Tài chính - Thị trường

Doanh nghiệp xuất khẩu Quảng Nam trước cơn bão thuế quan

TRỊNH DŨNG (trinhdungbqn@gmail.com) 25/04/2025 09:39

Vụ Mỹ áp thuế suất 46% khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Thương giới đang tìm mọi phương cách để tồn tại, vượt qua giai đoạn khó khăn này.

THUE SUAT (5)
THACO xuất sơ mi rơ moóc và thiết bị dân dụng sang Mỹ tại cảng Chu Lai. Ảnh: TRỊNH DŨNG

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn

Ngày 3/2/2025, trong số lô hàng hơn 300 container THACO xuất khẩu qua cảng Chu Lai ngay đầu năm Ất Tỵ (mùng 6 tháng Giêng) có các lô hàng lớn sơ mi rơ moóc (SMRM) các loại, thiết bị dân dụng sang Mỹ.

Kế hoạch năm 2025 của THACO Industries (Tập đoàn thành viên THACO trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ) sẽ xuất khẩu 2.800 sản phẩm SMRM các loại sang thị trường Bắc Mỹ, 50.000 sản phẩm thiết bị dân dụng sang Bắc Mỹ.

Thống kê quý I/2025, trong số 12 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm cơ khí vào thị trường Mỹ qua cảng Chu Lai, kim ngạch trên 3,5 triệu USD thì 11 doanh nghiệp cơ khí của THACO đã chiếm trên 3,4 triệu USD.

Không chỉ SMRM hay nhiều sản phẩm khác của THACO Group xuất sang Hoa Kỳ mở tờ khai tại Hải quan cảng Kỳ Hà, phần nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp (KCN) phía nam Quảng Nam cũng xuất sang thị trường này với lượng hàng hóa lớn, chủ yếu hàng thời trang như giày dép, hàng may mặc gia công của các doanh nghiệp FDI...

Hiện nay, trên địa bàn quản lý của Hải quan cảng Kỳ Hà có 39 doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa qua Mỹ với nhiều loại hàng hóa như may mặc, giày da, cơ khí, nội thất, điện tử.

THUE SUAT (7)
Sơ mi rơ moóc xuất sang Mỹ là một trong những thương vụ lớn của doanh nghiệp Quảng Nam. Ảnh: TRỊNH DŨNG

Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu qua Mỹ năm 2024 của 39 doanh nghiệp (12 doanh nghiệp hàng cơ khí, 3 doanh nghiệp hàng điện tử, 1 doanh nghiệp giày da, 2 doanh nghiệp hàng nội thất và 21 doanh nghiệp hàng may mặc) đạt 271 triệu USD và 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 54 triệu USD.

Cụ thể: kim ngạch xuất khẩu của các ngành hàng năm 2024 và quý I/2025 lần lượt: may mặc hơn 173 triệu USD và 35,5 triệu USD; điện tử gần 17,8 triệu USD và 2,9 triệu USD; cơ khí gần 14,9 triệu USD và hơn 3,5 triệu USD; giày da gần 51,4 triệu USD và 10,3 triệu USD; hàng nội thất 14,1 triệu USD và 2,3 triệu USD.

So với kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp mở tờ khai tại Hải quan cảng Kỳ Hà thì kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ năm 2024 chiếm 34,61% và 3 tháng đầu năm chiếm 33,31%. Nhóm hàng may mặc của 21 doanh nghiệp chiếm hơn 60% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ tại khu vực Hải quan cảng Kỳ Hà quản lý.

Theo UBND tỉnh, Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Quảng Nam với các sản phẩm chính như may mặc, giày da, sản phẩm gỗ, thiết bị điện tử, bóng đèn, chíp điện tử, sợi, lều cắm trại, bọc ghế sofa, SMRM, thiết bị, sản phẩm cơ khí, linh kiện phụ tùng ô tô...

Ông Nguyễn Văn Dương - Chi cục phó Chi cục Hải quan khu vực XII cho biết, tại Quảng Nam có khoảng 52 đến 60 doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang thị trường Mỹ với 16 nhóm hàng. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 435 triệu USD, quý I/2025 đạt 97 triệu USD, chiếm nhiều nhất là hàng may mặc, linh kiện điện tử, cơ khí, sản phẩm gỗ.

Tỷ trọng kim ngạch của các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ chiếm 12-18% trong toàn bộ doanh nghiệp xuất khẩu (khoảng gần 400 doanh nghiệp).

