Chính trị

Hợp nhất Quảng Nam - TP.Đà Nẵng: Cơ hội lịch sử và vận hội mới

NGUYỄN VĂN THI 21/04/2025 09:07

Căn cứ lịch sử hình thành, phát triển của tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, việc hợp nhất hai địa phương rất cần thiết, mở ra vận hội mới cho vùng đất.

dsc09312.jpg
Ngày 18/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội nghị quán triệt các văn bản của Đảng, trong đó có nội dung về việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, lấy tên là TP.Đà Nẵng, Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP.Đà Nẵng hiện nay. Ảnh: TÂM ĐAN

Đánh giá thuận lợi và hạn chế

Quảng Nam và Đà Nẵng có lịch sử hình thành lâu đời, do yêu cầu của từng giai đoạn lịch sử nên có lúc hai địa phương được tách ra, rồi lại nhập vào.

Từ sau ngày đất nước được thống nhất, tháng 10/1975, tỉnh Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà hợp nhất thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đến tháng 1/1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lại tách thành hai đơn vị hành chính: tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.

Trải qua quá trình phát triển, hiện nay đối với tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đều đang tồn tại một số vấn đề cản trở sự phát triển. Cụ thể: Đà Nẵng đang đứng trước thách thức với nền kinh tế quy mô nhỏ, GRDP chỉ chiếm 1,5% GDP của cả nước; chưa có nhiều tập đoàn lớn đầu tư; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã được chú trọng nhưng chưa tạo thành động lực phát triển; vai trò kết nối vùng của Đà Nẵng, đặc biệt là kết nối với Quảng Nam và các địa phương khác ở miền Trung chưa được phát huy đầy đủ.

Đối với Quảng Nam cũng có những hạn chế, trong đó 6 huyện miền núi cao đời sống người dân còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; hạ tầng còn nhiều thiếu thốn; chất lượng đội ngũ cán bộ còn hạn chế, nhất là vùng miền núi, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa nhiều.

Như vậy, so sánh giữa hai địa phương, ưu thế của địa phương này sẽ hỗ trợ cho địa phương kia. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, triển khai các mô hình mới, kể cả việc điều chỉnh đơn vị hành chính đã trở thành yêu cầu cấp thiết để mở rộng dư địa, tái cấu trúc không gian phát triển. Đà Nẵng - Quảng Nam khi hợp nhất sẽ phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế vốn có của hai địa phương.

Cần thiết hợp nhất

Việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu cấp thiết của thời đại, là cơ hội lịch sử; phù hợp về tính văn hóa, lịch sử; đảm bảo cho tương lai nhằm mở rộng không gian phát triển, cùng nhau tạo ra sức mạnh bền vững.

Tái định vị không gian phát triển tự nhiên về kinh tế, gắn kết lịch sử văn hóa và địa lý, từ đó mở rộng tầm nhìn phát triển, hình thành nên thực thể hành chính kinh tế có quy mô đủ lớn, năng lực quản trị đủ mạnh, cạnh tranh cao để hội nhập sâu vào chuỗi giá trị quốc gia cũng như toàn cầu.

Hướng tới mục tiêu hình thành chính quyền số, quản lý số, phát triển đô thị thông minh, vùng kinh tế tích hợp và hành chính linh hoạt giúp giao lưu hành chính được xử lý nhanh, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhân dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, phát huy nguồn nhân lực, tài lực vốn có của Đà Nẵng để đầu tư cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường trạm), giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng trung du, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhất là tại 6 huyện miền núi của Quảng Nam hiện nay.

Khi sáp nhập Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ có cơ hội, môi trường, nguồn lực đầu tư cho công tác giữ gìn và phát huy bản sắc con người xứ Quảng trung dũng, kiên cường, sáng tạo gắn với xây dựng con người thành phố hiện đại, giàu bản sắc, nhân văn, sáng tạo, tri thức cao, văn hóa cao, thu nhập cao, quản trị cao, chất lượng sống cao.

Việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam với TP.Đà Nẵng thành TP.Đà Nẵng nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế vốn có của cả hai địa phương. Phấn đấu xây dựng TP.Đà Nẵng (mới) phải trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam, có năng lực cạnh tranh cao của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cơ hội và vận hội

Hợp nhất thành một đơn vị hành chính sẽ tiếp tục định hình TP.Đà Nẵng là “trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao và khởi nghiệp quốc gia”, tiên phong trong các lĩnh vực mới như: kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế biển; triển khai mô hình “Chính quyền số - Đô thị thông minh - Nền hành chính hiện đại”; xây dựng chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thu hút nhân tài; xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao và tổ chức đảng gắn với mô hình quản trị mới.

Đồng thời tiếp tục nâng cao, có nhiều nguồn lực để chăm lo đời sống người dân, giảm nghèo, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển; tăng cường năng lực quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong mọi tình huống; tăng cường liên kết vùng để phát triển theo tư duy “không biên giới hành chính” giữa các địa phương...

Sau hợp nhất, cần định vị TP.Đà Nẵng không chỉ là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung, mà còn thể hiện vai trò tiên phong dẫn dắt các địa phương khác trong quá trình phát triển hiện đại.

Cần đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế theo hướng nâng cao năng suất lao động và phát huy những tiềm năng, lợi thế; xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do, đô thị biển hiện đại, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch di sản chất lượng cao…

Với không gian phát triển mới, cần xác định rõ vai trò và lợi thế chiến lược riêng như: Cực phát triển công nghiệp, logistics (Chu Lai), trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái (Hội An - Mỹ Sơn), khu vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Quy hoạch tổng thể phải bảo đảm phát triển cân bằng, không để xảy ra tình trạng tập trung quá mức vào trung tâm đô thị ở phía Bắc mà lãng quên tiềm năng quý báu của khu vực phía Nam.

NGUYỄN VĂN THI