Quảng Nam - không chỉ một cái tên
Hôm nay 21/4 - Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam. Trên nhóm Zalo phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm của cậu con trai lớp 7 gửi hình ảnh học sinh hưởng ứng hoạt động kể chuyện theo sách do nhà trường tổ chức kèm theo dòng chia sẻ: “Thế hệ trẻ luôn tự hào là Người Quảng Nam”.

Những ngày qua, việc xác định tên gọi đơn vị hành chính khi tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng sáp nhập với nhau là chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận từ đời sống đến trên mạng xã hội. Và đến nay, gần như chắc chắn danh xưng “Quảng Nam” sẽ không còn trên bản đồ hành chính.
Trên Facebook, khi bàn về điều này, một bạn trẻ chia sẻ suy nghĩ: “Dù sau này mang tên thành Đà Nẵng, thì hình ảnh và con người chân chất Quảng Nam vẫn sống mãi trong tim mỗi người. Mãi yêu, mãi tự hào là người con xứ Quảng”. Rất nhiều bạn trẻ chung cách nghĩ này.
Trong dòng chảy đổi thay của lịch sử, có những cái tên dẫu không còn hiện hữu trên bản đồ hành chính, nhưng vẫn sống mãi trong tâm trí con người và được gìn giữ qua những trang sách. Quảng Nam - vùng đất anh hùng, giàu văn hóa, đậm bản sắc - cũng sẽ là một cái tên như thế.
Tôi tin, sau khi sáp nhập với Đà Nẵng, danh xưng “Quảng Nam” dù không còn một đơn vị hành chính độc lập, nhưng điều đó cũng không thể xóa mờ vai trò, vị thế và bản sắc văn hóa đã được hun đúc qua nhiều thế kỷ.
Tôi tin, trong nhiều người và mỗi người dân xứ Quảng, “Quảng Nam” không đơn thuần chỉ là một địa danh, mà đó còn mang biểu tượng của tinh thần kiên cường, hiếu học, đổi mới và nghĩa khí.
Từ vùng đất này, biết bao nhân tài đã bước ra, góp phần làm rạng danh đất nước, như Nguyễn Duy Hiệu, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…, cùng hàng loạt chí sĩ yêu nước, nhà cách mạng, nhà văn hóa. Từng là nơi hội tụ và giao thoa của nhiều nền văn minh, Quảng Nam là vùng đất kết tinh nhiều tầng lớp lịch sử và văn hóa, làm nên một bản sắc khó trộn lẫn.
Tôi tin, danh xưng “Quảng Nam” sẽ mãi được nhắc nhớ, lưu giữ và trao truyền qua các thế hệ cùng với sách.
Theo các nghiên cứu, nếu tính từ cuốn “Ô Châu cận lục” (hoàn thành từ năm 1553) của Dương Văn An, thì xứ Quảng đã đi vào sách từ 470 năm trước. Còn nếu tính từ cuốn “Xứ Đàng Trong năm 1621” của Cristophoro Borri, thì đã hơn 400 năm.
Từ bấy đến nay, không thể thống kê có bao nhiêu công trình nghiên cứu, bao nhiêu tập sách về đất và người, văn hóa Quảng Nam đã đi vào đời sống.
Những Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, sông mẹ Thu Bồn… và cả giọng Quảng, cá tính Quảng là những biểu tượng văn hóa đã đi vào trang sách một cách sống động, khiến Quảng Nam không chỉ là một khái niệm địa lý, mà trở thành một phần của di sản tinh thần.
Sách chính là nơi “Quảng Nam” được sống mãi - không bị giới hạn bởi ranh giới hành chính hay địa lý.
Sách là nơi mà thế hệ trẻ hôm nay và mai sau có thể tìm lại một vùng đất từng là cái nôi của tinh thần phản kháng, đổi mới và nhân văn.
Nhờ sách, danh xưng “Quảng Nam” không chỉ được nhắc nhớ mà còn được tiếp nối, lan tỏa, đi vào đời sống tinh thần của người dân xứ Quảng và những ai yêu mảnh đất này.
Trong buổi tiếp xúc cử tri vào cuối tuần qua tại TP.Hội An, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - cũng là người con xứ Quảng - đã chia sẻ tâm tình trước những tiếc nuối của cử tri khi không còn danh xưng “Quảng Nam”.
Ông bảo, “Văn hóa truyền thống của xứ Quảng vẫn còn, không thể mất đi do sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Dẫu không còn tên chính danh là Quảng Nam, các thế hệ kế cận có trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa xứ Quảng trong giai đoạn mới”.
Không còn một “Quảng Nam hành chính” không đồng nghĩa với việc một “Quảng Nam văn hóa” biến mất.
“Quảng Nam” - sẽ không lặng lẽ rơi vào quá khứ! Tôi tin!