Chờ đợi và hy vọng

Mỹ công bố mức thuế đối ứng 46% áp dụng cho Việt Nam, ảnh hưởng lớn đến hàng loạt ngành nghề như đồ gỗ, nội thất, dệt may, điện tử, cơ khí... đã khiến nhiều doanh nghiệp bị sốc, không biết phải ứng phó thế nào trước “cơn bão thuế quan” này. Họ đang chờ đợi vào sự đàm phán, gia hạn trong 90 ngày tới sẽ có kết cuộc khả quan hay không.

THUE SUAT (8)
Doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc của Quảng Nam được cho là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu như Mỹ áp thuế suất 46%. Ảnh: TRỊNH DŨNG

Ông Lê Quý Đạt - Chi cục trưởng Chi cục Thống kê Quảng Nam nói, xét về góc độ ngân sách thì sản xuất, kinh doanh chủ yếu của địa phương và ô tô, thủy điện, du lịch chỉ dành cho nội địa thì không ảnh hưởng nhiều.

Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam nói, doanh nghiệp xuất khẩu địa phương không quá lớn. Chủ yếu là doanh nghiệp FDI và THACO liên quan đến xuất khẩu là chính. Doanh nghiệp lĩnh vực này vẫn chưa có ý kiến gì trước vụ áp thuế suất 46%. Các cơ quan nhà nước vẫn tiếp tục đàm phán với Mỹ để tìm giải pháp thích hợp.

Tập đoàn THACO có nhiều thương vụ sang Mỹ hàng trăm triệu USD chưa có động thái gì, nhưng phần lớn thương giới xuất hàng đi Mỹ tỏ ra lo lắng. Đại diện một doanh nghiệp giấu tên nói, hiện nay chưa phải mùa cao điểm các đơn hàng, nhất là đồ gỗ xuất đi Mỹ, nên khó đo lường thiệt hại. Tuy nhiên, khá nhiều doanh nghiệp đã tạm ngừng xuất khẩu.

Ông Phan Đức Tú - Giám đốc Công ty TNHH may Mỹ Hưng - Phú Thịnh nói, nếu Mỹ áp dụng mức thuế 46% thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp và rất xấu đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Khách hàng sẽ hủy đơn hàng đang sản xuất, không đặt hàng cho kế hoạch tiếp theo. Họ sẽ dịch chuyển đặt hàng ở những nước có thuế suất thấp hơn. Hy vọng Việt Nam sẽ có giải pháp và đàm phán phù hợp. “Công nhân rất lo lắng. Doanh nghiệp phải trấn an, chờ vào kết quả đàm phán” - ông Tú nói.

Theo ông Nguyễn Văn Dương, tỷ trọng doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ không lớn. Tuy nhiên, với số lượng công nhân lớn tập trung ở các doanh nghiệp may mặc, điện tử như CCI, Reiker, May Việt Vương... có thể ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc làm, thu nhập công nhân.

Hải quan cảng Kỳ Hà nhìn nhận, nếu Mỹ áp dụng thuế suất 46% sẽ gây ảnh hưởng đến rất nhiều ngành sản xuất của Việt Nam và các doanh nghiệp tại địa bàn quản lý của đơn vị. Đặc biệt là nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ như linh kiện điện tử, dệt may, da giày…

Ông Tống Viết Minh - Đội trưởng Hải quan cảng Kỳ Hà cho biết, thông tin thuế suất vừa công bố, hải quan đã chủ động liên hệ với doanh nghiệp trên địa bàn có hàng hóa xuất khẩu đi Hoa Kỳ để cập nhật thông tin về tình hình xuất nhập khẩu, mức độ ảnh hưởng, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ. Một số công ty cho biết khách hàng đã dừng một số hợp đồng.

Một số công ty vẫn chưa nhận được thông tin từ khách hàng. Tuy nhiên, dự báo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xuất khẩu. Một số doanh nghiệp đã tăng tốc độ sản xuất để đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu hàng hóa qua Hoa Kỳ trước ngày 9/4/2025.

“Hải quan bố trí cán bộ kinh nghiệm, trực nghiệp vụ giải quyết thông quan 24/7 (kể cả ngày lễ), tạo điều kiện thông quan nhanh cho hàng hóa xuất khẩu, nguyên liệu, vật tư máy móc, thiết bị nhập khẩu cho các hợp đồng gia công, sản xuất và sản phẩm xuất khẩu trước ngày 9/4/2025 và cơ hội trong 90 ngày chưa áp mức thuế suất mới” - ông Minh nói.

TRỊNH DŨNG (trinhdungbqn@gmail.com)