Bảo vệ thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh
(QNO) – Nạn trộm sâm, sâm giả xuất hiện trên thị trường; lỗ hổng trong kiểm định sản phẩm cũng như bất cập trong quản lý nhà nước đã được nhận diện. Vì vậy, khi triển khai Đề án hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực, Quảng Nam sẽ tập trung vào giữ vững an ninh vùng trồng, kiểm soát giống và nâng cao hệ thống giám sát chất lượng, tạo ra rào chắn đủ vững chắc để bảo vệ thương hiệu quốc gia.

(QNO) – Nạn trộm sâm, sâm giả xuất hiện trên thị trường; lỗ hổng trong kiểm định sản phẩm cũng như bất cập trong quản lý nhà nước đã được nhận diện. Vì vậy, khi triển khai Đề án hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực, Quảng Nam sẽ tập trung giữ vững an ninh vùng trồng, kiểm soát giống và nâng cao hệ thống giám sát chất lượng..., tạo ra rào chắn đủ vững chắc để bảo vệ thương hiệu quốc gia.
Bài 1: "Sâm tặc" hoành hành
(QNO) - Vùng trồng sâm trọng điểm trên đỉnh Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã, đang phải đối mặt với tình trạng trộm cắp đáng báo động. Chỉ trong vài tháng gần đây, hàng loạt vụ trộm quy mô lớn đã xảy ra khiến người dân trắng tay, doanh nghiệp điêu đứng và nguy cơ mất an ninh vùng sâm hiện hữu.

Mất trắng tiền tỷ
Đến thời điểm này, ông Bùi Như Chương, một hộ trồng sâm lâu năm tại nóc Măng Lùng (thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My), vẫn chưa nguôi bức xúc khi nhắc lại vụ trộm diễn ra hồi cuối tháng 11/2024. Vườn sâm hơn 3ha mà ông dày công gây dựng từ năm 2012, trong một đêm đã bị kẻ gian đào sạch hơn 300 gốc. Trong số sâm bị mất, có hơn 50 gốc mới 5 năm tuổi, phần còn lại từ 8 đến 15 năm tuổi - đều là loại sâm đang ở giai đoạn phát triển tốt nhất, đạt chất lượng cao. Ước tính số lượng lên tới 25kg, trong đó có 10 củ nặng hơn 1,2kg. Tổng giá trị thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng.
Vườn của tôi được đánh giá là nơi đầu tư bài bản nhất huyện Nam Trà My với hệ thống camera giám sát lắp đặt dày đặc từ năm 2013, rào chắn kiên cố đến ba lớp và phân tầng theo từng lứa sâm lớn nhỏ khác nhau. Trước nay, thỉnh thoảng tôi cũng có mất vặt vài củ, nhưng chưa bao giờ xảy ra vụ lớn như thế này.
Ông Bùi Như Chương
Cùng thời điểm, vườn sâm liền kề của ông Hồ Văn Du (thôn 2, xã Trà Linh) cũng bị trộm khoảng 200 củ, ước tính thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Điều trớ trêu là cả hai vườn đều nằm trong khu vực được đánh giá là có hệ thống bảo vệ khá tốt, lại thường xuyên có người túc trực, tuần tra.
[VIDEO] - Các đối tượng lẻn vào trộm sâm vườn ông Bùi Như Chương do camera ghi lại:
Không chỉ ông Chương và ông Du, nhiều hộ dân khác ở Nam Trà My cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Huỳnh Ngọc Đài (thôn 3, xã Trà Nam) trồng hơn 2.000 gốc sâm từ 6 đến 8 năm tuổi. Đầu năm nay, khi sương mù phủ kín rừng, ông Đài phát hiện vườn bị trộm hơn 850 gốc sâm.
“Tôi lên thăm vườn mà ngồi thụp xuống đất, không tin nổi. Hàng trăm gốc bị bứng đi, không còn dấu vết. Kẻ trộm quá rành địa hình, biết chọn thời điểm mưa gió để ra tay, camera không ghi nổi gì” - ông Đài kể lại.

Tại xã Trà Nam, ông Trần Xuân Hiệp - đại diện cho một nhóm hộ trồng sâm, cho biết, nhóm đã mất gần 600 gốc sâm 6 năm tuổi chỉ trong một đêm tháng 2/2025. Được biết, nhóm hộ này đã phân công lịch trực, chia nhau bảo vệ, nhưng trong lúc lơ là đã gây tổn thất lớn. Tổng thiệt hại lên đến gần 1 tỷ đồng.
Nạn trộm sâm không chỉ diễn ra ở những hộ trồng sâm cá thể hay nhóm hộ, ngay cả doanh nghiệp với hệ thống an ninh, cảnh báo đảm bảo tiêu chuẩn cũng không tránh khỏi. Đơn cử vào cuối năm 2024 vừa qua, Công ty CP Trồng trọt và chế biến dược liệu Quảng Nam bị trộm 700 gốc sâm 4 năm tuổi, thiệt hại khoảng 1,4 tỷ đồng; Công ty TNHH Win Win đã cũng bị trộm hơn 1.800 gốc sâm Ngọc Linh, độ tuổi từ 5 đến 15 năm thiệt hại ước tính lên đến 10 tỷ đồng .
Cuối tháng 11/2024, Công an huyện Nam Trà My đã bắt giữ Hồ Thanh Đức (sinh năm 2003) và 2 thiếu niên cùng trú tại thôn 1, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My trộm hơn 300 gốc sâm của một nhóm hộ trồng sâm trên địa bàn huyện.
[VIDEO] - Ông Bùi Như Chương chia sẻ về tác hại của việc trộm sâm:
Thủ phạm là người bản địa
Trên đỉnh Ngọc Linh - nơi được mệnh danh là "thủ phủ quốc bảo", mất trộm sâm không còn là chuyện lạ. Nhưng điều khiến người dân lo lắng nhất, không phải là các đối tượng từ nơi khác đến, mà là chính những người địa phương, từng làm thuê, từng quen địa hình, hiểu rõ giờ giấc và cả hệ thống bảo vệ của từng vườn.

