Chính quyền - đoàn thể

Sắp xếp đơn vị hành chính:Cán bộ Mặt trận Quảng Nam phát huy trách nhiệm vì công việc chung

TÂM ĐAN (vinhanh88@gmail.com) 23/04/2025 12:00

Thời gian qua, đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên ở cơ sở phát huy tinh thần trách nhiệm trong tuyên truyền, triển khai lấy ý kiến nhân dân về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

z6529950348387_84d1ef9f5b7c436411256eb27aa57df3.jpg
Lấy ý kiến cử tri hộ gia đình xã Thăng Phước (Hiệp Đức) về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Ảnh: TÂM ĐAN

Lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, ngày 21/4/2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (khóa XXII) đã họp và thống nhất ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TU về điều chỉnh tên gọi đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã (mới) thay thế phương án đã ban hành theo Nghị quyết số 45 ngày 18/4/2025 của Tỉnh ủy. Sau khi có nghị quyết mới, các địa phương đã triển khai ngay việc lấy ý kiến cử tri để hoàn tất thủ tục triển khai các bước tiếp theo.

Xuyên đêm lấy ý kiến

Thôn Phú Toản (xã Thăng Phước, Hiệp Đức) có 155 hộ. Từ chiều 21/4, sau khi có chỉ đạo của xã, bà Trần Thị Mai Thơ - Trưởng ban Công tác mặt trận (CTMT) thôn Phú Toản cùng các thành viên quân dân chính và tổ đoàn kết triển khai ngay việc lấy ý kiến cử tri về tên gọi của ĐVHC sau sắp xếp.

Cụ thể là lấy ý kiến cử tri về việc thành lập xã Việt An trên cơ sở nhập xã Thăng Phước, xã Bình Sơn, xã Quế Thọ, xã Bình Lâm (thay tên gọi là xã Hiệp Đức 2).

Bà Thơ cho biết, tổ công tác của thôn phân công nhiệm vụ, khối lượng thực hiện cho từng thành viên. Các thành viên tranh thủ thời gian ban đêm và sáng sớm đến từng hộ để lấy ý kiến cử tri.

Bà nói: “Hiện nay, người dân đang vào vụ thu hoạch lúa và thời tiết ban ngày nắng nóng. Để triển khai nhanh gọn, đạt kết quả cao, chúng tôi động viên nhau tranh thủ lấy ý kiến cử tri vào ban đêm và lúc sáng sớm, khi bà con chưa ra đồng.

Dù khá vất vả nhưng với sự đồng lòng của tất cả các thành viên, đến hơn 8 giờ sáng 22/4, thôn Phú Toản đã về đích sớm, hoàn thành lấy ý kiến, với 100% cử tri đồng ý phương án sắp xếp và tên gọi ĐVHC mới”.

Theo bà Thơ, cùng với việc phát phiếu lấy ý kiến, các thành viên trong tổ cũng tuyên truyền, giải thích cho người dân về chủ trương sắp xếp ĐVHC, về lý do thay đổi tên gọi xã mới… Qua lấy ý kiến, một số cử tri băn khoăn và bảy tỏ mong muốn có một ĐVHC xã mới lấy tên “Hiệp Đức”…

Ông Lê Thanh Luận - Chủ tịch UBND xã Thăng Phước cho biết: “Sau khi xã họp và quán triệt, các tổ công tác đã vào cuộc triển khai nhanh chóng việc lấy ý kiến cử tri lần 2. Mặc dù vất vả nhưng xác định là nhiệm vụ chính trị đặc biệt nên cán bộ xã, thôn đều nhiệt tình, trách nhiệm để hoàn thành theo chỉ đạo” - ông Luận nói.

Được phân công phụ trách xã Quế Lưu, sáng 22/4, ông Huỳnh Hữu Cường - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hiệp Đức cho biết đã về địa phương để theo dõi, động viên cán bộ cơ sở thực hiện việc lấy ý kiến cử tri. Qua theo dõi, đội ngũ cán bộ từ cấp ủy xã đến khu dân cư đều hết sức trách nhiệm vì chủ trương chung. Công tác tuyên truyền cũng được chú trọng để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

“Lãnh đạo huyện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện ghi nhận, biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ cơ sở và khu dân cư đã hết lòng vì việc chung” - ông Cường cho biết.

