Thế giới

Hành động vì hành tinh xanh

NAM VIỆT (kimoanh125@gmail.com) 21/04/2025 11:55

(QNO) - Năm 2025 kỷ niệm 55 năm ngày Trái đất (22/4) ra đời với nội dung trọng tâm kêu gọi thế giới hành động nhiều hơn nữa để tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo vào năm 2030, giải quyết vấn đề khí hậu toàn cầu bởi trái đất đang nóng lên.

nlmt africaeconews
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo năng lượng tái tạo sẽ lần đầu tiên vượt điện than vào năm 2027. Ảnh: Afrcaeconews

Trong thông điệp gửi đi nhân ngày Trái đất 2025, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres lưu ý năm 2024 là năm nóng nhất từng ghi nhận, thập kỷ qua cũng là thập kỷ nắng nóng kỷ lục.

Các nhà khoa học khẳng định khí thải nhà kính đang thải vào khí quyển - chủ yếu do đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính gây nên thảm họa khí hậu từ lũ lụt, nắng nóng đến cháy rừng tàn khốc, cướp đi sinh mạng của nhiều người và sinh kế bị hủy hoại.

Ông Antonio Guterres nhấn mạnh: "Năng lượng tái tạo rẻ hơn, lành mạnh hơn và an toàn hơn so với các giải pháp thay thế nhiên liệu hóa thạch... Tất cả quốc gia phải lập kế hoạch hành động khí hậu quốc gia mới phù hợp với mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C - điều cần thiết để tránh thảm họa khí hậu tồi tệ nhất".

Bên cạnh đó, thế giới cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết ô nhiễm, ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học.

Để đạt được mục tiêu cần có nỗ lực chung. Mọi người đều có vai trò riêng. Mỗi cá nhân có thể đưa ra những lựa chọn thân thiện với môi trường trong cuộc sống hằng ngày như giảm thiểu nhựa dùng một lần, tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Các tập đoàn có thể áp dụng các biện pháp xanh hơn như sử dụng vật liệu tái chế hoặc đầu tư vào công nghệ sạch. Chính phủ có thể tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo. Tất cả để đảm bảo rằng năng lượng sạch có sẵn cho tất cả mọi người.

phys.org.jpg
Chiến dịch trồng 40 tỷ cây xanh từ năm 2019 tại Ethiopia là chương trình trồng rừng quy mô lớn nhất thế giới đến nay. Ảnh: Phys.org

Một thông tin tích cực từ EarthDay.org, đến nay 49 quốc gồm Canada, Thụy Sĩ, Áo, New Zealand, Brazil, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch... tạo ra hơn một nửa lượng điện phục vụ nhu cầu nội địa từ các nguồn năng lượng mặt trời, gió, nước và địa nhiệt.

Nổi bật như Uruguay chuyển đổi ngành năng lượng, chuyển từ phụ thuộc vào nhập khẩu dầu sang tạo ra 98% điện từ các nguồn tái tạo.

Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất hành tinh với hơn 1,4 tỷ người hướng tới mục tiêu đạt được 50% nhu cầu năng lượng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030.

Kenya - quốc gia dẫn đầu ở châu Phi với năng lượng địa nhiệt chiếm gần một nửa sản lượng điện của đất nước. Trong khi đó, 1/3 số hộ gia đình ở Úc sử dụng năng lượng mặt trời. Đến năm 2035, nhu cầu năng lượng ở các quốc gia như Mỹ có thể được đáp ứng bằng các nguồn năng lượng tái tạo.

"Năng lượng tái tạo không chỉ sạch hơn và lành mạnh hơn mà còn đại diện cho cơ hội kinh tế to lớn và sẽ tạo ra 14 triệu việc làm mới trên toàn cầu" - EarthDay.org viết.

Chủ đề ngày Trái đất năm nay: "Sức mạnh của chúng ta, Hành tinh của chúng ta" là lời nhắc nhở rằng mỗi chúng ta đều có vai trò trong việc xây dựng một tương lai lành mạnh hơn, bền vững hơn.

NAM VIỆT (kimoanh125@gmail.com)