Nhà nước và cử tri

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam lấy góp ý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

HÀN GIANG (hangiang84@gmail.com) 25/04/2025 14:47

(QNO) - Sáng nay 25/4, chuẩn bị nội dung tham gia Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

anh gop y 1
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước gợi ý hội nghị thảo luận, góp ý vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

Hội nghị do Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước chủ trì. Đại diện lãnh đạo các sở ngành, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực IX và Thanh tra các địa phương Tam Kỳ, Núi Thành, Thăng Bình, Tiên Phước tham dự.

Gợi ý hội nghị thảo luận, theo Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước, Luật Thanh tra năm 2022 được ban hành và triển khai thực hiện đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bên cạnh đó, thực hiện Kết luận số 134, ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; yêu cầu sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tập trung, thống nhất về một đầu mối theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương; khắc phục những hạn chế, chồng chéo, trùng lắp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả...

anh gop y 2
Đại biểu thảo luận tại hội nghị. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

Dự thảo Luật Thanh tra lần này bao gồm 9 chương và 64 điều (so với Luật Thanh tra 2022 đã kế thừa 30 điều; lược bỏ 54/118 điều; sửa đổi, hoàn thiện 23 điều; bổ sung 11 điều).

Về cơ bản các đại biểu thống nhất cao với nội dung dự thảo Luật. Nhiều ý kiến thảo luận đã phân tích, đánh giá thực tiễn hoạt động của ngành thanh tra; các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi pháp luật, cũng như những điểm mới mà dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này đang điều chỉnh.

Góp ý vào các nội dung quan tâm, một số ý kiến cho rằng, tại điểm h, khoản 1 Điều 17 của dự thảo quy định: "Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của quyết định xử lý sau thanh tra của Giám đốc sở, Chủ tịch UBND cấp xã khi cần thiết". Cụm từ "khi cần thiết" này đang gây khó hiểu. Dự thảo cần nêu rõ khi nào là cần thiết, khi nào không cần thiết.

Tương tự, cũng cần thể hiện rõ cụm từ "khi cần thiết" tại khoản 3, Điều 17 của dự thảo khi quy định: "Đề nghị Giám đốc sở, Chủ tịch UBND cấp cơ sở cử công chức có chuyên môn phù hợp tham gia Đoàn thanh tra của Thanh tra tỉnh khi cần thiết".

anh gop y 3
Đại diện lãnh đạo Thanh tra tỉnh góp ý, trao đổi thêm về các nội dung được hội nghị thảo luận. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

Nhiều ý kiến thảo luận cũng quan tâm đến Chương IV quy định về "Nhiệm vụ, quyền hạn của người tiến hành Thanh tra". Đáng chú ý, tại điểm l, khoản 1 Điều 38 (chương IV) của dự thảo quy định: "Quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý kết quả thanh tra; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định xử lý về thanh tra".

Với quy định như trên tại điểm l, khoản 1 Điều 38, một số đại biểu đề xuất nghiên cứu bổ sung thẩm quyền xử phạt cho Chánh Thanh tra tỉnh. Nghĩa là nêu rõ thẩm quyền của Chánh Thanh tra tỉnh trong trường hợp này có hoặc không có thẩm quyền xử phạt theo quy định của nghị định xử phạt...

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước ghi nhận các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu; đồng thời cho rằng, đây là những thông tin rất cần thiết để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nghiên cứu, tiếp thu và lựa chọn tham gia thảo luận, góp ý tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới; góp phần xây dựng hoàn thiện, đảm bảo luật khi ban hành có tính khả thi, sớm đi vào thực tiễn cuộc sống.

HÀN GIANG (hangiang84@gmail.com)