Ông Bùi Như Chương chia sẻ: “Trên vườn sâm này, tôi đầu tư gần 20 camera, hệ thống cảnh báo hiện đại, 3 lớp rào chắn thế nhưng kẻ trộm vẫn lọt vào. Điều này chứng tỏ, các đối tượng này phải rành chỗ tôi lắm chứ không thể là người lạ được. Sau này cơ quan công an bắt được nhóm thủ phạm, thì đúng là người địa phương, từng làm thuê lâu năm tại vườn lân cận. Họ biết từng ngóc ngách, thậm chí biết vị trí các lối phụ mà chỉ người trong nhà mới nắm rõ”.
[VIDEO] - Ông Hồ Văn Dang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh thông tin về vấn nạn trộm cắp sâm trên địa bàn:
Tình trạng “nội gián” như vậy không phải hiếm, theo anh Hồ Văn Dấu - Tổ trưởng tổ bảo vệ sâm nóc Măng Priu (thôn 3, xã Trà Linh), hầu hết vụ trộm lớn đều liên quan đến người địa phương. Các vườn sâm thường nằm ở độ cao 1.500 - 2.000m, cách xa khu dân cư, phải đi bộ vài giờ mới tới nơi và có lực lượng trực bảo vệ 24/24h. Chỉ người thân quen, từng làm công, hoặc có người trong tổ chỉ lối mới có thể lẻn vào mà không bị phát hiện.

Tổ bảo vệ sâm nóc Măng Priu gồm 46 hộ dân, mỗi ngày có 4 người trực ngày và 6 người trực đêm, chia phiên liên tục. Nhưng điều đáng lo là một số đối tượng trộm bị phát hiện trước đây đều là người trong làng.
Có vụ trộm nhỏ, đối tượng chính là con em trong nóc. Bằng những lệ làng, chúng tôi buộc họ phải trả lại sâm, bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, ở những nóc sâm khác, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhiều đối tượng cấu kết với người ngoài, tuồn sâm ra thị trường đen. Đây là nguy cơ lớn nếu không kiểm soát kịp thời
Anh Hồ Văn Dấu
Theo anh Dấu, việc trộm sâm không chỉ là hành vi cá nhân nữa mà đang trở thành một chuỗi hành vi có tổ chức, có người chỉ điểm, có người lấy sâm, người vận chuyển và người tiêu thụ. Chính sự thiếu răn đe mạnh, cùng việc xử lý nội bộ nhẹ tay khiến tội phạm không sợ.
[VIDEO] - Anh Hồ Văn Dấu - Tổ bảo vệ sâm nóc Măng Priu, xã Trà Linh, Nam Trà My chia sẻ về mong muốn được nâng cao năng lực bảo vệ cây sâm Ngọc Linh:
Cần mạnh tay xử lý
Ông Nguyễn Đức Lực - Chủ tịch Hội Sâm Ngọc Linh Quảng Nam thông tin, từ tháng 11/2024 đến nay, đã có hơn 4.000 gốc sâm bị mất cắp, tổng thiệt hại ước khoảng 20 tỷ đồng. Trước đây, sâm chỉ mất trộm ở vùng gần dân cư, bây giờ những hộ trồng sâm ở nơi có địa hình hiểm trở, ít kiểm soát như xã Trà Nam cũng bị mất sâm, điều này khiến cho cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.
"Trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển Trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia tại Quảng Nam, sâm Ngọc Linh đang trở thành cây chủ lực. Việc để sâm bị đánh cắp không kiểm soát chẳng khác nào tự tay đánh mất cơ hội phát triển dài hạn" - ông Lực nói.
[VIDEO] - Ông Nguyễn Đức Lực - Chủ tịch Hội Sâm Ngọc Linh Quảng Nam chia sẻ về tác hại của nạn trộm sâm:
Ông Hồ Văn Dang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho rằng, sâm lấy trộm thường được tuồn ra chợ đen, sau đó bán lẫn với hàng thật, khó có thể kiểm soát chất lượng. Thị trường sâm Ngọc Linh đang đứng trước nguy cơ mất niềm tin từ người tiêu dùng. Một cây sâm bị trộm là một cây không thể xác minh nguồn gốc làm khách hàng nghi ngờ. Mỗi vụ mất trộm không chỉ gây thiệt hại cho hộ dân, mà làm hỏng cả uy tín của cộng đồng trồng sâm hàng chục năm gây dựng.

Trước thực trạng này, ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, huyện từng có chuyên án an ninh sâm do Công an huyện đảm nhiệm. Nhưng từ khi giải thể Công an huyện đến nay, lực lượng bị mỏng, việc bảo vệ vùng sâm thuộc trách nhiệm của Công an xã và các nhóm hộ dân.
Chúng tôi đang đề xuất tỉnh hỗ trợ hình thành lực lượng chuyên trách bảo vệ vùng sâm, tương tự như bảo vệ rừng đặc dụng. Phải có cơ chế mạnh, có công nghệ hỗ trợ, có cơ quan thường trực xử lý. Nếu không có giải pháp tổng thể, vùng nguyên liệu quý của cả nước này sẽ không thể an toàn phát triển
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My
Thực hiện: PHAN VINH - HỒ QUÂN
Bài 2: Thách thức bảo vệ thương hiệu