Quảng Nam bảo vệ vững chắc biên cương
Với 245,572km đường biên giới, Quảng Nam đã vượt qua thách thức địa hình hiểm trở, thiên tai và các mối đe dọa an ninh để đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, bảo vệ vững chắc chủ quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biên.

Năm 2025 đánh dấu một thập kỷ Quảng Nam nỗ lực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia theo Chỉ thị số 01, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” giai đoạn (2015 - 2025).
Nhiều mô hình sáng tạo
Theo đánh giá, trong 10 năm qua, Quảng Nam triển khai nhiều mô hình hay, huy động sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ biên giới. Các xã biên giới đã đồng loạt phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Phong trào lan tỏa ở nhiều xã vùng biên, vừa nâng cao nhận thức cho đồng bào các bản làng, vừa tạo sự đồng thuận, gắn kết giữa chính quyền và nhân dân trong bảo vệ biên giới.

Thống kê trên toàn tỉnh, hiện nay mô hình “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới” được thành lập với 72 tập thể, 974 hộ gia đình và 1.173 cá nhân tham gia, quản lý hiệu quả toàn bộ biên giới.
Với hơn 160 tổ tự quản an ninh trật tự tuyến biển, tuyến biên giới, công tác bảo vệ biên giới được tăng cường. Các tổ tự quản đã họp định kỳ, phối hợp với lực lượng biên phòng tuần tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.
Tuổi trẻ cũng góp phần quan trọng qua các hoạt động tình nguyện. Tại Nam Giang, Huyện đoàn tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có chương trình “Thanh niên tình nguyện bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới”.
Theo anh Bùi Thế Anh - Bí thư Huyện đoàn Nam Giang, Huyện đoàn tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, kết hợp giúp đỡ, hỗ trợ người dân vùng biên, giúp họ hiểu rõ vai trò của mình trong bảo vệ biên giới. Hoạt động này không chỉ khơi dậy tinh thần yêu nước mà còn xây dựng lối sống trách nhiệm trong thế hệ trẻ.

Tại xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), nhiều ngư dân phối hợp với lực lượng biên phòng tuần tra vùng biển, kịp thời báo cáo các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động trên biển.
Ngư dân vừa đánh bắt trên biển, giúp nhau đoàn kết, khai thác bền vững, vừa là tai mắt của lực lượng bộ đội biên phòng, chung tay giữ gìn vững chắc chủ quyền cương thổ ngoài khơi. Quảng Nam cũng xây dựng mô hình “Tổ tàu thuyền đoàn kết” với 638 tàu thuyền và 3.591 thành viên hỗ trợ nhau bám biển, đồng thời giám sát các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp trên vùng biển của tỉnh.
Lần lượt nhiều mô hình, phong trào trong phát triển kinh tế, đầu tư hạ tầng, chăm lo đời sống, giữ gìn an ninh quốc phòng đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo vệ biên giới, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng giáp biên, vùng còn nhiều khó khăn. Vùng biên thêm xanh, thêm no ấm, được bảo vệ vững chắc nhờ sự đồng tâm, hiệp lực của các cấp ngành và đồng bào dân bản, ngư dân...
Quản lý hiệu quả biên giới
Trong 10 năm qua, Quảng Nam đã quản lý hiệu quả toàn bộ 245,572km đường biên giới, bao gồm cả tuyến đất liền và biển. Lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với công an, quân sự và các đơn vị liên quan xử lý nhiều thông tin, kịp thời ngăn chặn hoạt động xâm phạm chủ quyền, tội phạm xuyên quốc gia.

Quảng Nam đã tổ chức hơn 20.800 lượt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, tuần tra song phương bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, hệ thống đường biên, cột mốc, vùng biển đảo.
Các lực lượng, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương chủ động chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng tỉnh trong ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đặc biệt, từ năm 2020, trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ trì, phối hợp tăng cường lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ kép. Đó là vừa quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia, vừa phòng chống dịch COVID-19 và xuất nhập cảnh trái phép; tổ chức phát động và triển khai thực hiện hiệu quả Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và xuất nhập cảnh trái phép”.

Công tác ngoại giao nhân dân được đẩy mạnh, củng cố mối quan hệ hữu nghị với tỉnh Sê Kông (Lào), góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hợp tác.
Về kinh tế - xã hội, Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người dân khu vực biên giới, từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến xóa đói giảm nghèo. Các hoạt động an sinh xã hội, như cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% thân nhân cán bộ, chiến sĩ và hỗ trợ học nghề cho quân nhân xuất ngũ, được thực hiện bài bản.
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều thách thức đặt ra trong tình hình mới. Theo lãnh đạo UBND tỉnh, ở một số nơi, công tác tuyên truyền vẫn còn thiếu chiều sâu, các lực lượng còn chưa có sự phối hợp đồng bộ. Thiên tai diễn biến phức tạp, địa hình đặc thù ở biên giới đã tác động không nhỏ đến quá trình triển khai bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, thời gian tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, tăng cường tính chính xác trong dự báo tình hình. Đồng thời chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, tăng cường ngoại giao nhân dân. Các cách làm hay, gương điển hình sẽ được nhân rộng phù hợp với đặc điểm tình hình ở các khu vực biên giới.
Quảng Nam sẽ tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Đồng thời ứng dụng công nghệ hiện đại, đẩy mạnh cải cách hành chính. Tỉnh cũng đã đề nghị Bộ Quốc phòng đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, nhằm đảm bảo an ninh và nâng cao đời sống người dân.