Phát triển kinh tế vườn ở Đại Lộc
Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại đã tiếp thêm động lực giúp nông dân huyện Đại Lộc mạnh dạn đầu tư, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại thu nhập cao cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hỗ trợ cải tạo, chỉnh trang vườn
Cách đây 4 năm, nhận thấy trồng keo không mang lại giá trị kinh tế cao, ông Võ Bảy (thôn Nam Phước, xã Đại Tân) chuyển đổi, cải tạo toàn bộ 3.500m2 đất trồng keo sang trồng cây ăn quả.
Khi được tư vấn, thông tin về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, ông Bảy đã đăng ký để được hưởng lợi từ cơ chế để có thêm kinh phí thuê máy móc san ủi, cải tạo đất, bắt đầu trồng bưởi ruby Thái Lan, bưởi da xanh, dừa, quýt, cam, hồng xiêm… Đến nay, cây bưởi và cam đã cho thu hoạch vụ đầu, giúp ông có nguồn thu nhập khá.
Ông Bảy cho biết: “Để có được khu vườn trồng cây ăn trái sạch sẽ, sum sê quả như hiện nay, tôi đã đầu tư hơn 100 triệu đồng, trong đó được Nhà nước hỗ trợ gần 50 triệu đồng xây dựng giếng khoan và chỉnh trang vườn, xây dựng tường rào. Đây là nguồn tiếp sức rất lớn để tôi xác định hướng đi lâu dài với kinh tế vườn”.
Cũng tại thôn Nam Phước, vườn trái cây của ông Nguyễn Văn Sơn rộng 1.000m2 trồng ổi và bưởi nhưng hiệu quả không cao do gặp khó trong việc tưới tiêu. Từ sự tiếp sức của Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh, ông Sơn được hỗ trợ 12 triệu đồng đầu tư giếng tưới, hệ thống tưới, chỉnh trang vườn tược.
Ông cải tạo toàn bộ diện tích vườn tạp, mở rộng diện tích vườn trồng cây ăn quả lên 3.000m2. Nhờ được cải tạo, chỉnh trang, lại đảm bảo nước tưới nên vườn cây xanh tốt, trĩu trái. Năm 2024, gia đình ông thu hơn 30 triệu đồng từ bán trái cây trong vườn.
“Từ khi có hệ thống tưới dẫn khắp vườn, tôi chỉ cần bật công tắc là hệ thống tưới tự động tưới đều cho cả vườn, cây đủ nước, đủ phân, phát triển tốt, doanh thu tăng gấp 2 - 3 lần trước kia. Nếu không có hỗ trợ từ Nhà nước, tôi không dám mở rộng thêm diện tích vì vùng này rất khó khăn về nguồn tưới trong mùa hạn” - ông Sơn nói.
Sở hữu vườn chè rộng tới 3.500m2 nhưng mỗi năm gia đình bà Bùi Thị Hương (xã Đại Thạnh) chỉ hái được 2 lứa chè tươi. Khi có cơ chế từ Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh, gia đình bà được cán bộ nông nghiệp tư vấn cải tạo vườn tạp, hỗ trợ đào giếng, xây dựng hệ thống tưới nước tự động và phân bón… với nguồn hỗ trợ hơn 40 triệu đồng. Nhờ đảm bảo nguồn nước và loại bỏ dần cây tạp nên vườn chè có điều phát triển xanh tốt, mỗi tháng cho thu nhập khá.
Tạo động lực cho kinh tế vườn
Ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng Nông nghiệp & Môi trường huyện Đại Lộc chia sẻ, Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh triển khai trên địa bàn Đại Lộc đã giúp nông dân tập trung phát triển các loại cây ăn quả lâu năm như mít, bưởi, ổi, dừa...

Ngoài ra, có một số ít vườn trồng cây công nghiệp lâu năm như chè và cây hàng năm. Theo khảo sát, hiện Đại Lộc có khoảng 250 vườn với tổng diện tích khoảng 50ha; trong đó có khoảng 200 vườn nhà, 50 vườn đồi. Có 120 vườn hoàn thành việc cải tạo, chỉnh trang, chủ yếu là vườn nhà với diện tích khoảng 15ha...
Cũng theo ông Trần Việt Phương, từ các cơ chế, chính sách của Nghị quyết 35, toàn huyện hỗ trợ tạo nguồn nước (chủ yếu là giếng khoan) cho 67 vườn; hỗ trợ hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho 51 vườn; hỗ trợ chi phí chỉnh trang vườn tược cho 73 vườn; hỗ trợ chi phí cây giống đối với 12 vườn.
Tổng vốn giải ngân hơn 2,7 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn năm 2023 hơn 2,3 tỷ đồng, năm 2024 hơn 330 triệu đồng. Trong đó xã Đại Thạnh 19 vườn, Đại Sơn 6 vườn, Đại Chánh 11 vườn, Đại Tân 26 vườn, Đại Thắng 8 vườn...
“Hiện, nhu cầu hỗ trợ của chủ vườn, chủ trang trại rất lớn. Từ năm 2024 tới nay, Phòng NN-PTNT, nay là Phòng Nông nghiệp & Môi trường huyện đã nhận 100 hồ sơ đề nghị hỗ trợ, song nguồn kinh phí hỗ trợ gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhìn chung, bên cạnh tồn tại, hạn chế nhất định thì việc hỗ trợ đã tạo đà phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại ở địa phương” - ông Phương nói.