Giáo hoàng Francis - biểu tượng của hòa bình
Ngày 21/4/2025, Giáo hoàng Francis - biểu tượng của lòng nhân ái và hòa bình, đã qua đời, để lại niềm tiếc thương sâu sắc cho hàng triệu người trên khắp thế giới.

Giáo hoàng Francis tên thật là Jorge Mario Bergoglio, sinh năm 1936 trong một gia đình gốc Ý tại thủ đô Buenos Aires của Argentina. Năm 2001, ông được phong hồng y. Năm 2013, Giáo hoàng Benedict XVI từ chức và Hồng y Bergoglio được bầu lãnh đạo Giáo hội, là vị giáo hoàng đầu tiên thuộc dòng Tên và cũng tạo nên lịch sử khi trở thành giáo hoàng đầu tiên từ khu vực Mỹ Latinh.
Là người lãnh đạo Giáo hội Công giáo có khoảng 1,4 tỷ tín đồ trên khắp thế giới, Giáo hoàng Francis được nhắc đến là Giáo hoàng của hòa bình, vì hòa bình. Những chuyến viếng thăm liên tục của Ngài đã thể hiện sự gần gũi, chia sẻ với người đang phải gánh chịu hậu quả của một trong những thảm họa bất công nhất do con người gây ra: chiến tranh.
Tờ Vaticanews viết, khẩu hiệu kêu gọi hòa bình của Giáo hoàng Francis không bao giờ mất đi sức mạnh. Trong lễ ban phước lành Urbi et Orbi Phục sinh, một ngày trước khi ngài qua đời, Giáo hoàng vẫn nhắc đến các điểm nóng xung đột, kêu gọi các bên hạ vũ khí và hướng đến đối thoại.
Giáo hoàng Francis nói: “Hãy cầu nguyện cho hòa bình, hãy làm tất cả những gì có thể vì hòa bình. Đừng quên rằng chiến tranh luôn là thất bại”. Như đề cập tình hình ở Gaza, Giáo hoàng Francis kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và thả con tin: “Cuộc xung đột khủng khiếp tiếp tục gây ra cái chết và hủy diệt, tạo ra tình trạng nhân đạo kinh hoàng và tồi tệ”.
Khi đề cập Myanmar - nơi bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất vào tháng 3 vừa qua, Ngài kêu gọi mọi người đừng quên giúp đỡ người dân Myanmar và hãy tiếp tục các hoạt động cứu trợ. Vào tháng 3/2021, Giáo hoàng Francis đi vào lịch sử khi là giáo hoàng đầu tiên đến Iraq. Tại đó, Ngài mang đến thông điệp về sự đoàn kết và hy vọng cho quốc gia bị tàn phá bởi nhiều năm xung đột...
Những nỗ lực của Giáo hoàng Francis nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và phẩm giá con người đóng vai trò như một lời nhắc nhở về các giá trị chung gắn kết chúng ta.
Di sản của Ngài sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho những nỗ lực hướng tới sự hòa hợp, đồng cảm và hy vọng trong mọi tín ngưỡng và cộng đồng. Giáo hoàng Francis khẳng định, Giáo hội, giống như bất kỳ tổ chức nào, đều có “đức tính và tội lỗi” và kêu gọi các nhà báo tập trung vào “chân, thiện và cái đẹp” trong quá trình làm việc.
Sinh thời, Giáo hoàng Francis mở cửa nhà thờ ra thế giới bên ngoài theo cách riêng, đích thân gặp gỡ và chia sẻ với người nghèo, từng biến quảng trường Vatican thành nơi trú ẩn cho những người vô gia cư.
Tháng 3/2022, Giáo hoàng công bố cải cách mang tính bước ngoặt, cho phép bất kỳ giáo dân nào đã được rửa tội, kể cả phụ nữ, có thể đứng đầu hầu hết cơ quan của Vatican. Như việc Giáo hoàng Francis bổ nhiệm ba phụ nữ vào một ủy ban cố vấn, hỗ trợ ông lựa chọn các giám mục trên thế giới. Năm 2023, Giáo hoàng cho phép phụ nữ lần đầu tiên trong lịch sử được bỏ phiếu tại Thượng Hội đồng Giám mục ở Rome.
Đức Hồng y Goh nhận định: “Giáo hoàng Francis luôn đồng hành với người nghèo và người đang đau khổ. Ngài có thể hiểu được những khát vọng và nỗi đau khổ mà mọi người đang trải qua. Ngài đã mang tình yêu của Chúa đến với mọi người, bất kể họ là ai và họ thuộc tôn giáo nào”.
Giáo hoàng Francis từng nói, lời cầu nguyện được xác minh bằng lòng bác ái đích thực, thể hiện qua sự gặp gỡ và gần gũi với mọi người. Và hãy để lời cầu nguyện chuyển thành hành động cụ thể!