Quảng Nam phát triển sâu rộng tín dụng chính sách
Hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh phát triển sâu rộng, tạo việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân, góp sức phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam.

Điểm sáng Thăng Bình
Tổng doanh số cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Thăng Bình trong quý I/2025 là 70 tỷ đồng, thu nợ đạt 48 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng chính sách của địa phương tăng so với đầu năm là 22 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đạt 971 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng hơn 11% dư nợ toàn tỉnh).
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Thăng Bình đang triển khai 16 chương trình cho vay ưu đãi gồm cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay đầu tư nhà ở xã hội, cho vay học sinh - sinh viên…
Hộ ông Trần Quang Phương (thôn Phước Ấm, xã Bình Triều, Thăng Bình) đang có dư nợ tín dụng chính sách là 91 triệu đồng. Năm 2023, ông Phương đã vay 100 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thăng Bình đầu tư 8 hồ lót bạt để nuôi cá lóc. Ở mỗi hồ, ông Phương nuôi 20 nghìn con, nhờ chăm sóc tốt, tỷ lệ hao hụt thấp, cá sinh trưởng nhanh nên thu được sản lượng khá.
“Sau 9 tháng nuôi, ở mỗi hồ tôi thu 10 tấn cá lóc thương phẩm bán được khoảng 500 triệu đồng. Tôi sẽ tăng quy mô nuôi cá lóc trong thời gia đến” - ông Phương nói.
Hay hộ anh Nguyễn Phước Nam (thôn Phương Châu, xã Bình Triều) vay 100 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thăng Bình để kinh doanh cà phê.
Không chỉ mua cà phê ở Tây Nguyên về rang rồi bán sỉ cho các hộ kinh doanh cà phê trong và ngoài huyện Thăng Bình, anh Nam còn bán các loại máy xay cà phê, pha cà phê. Để mở rộng kinh doanh ra phạm vi ngoài tỉnh, anh đã tìm đến nguồn tín dụng chính sách của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thăng Bình.
Ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện cho biết, đưa tín dụng chính sách đến với người dân, địa phương kỳ vọng giảm nghèo bền vững, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh và góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
“Rất đáng mừng là đến nay, tín dụng chính sách đã bao phủ khắp các địa bàn dân cư đem lại hiệu quả rõ rệt, nhất là người dân làm ăn đạt, trả nợ và gửi tiền tiết kiệm để làm giàu thêm nguồn vốn tín dụng chính sách” - ông Húy nói.
Phát triển rộng khắp
Theo thống kê của Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn đến ngày 31/3 đạt gần 8.293 tỷ đồng (tăng hơn 212,5 tỷ đồng so với đầu năm). Tổng doanh số cho vay trong quý I/2025 đạt hơn 703,5 tỷ đồng với 10.866 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, chính sách được vay vốn. Tổng doanh số thu nợ toàn chi nhánh trong quý I/2025 đạt gần 494 tỷ đồng (bằng 70,19% doanh số cho vay).

Đến ngày 31/3, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 8.270 tỷ đồng (tăng gần 210 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng 2,6%) với 141.014 khách hàng còn dư nợ. Chất lượng tín dụng chính sách tiếp tục giữ vững, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh đến ngày 31/3 chỉ chiếm 0,18% tổng dư nợ.
Ông Lê Hùng Lam - Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, cán bộ tín dụng chính sách phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh và đoàn thanh niên nhận ủy thác vốn vay để tuyên truyền sâu rộng về tín dụng chính sách trong nhân dân. Đồng thời tinh giản các thủ tục để giúp người dân nhanh chóng tiếp cận vốn vay ưu đãi làm kinh tế, đầu tư nước sạch, đầu tư nhà ở xã hội; xuất khẩu lao động…
Tín dụng chính sách xã hội Quảng Nam đã phát triển rộng khắp các huyện, thị xã, thành phố, nhất là giúp đồng bào vùng cao làm ăn hiệu quả, qua đó thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
“Chúng tôi tiếp tục tham mưu HĐND, UBND tỉnh bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng chính sách để thực hiện cho vay xóa nhà tạm, nhà dột nát; cho vay người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; cho vay nhà ở xã hội; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Cùng với đó là áp dụng đồng bộ các giải pháp để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách” - ông Lam nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn - Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam đánh giá cao hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Trong quý I/2025, nguồn vốn tín dụng chính sách được giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, hộ cận nghèo, chính sách. Tăng trưởng dư nợ đảm bảo theo kế hoạch; công tác huy động vốn dân cư và các tổ chức kinh tế được duy trì tốt.
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cần triển khai tốt Chỉ thị số 39, ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong tình hình mới, đóng góp vào công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.