Kỷ vật chiến tranh và giá trị của hòa bình
“Hồi nớ cô nhỏ xí, ròm riết mà liều lắm. Cũng biết dị chớ, nhưng lên kế hoạch rồi thì làm thôi.” Cô Thưởng cười rộn ràng kể lại câu chuyện năm 17 tuổi dùng “mỹ nhân kế” diệt được hai tên lính Mỹ.

Cô là Phan Thị Thưởng, sinh năm 1950 tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình - vùng đất sau này 3 lần được phong anh hùng (2 danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và danh hiệu Anh hùng lao động). Trong mỗi cuộc trò chuyện cùng tôi, cô thường nhắc lại những ngày đi theo Cách mệnh, tham gia đội du kích xã từ khi 14 tuổi.
Người con gái kiên trung
Trong ký ức cô vẫn còn rõ mồn một, chuyển xảy ra là vào năm 1967. Trời chạng vạng, cô Thưởng cùng hai đồng chí nữ khoác tay dẫn dụ hai tên tính Mỹ ra phía rừng dương gần bãi biển, nơi có mấy bụi gai long tua tủa, cao ngang đầu người.
Theo kế hoạch thì phải bắt sống, nhưng bọn địch “đánh hơi” được nên rút súng trước. Các anh du kích đã bố trí sẵn nhanh trí bắn hạ giặc. Sau chiến công đó, cô Thưởng vinh dự được kết nạp vào Đảng. Cô theo học y tá và đi phong trào khắp 6 xã vùng sâu xứ Quảng. Bề ngoài là chữa bệnh cho dân nhưng thật ra cô âm thầm cứu chữa cho bộ đội.

Trong một buổi chiều nhá nhem của tháng 3/1970, cô cùng đồng đội chuẩn bị rút lên cơ sở ở vùng núi phía Tây thì bị giặc phục kích và bắt tại chợ Bà (xã Bình Giang). Hơn 4 năm trời, cô bị nhốt ở nhà lao Thăng Bình, rồi đưa vào nhà lao Quảng Tín, còn suýt phải tới Côn Đảo.
Những ngày tháng sống trong tù cực khổ không tả nổi. Bọn giặc tra tấn rất tàn bạo, nào đổ xà phòng vào miệng rồi đạp lên bụng cho nước trào ra, chích điện ngất xỉu, dùng roi điện quất tím người... Cô ám ảnh nhất là khi bị treo lên cao bằng dây lạt tre. Cầm chặt thì dây cứa đứt tay, mà buông ra sẽ rơi xuống đất...
Khi tôi thắc mắc trong tù không thấy ánh mặt trời thì biết nhìn vào đâu để sống? “Đây, mặt trời của cô đây.” Nói đoạn, cô Thưởng mở bìa đựng hồ sơ, cẩn thận lấy ra hai chiếc khăn tay và một cái vỏ gối còn nguyên vẹn. Cô gửi gắm ước mong hòa bình vào những chiếc khăn tay thêu hình hoa hướng dương và chim bồ câu trắng. Trong quyển sổ vẽ phác họa hình ảnh để thêu, dù là con nai hay chim phụng đều ngẩng cao đầu.
Những đường thêu tinh xảo và cá tính. Tôi thật sự bất ngờ. Có ai nghĩ đôi bàn tay ban ngày bị chích điện tê liệt, tối đến vẫn có thể tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ. Cô cuộn vở và vải thêu trong bọc ny lon, tới đêm khuya đục tường, xẻ tường để nhét vào cất giấu.

Những chiếc khăn tay, áo gối được tạp dịch đem ra ngoài bán giùm hoặc gửi lên cơ sở trên núi để tặng đồng đội. Các đảng viên nữ tại Chi bộ nhà lao Quảng Tín đã cùng nhau thêu 41 chiếc khăn tay gửi tặng Đại hội thi đua của tỉnh vào năm 1972. Thiệt quá tài tình!
Có lần, cô đang thêu khăn tặng Thị ủy thì bị bắt gặp. Nhìn thấy dòng thơ: “Mong cho đất nước chóng thành công/ Cho thuyền Hà Nội xuôi dòng vào Nam”, bọn giặc tức anh ách, nhốt cô trong xà lim, còng tay và chân vào một chỗ, bắt ngồi suốt 17 ngày liền.
“Chứng nhân” lịch sử
Ý chí của cô Thưởng cùng thế hệ đi trước thật đáng khâm phục. Ở trong tù, còng đã tra vào tay, xích đã khóa chặt chân, nhưng họ vẫn không ngừng đấu tranh.
Mượn cớ chỉ bày nhau thêu khăn tay, nhưng thật ra là thì thầm về những kế hoạch lớn lao. Mỗi đảng viên vận động quần chúng nhân dân không được đầu hàng. Cuộc chiến này “lấy dân làm gốc”. Nên người dân ở trong tù cũng phải được quan tâm sát sao, phải giữ vững “thế trận lòng dân”, cùng hướng về Cách mạng.
Dù bị còng ngoài hành lang gió lạnh hay phải phơi nắng gắt, cô Thưởng cùng mọi người vẫn quyết tâm tuyệt thực, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Họ thành công đòi được quyền thăm nuôi, tạo điều kiện cho đồng đội đóng giả làm người nhà vào truyền tin, liên lạc với cơ sở.

Giữa năm 1974, cô Thưởng được thả tự do. Một năm sau, nước nhà độc lập. Những bức thêu tay trong tù trở thành kỷ vật chiến tranh mà cô Thưởng trân trọng cất giữ.
Hóa ra, vải vóc và chỉ thêu có thể lưu giữ được lâu tới vậy mà vẫn mới tinh. Hóa ra, lý tưởng Cách mạng của một thời tuổi trẻ, dù có qua hơn 50 năm hay bao lâu chăng nữa, vẫn nguyên sơ như thuở đầu.
Cô Thưởng nâng niu mấy bức thêu tay 55 tuổi như báu vật, bởi chúng ghi dấu những năm tháng thanh xuân sôi nổi của bản thân. Không chỉ để con cháu biết được vẻ đẹp của hòa bình, mà còn là nhắc nhớ chính mình.
Những ngày tháng thanh bình ở hiện tại được đánh đổi bằng máu xương của đồng đội, bằng một thời vất vả đấu tranh. Vì thế, cuộc đời về sau phải sống xứng đáng với những năm tháng hào hùng đã qua.