Người Cơ Tu bắn rơi máy bay Mỹ
Pơloong Nhập là người Cơ Tu bắn rơi máy bay Mỹ chỉ với khẩu súng trường 3693. Chiến công này cũng đã đi vào văn chương qua tác phẩm “Bức thư làng Mực” của nhà văn cách mạng Nguyễn Chí Trung.
Đau xót khi quê hương bị giặc càn
Pơloong Nhập sinh ra và lớn lên trong một gia đình người dân tộc Cơ Tu giàu truyền thống cách mạng tại vùng núi cao thuộc xã Bến Yên, huyện Bến Giằng cũ (nay thuộc huyện Nam Giang).
Cũng như rất nhiều thanh niên miền núi khác, ngay từ thuở thiếu niên, Pơloong Nhập đã là một tay cung, tay ná giỏi của buôn làng.
Lớn lên, chứng kiến cảnh quê hương bị cày xới bởi bom đạn của kẻ thù, Pơloong Nhập quyết tâm gia nhập đội du kích của xã để đánh giặc. Với sự gan dạ, mưu trí, Pơloong Nhập đã bắn rơi máy bay địch bằng súng bộ binh trên chiến trường Quảng Nam lúc bấy giờ…
Theo cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Nam Giang 1945 - 1975” (Huyện ủy Nam Giang, tháng 1/2004): Giữa năm 1962, địch nắm được thông tin vùng Bến Yên, huyện Thống Nhất (huyện được thành lập vào tháng 8/1960 trên cơ sở hợp nhất các huyện Bến Giằng, Hải Nam, Bến Hiên và miền Tây Hòa Vang) là bàn đạp của quân giải phóng hoạt động xuống cánh Bắc Quảng Nam.
Vì vậy, ngày 20/6/1962, chúng đã mở cuộc hành quân càn quét quy mô với lực lượng tham gia hơn tiểu đoàn. Địch chia thành 3 mũi hành quân lùng sục. Mũi thứ nhất từ Trung Phước (Quế Sơn) tiến qua, mũi thứ hai từ Thượng Đức lên Khe Hoa và mũi thứ ba từ Bến Giằng theo đường 14 tràn xuống.
Mỗi cánh quân còn có thêm một đại đội của địch tăng cường. Mục đích của cuộc hành quân là tìm diệt và đánh phá vào vùng núi rừng nơi mà chúng cho là có lực lượng của ta đứng chân hoạt động.
Biết được âm mưu của địch, được sự chỉ đạo của Huyện ủy huyện Thống Nhất, nhân dân vùng thấp và vùng trung du đã chuyển vào rừng để bí mật dựng làng, xây dựng làng chiến đấu và làm rẫy để tăng gia sản xuất.
Bộ đội địa phương huyện phối hợp với đội du kích xã Bến Yên triển khai ngay kế hoạch tác chiến. Suốt ba ngày chiến đấu, lực lượng của ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 15 tên địch, từng bước đẩy lùi cuộc hành quân càn quét của chúng, bảo vệ an toàn cho khu căn cứ của ta.
Với việc hạ máy bay khu trục của Mỹ chỉ bằng khẩu súng trường 3693, Pơloong Nhập là người mở đầu phong trào dùng súng bộ binh hạ máy bay địch. Với chiến công của mình, Pơloong Nhập đã được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba. Và điều đặc biệt, vào năm 1969 khi ở trên rừng chiến khu Quảng Nam, nhà văn Nguyễn Chí Trung đã dựa vào chiến công này để viết nên truyện ngắn “Bức thư làng Mực”...
Chiến công làng Mực
Chịu những tổn thất lớn và cay cú về sự chống trả quyết liệt của ta, ngày 24/6/1962, địch điều máy bay khu trục với sự hướng dẫn của máy bay trinh thám đã ném bom oanh tạc làng chiến đấu và vùng rẫy bí mật của người dân làng Mực.
Khi một chiếc máy bay khu trục bổ nhào xuống ném bom chưa kịp bay lên thì bị Pơloong Nhập bắn cháy. Trong cuốn “Những sự kiện lịch sử huyện Giằng 1885 - 1975” (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1989) cũng đã ghi lại chi tiết về sự kiện này.
“Lúc bấy giờ, Pơloong Nhập đang ngồi đưa nôi ru đứa con gái nhỏ của anh ngủ. Còn vợ anh và bà con nhân dân trong làng đang ở ngoài rẫy.
Thấy máy bay địch đánh bom xuống đúng vùng rẫy bí mật của làng với tiếng bom nổ, khói đá và đất tung lên mù mịt. Pơloong Nhập thương vợ, thương dân làng, căm thù Mỹ - Diệm, ghét con “ma trời”.
Anh để con gái nằm yên trong nôi rồi vác cây súng trường 3693 (đây là cây súng trường do Huyện đội Duy Xuyên tặng cho Huyện đội Thống Nhất và được giao cho du kích làng Mực giữ để chiến đấu) lao về phía rẫy.
Để bảo vệ cho vợ con, cho dân làng, cho sự yên bình của làng bản với cây súng trường trên tay Pơloong Nhập quyết tâm hạ cho bằng được chiếc máy bay to kềnh trên bầu trời kia.
Anh nhanh nhẹn và khéo léo men theo những bờ đất, tảng đá vào giữa khu vực rẫy, nấp bên một gốc cây to và giương súng chờ đợi.
Khi chiếc máy bay chúi xuống thật gần khu vực rẫy và trong tầm bắn của mình, Pơloong Nhập bình tĩnh ngắm bắn rồi bóp cò.
Một tia lửa lóe lên trên thân chiếc máy bay rồi sau đó vụt cháy dữ dội. Pơloong Nhập mừng quá đỗi, anh cất tiếng hú to và dài vang vọng cả núi rừng, gọi bà con dân làng, gọi những người đồng đội.
Từ những nơi ẩn nấp trong rẫy, dân làng hò reo đáp lời anh và chạy ra khỏi nơi ẩn nấp. Ai cũng phấn khích khi chứng kiến cảnh tượng chiếc máy bay bốc lửa đang lao về phía núi…
Hai hôm sau, dân làng và du kích phát hiện ra xác chiếc máy bay khu trục nằm rã cánh tại một địa điểm thuộc làng Dung. Tin truyền Pơloong Nhập hạ được máy bay Mỹ - Diệm như gió lan nhanh khắp núi rừng miền Tây xứ Quảng. Chỉ trong vòng một hai ngày cả huyện Thống Nhất đều biết tin và hết sức vui mừng, phấn khởi”.