Lê Giang - người đàn bà ngồi đong hoài niệm
“Bạc đầu nhớ má” là tuyển tập gồm 40 bài bút ký của nhà thơ Lê Giang, chọn lọc từ một số tác phẩm đã in của bà. Sách do Nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2025.

Chắt chiu nỗi nhớ tuổi xế chiều
Dành hơn nửa đời mình cho cuộc tận hiến với những con chữ, câu thơ; cùng hành trình đi tìm, gom nhặt những bài dân ca, điệu lý, nhà thơ Lê Giang góp công khá lớn trong việc bảo tồn những giá trị của dân ca Việt Nam.
Ở tuổi xế chiều, bà tẩn mẩn ngồi gom góp hoài niệm, chắt chiu thành tác phẩm. Những sự chắt chiu đó mang dáng hình của bà má, ông ba Nam bộ, của cái ơ kho quẹt, hay cái khăn choàng, cái tình của bà má đến những lọn khói bếp không tan…
“Tôi ráng viết những trang về má, vì mấy cái xương sống, cánh be sườn của tôi đã bắt đầu mòn mỏi sức bền, lại gặp trời nắng nóng tận xứ miền Trung; nhưng tôi dù có phải ráng, cũng muốn viết hoài…”
Má của nữ sĩ là một bà má bình dân. Nhưng trong mắt Lê Giang: “Con vẫn thường nghĩ má là người trí thức, thứ trí thức bẩm sinh không có dự phần của học vấn làm cho má trở thành người trí thức khiêm nhường” (Bạc đầu nhớ má).
Chiến tranh đã không cho má con cơ hội ở gần nhau, để rồi bồi hồi gặp lại “chị với má giống như hai chị em bạn già lâu ngày gặp nhau. Và nhờ những trang bút đàm, chị tranh thủ làm con của má” (“Bút đàm” với má).
Con của má dù có lúc đi miết tận rừng sâu vẫn giỏi giang giống má. Má không chỉ dạy con sinh tồn, biết làm người, mà còn biết thương người, thương nước non mình. Chinh chiến đã rượt đuổi cái bếp của má chạy giặc hoài.
“Có những ngày dài, cái bếp không tan khói của má, chúng tôi dời dạt khắp nơi” (Khói bếp không tan).
Cái mùi của người đàn bà đảm đang quán xuyến, cái mùi dậy tình người, tình đời, để ai ăn món ngon má dạy con gái nấu cũng chép miệng khen: nào dế mèn kho tiêu, nào cào cào lăn bột chiên, nấm mối nấu cháo…Nhưng ngon nhứt có lẽ là món kho quẹt “truyền đời” từ má, để sau này nữ sĩ “chết tên” Năm kho quẹt, đồng đội nhớ hoài!
Nỗi nhớ đẹp như quê xứ
Lê Giang - người đàn bà bạc đầu ngồi đó, đâu chỉ có nhớ má mình thôi. Bà còn nhớ ba, là người đã vạch ra cho mình một chân lý sống: “Khi tưởng tượng về niềm vui phải chừa chỗ cho nỗi buồn”.
Người ba đó, gắn liền kỷ niệm với nữ sĩ bởi những mùa cá chốt giấy trên con sông quê. Để sau này, mỗi lần cúng cơm ba, dẫu tóc mình đã bạc màu nhưng đứa con gái rưng rưng thương nhớ.
Chiến tranh đã khiến ai nấy mất mát nhiều, quay đầu nhìn lại, có những nỗi niềm không phải ai cũng thấu. Tôi nghe ra tiếng lòng lặng buồn của “chị nuôi” Năm kho quẹt thời hậu chiến, khi chứng kiến thế thái nhân tình. Bà “còn khóc ngon lành” vì tự hào, cảm động, sung sướng khi gặp lại tuổi thanh xuân trong hàng quân nữ tự vệ Thủ đô…(Còn khóc ngon lành).
Nhưng rồi những cảm xúc đó cũng chỉ như con sóng nhẹ nơi mặt sông. Bởi những thứ mà bà cần nhớ, thật sự thiêng liêng hơn rất nhiều. Đó là nỗi nhớ Tết ở chiến khu, nhớ đồng đội trong những đêm dài trên Trường Sơn khốc liệt; nhớ cái khăn choàng hầu, mấy cặp nhấc nồi, nhớ món bánh bao voi, món mít hầm, món chuột đồng hay hương đất say mềm quê xứ…
Câu chữ dung dị chất phác cũng như người, những dòng bút ký của Lê Giang “ắp lẵm” nâng niu, đưa người đọc miên man theo dọc dài bất tận của hoài niệm gần như hơi thở của một người Nam Bộ. Thứ hoài niệm quý giá của người đã ở độ tuổi mà ký ức đang dọa dẫm bỏ đi rong.
Nhà thơ Lê Giang tên thật Trần Thị Kim, sinh năm 1930, quê quán Cà Mau. Bà là người vợ tào khang của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ (nhạc sĩ vừa tạ thế sáng ngày 29/3/2025 vừa qua). Hai vợ chồng gắn bó trên 50 năm, cùng viết nên chuyện tình thật đẹp từ tình đồng chí, nghĩa vợ chồng thủy chung, son sắt.
Các tác phẩm đã xuất bản của nữ sĩ:
Thơ: Phím đàn xanh, Bông vạn thọ, Ơi, anh chàng hát rong, Tuyển tập thơ Lê Giang…
Bút ký - Tản văn: Nghiêng tai dưới gió, Còn khóc ngon lành, Khói bếp không tan…
Sách dân ca: Hát ru Việt Nam, Lý tưởng dân ca người Việt, Hò trong dân ca người Việt 300 điệu lý quê hương…
Kịch bản phim tài liệu: Tiếng vọng đồng quê, Âm vang đất nước, Đáp lời sông núi…
Kịch bản và lời ca: Tiếng cồng vượt thác, Đất quê ta Bình Dương, Dòng sông kể chuyện…