Theo ông Huỳnh Hữu Cường, trước chủ trương tinh gọn bộ máy, sắp xếp ĐVHC, cán bộ mặt trận, các tổ chức thành viên có những tâm tư, lo lắng. Tuy nhiên, các nhiệm vụ theo kế hoạch đều được Mặt trận và các tổ chức chính - xã hội từ huyện đến cơ sở triển khai nghiêm túc, không có sự chùn bước, xao nhãng…

Tuyên truyền tạo sự đồng thuận

Tại hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã vừa qua, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh vai trò quan trọng của khâu lấy ý kiến nhân dân trong thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC. Tại cơ sở, tổ công tác lấy ý kiến cử tri do trưởng ban công tác mặt trận thôn/tổ dân phố làm tổ trưởng.

Theo ông Lê Trí Thanh, trong thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC, trách nhiệm của Mặt trận có 2 việc, đó là tiến hành lấy ý kiến cử tri và tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành tốt chủ trương. Trong quá trình tiến hành lấy ý kiến cử tri, cán bộ cơ sở phải giải thích cho nhân dân hiểu, đồng thuận chủ trương ở mức cao nhất trên tinh thần “thấu hiểu, mềm dẻo, linh hoạt” để vừa đạt mục tiêu, yêu cầu vừa tạo sự đồng thuận của người dân.

“Tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ, hiểu sâu và chấp hành, thực hiện nghiêm túc chủ trương quan trọng của Trung ương về sắp xếp ĐVHC. Trong đó, phải xác định đây là cơ hội Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình, là cuộc cách mạng mang tính lịch sử; từng người dân, cán bộ đảng viên phải thấm nhuần, trách nhiệm với đất nước, quê hương.

Muốn giải thích cho nhân dân hiểu thì trước hết cán bộ phải hiểu, nhất là hiểu được vai trò của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay, đó là tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân hướng đến sự đồng thuận cao nhất trong các tầng lớp nhân dân.

Hơn lúc nào hết, vai trò của Mặt trận phải được phát huy tối đa lúc này. Trong thực hiện các nhiệm vụ, Mặt trận cần chú ý nắm tình hình nhân dân tại địa phương, địa bàn phụ trách để báo cáo, xử lý kịp thời; tránh để các đối tượng xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động, lôi kéo…” - ông Thanh nói.

Quảng Nam phân bổ 45 tỷ đồng kinh phí xóa nhà tạm

Ngày 18/4/2025, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Ban Vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh có Quyết định số 209 về việc phân bổ số tiền 45 tỷ đồng từ nguồn kinh phí vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh về ban vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát 8 địa phương. Bao gồm các huyện: Tiên Phước, Quế Sơn, Hiệp Đức, Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My để hỗ trợ xây mới 553 nhà và sửa chữa 394 nhà cho các trường hợp theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Môi trường. Mức hỗ trợ xây mới 60 triệu đồng/nhà, sửa chữa 30 triệu đồng/nhà.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường có văn bản hướng dẫn về đối tượng hỗ trợ cụ thể. Đồng thời đề nghị UBND 8 huyện nêu trên chủ trì, phối hợp với ban vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát cùng cấp tổ chức xét chọn đối tượng theo đúng hướng dẫn; lập danh sách và tổ chức hỗ trợ kịp thời; kiểm tra, giám sát việc xây dựng, sửa chữa nhà của đối tượng, chịu trách nhiệm đối với danh sách được xét chọn...(VINH ANH)

Mặt trận Thăng Bình tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Thực hiện chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2024 - 2029, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình phối hợp với Đồn Biên phòng Bình Minh triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Cụ thể, hai bên đã phối hợp tổ chức hơn 5 hội nghị tuyên truyền về tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; thông tin các quy định về tình hình bảo vệ chủ quyền biển đảo, các văn bản của Nhà nước về khai thác thủy hải sản cho ngư dân 4 xã ven biển; trao tặng hơn 1.000 lá cờ Tổ quốc, 1.500 áo phao cứu sinh cho ngư dân hoạt động trên biển; giúp xây dựng 5 nhà đại đoàn kết cho hộ gia đình khó khăn trên địa bàn các xã ven biển với tổng số tiền 300 triệu đồng.

Trong công tác an sinh xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cùng Đồn Biên Phòng Bình Minh đã kết nối triển khai mô hình “Con nuôi biên phòng”, “Nâng bước em đến trường”, “Lớp học tình thương” cho trẻ em khuyết tật… Ngày 18/4 vừa qua, Mặt trận huyện và Đồn Biên phòng Bình Minh đã trao tặng 30 suất quà cho gia đình chính sách và học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.(TÂM ĐAN)

TÂM ĐAN (vinhanh88@gmail.com)