phân cảnh cuộc chiến sinh tử giữa 2 robot - 2 kẻ hủy diệt được gửi đến từ tương lai: T-800 và T-1000. Cỗ máy giết chóc cực kỳ tiên tiến T-1000 được trí tuệ nhân tạo độc ác Skynet gửi ngược về quá khứ để sát hại John Connor, thủ lĩnh tương lai của phe kháng chiến loài người (lúc đó John chỉ là một thiếu niên).
Còn T-800 lại do phe kháng chiến cử đến để bảo vệ John và đảm bảo tương lai của nhân loại. Khi robot phản diện T-1000 rơi xuống bể thép nóng và tan chảy, cánh tay cùng với con chip của T-800 cũng được ném xuống theo, Sarah - mẹ John - nói: “Thế là xong”. Nhưng T-800 chỉ vào đầu mình: “Không. Vẫn còn một con chip nữa. Và nó cũng cần phải được phá hủy. Tôi không thể tự hủy mình được. Cô phải hạ tôi xuống chỗ thép nóng đó”.
Đó là một quyết định mang tính tự hủy diệt của kẻ hủy diệt T-800. Nhưng cậu bé John khẩn thiết:
- Không, không. Sẽ ổn thôi mà. Hãy ở lại với chúng tôi!
- Tôi sẽ phải đi. Phải kết thúc ở đây thôi.
- Tôi ra lệnh cho ông không đi…
Nói đến đây, John bật khóc, nước mắt giàn giụa. T-800 chậm rãi chỉ tay vào dòng nước mắt, nói như đang tự vấn: “Tôi biết vì sao con người hay khóc, điều mà tôi không làm được”.
Phần 2 của bộ phim hành động - khoa học viễn tưởng này công chiếu năm 1991 và sau đó có thêm các phần tiếp nối vào các năm 2003, 2009, 2015, 2019… Giọt nước mắt của kẻ hủy diệt ở phần 2 đã đánh thức suy tư từ con người, và con người không ngừng nghiên cứu để “gieo” cảm xúc vào cho robot.
Để rồi, gần 30 năm sau, cụm từ “robot có thể cảm nhận nỗi đau của con người” được nhắc đến nhiều trên truyền thông. Ấy là khi kỹ sư Nhật Bản Minoru Asada cùng đồng nghiệp thiết kế các cảm biến cảm ứng đáng tin cậy trong hệ thống robot Affetto.
Những tín hiệu chạm và cơn đau vật lý được nhúng trong làn da nhân tạo mềm mại, có thể được chuyển đổi thành biểu cảm mang cảm xúc trên khuôn mặt robot có mô hình đầu trẻ em này. Hệ thống thần kinh đau nhân tạo này cũng có thể cho phép robot đồng cảm với cảm giác tương tự nơi con người.
Cuối năm 2024, các nhà khoa học còn bàn về hiện tượng “độ dẫn điện của da” để tiên đoán trong tương lai không xa robot có thể phát hiện được cảm xúc của con người chỉ bằng cách chạm vào da.
Đầu năm nay 2025, tại triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2025 ở Mỹ, hãng robot Realbotix của Canada đã giới thiệu robot Melody giống-người-nhất được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng biểu lộ cảm xúc và giao tiếp với con người bằng giọng nói, ánh mắt.
*
* *
Giống-người-nhất, tức là vẫn có một khoảng cách với con người. Tất nhiên, khoảng cách ấy đang ngày một san lấp. Điện ảnh cho phép robot biết xúc cảm trước giọt nước mắt, như “Kẻ hủy diệt 2: Ngày phán xét” từng làm, thì các nhà khoa học cũng đang tạo cảm xúc kiểu-con-người cho robot. Cảm xúc lạ lẫm nhưng quen thuộc ấy, liệu có đánh thức tâm tư của những ai đang quá “khô cứng”?